Truyền thông Trung Quốc đang “rủ nhau” làm thân với Mỹ sau quyết định tham gia vào cuộc tập trận chung do Hải quân Mỹ dẫn đầu, đồng thời nhiệt tình rung chuông “cảnh báo thế giới trước những mối đe dọa hạt nhân từ Nhật".
“Rút ngắn khoảng cách” với Mỹ
Theo thông tin chính thức từ nhật báo Quân Giải phóng, hải quân Trung Quốc đã xác nhận sẽ gửi 4 tàu, bao gồm cả một tàu khu trục tên lửa và một tàu khu trục đến cuộc tập trận kéo dài 5 tuần ở Thái Bình Dương.
Hải quân Trung Quốc không ngừng phát triển trong những năm qua |
Bài báo cho biết thêm rằng, hải quân của 23 quốc gia, trong đó có cả Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ tham gia vào cuộc tập trận đa quốc gia bắt đầu từ 26/6 này.
Thông tin tập trận chung với Mỹ được xác nhận ngay trong thời điểm Bắc Kinh đang tỏ ra “lên gân lên cốt” căng thẳng với Mỹ vì những xung đột thương mại trong việc Mỹ áp dụng luật chống bán phá giá lên sản phẩm pin mặt trời do Trung Quốc sản xuất và Bắc Kinh phản pháo bằng việc kêu gọi tẩy chay và “tố” nhiều hãng công nghệ Mỹ có hành vi “ăn cắp thông tin và gián điệp”.
Trên trang Tin tức Bắc Kinh, một bài xã luận đã nhấn mạnh rằng Trung Quốc đã triển khai các tàu tiên tiến nhất của mình để tham gia vào cuộc tập trận bất chấp những “tranh cãi nảy lửa” giữa Bắc Kinh và Washington trong hàng loạt vấn đề ngoại giao và kinh tế.
“Trung Quốc đã tích cực hồi đáp lời mời và thể hiện sự tương tác thân thiện và minh bạch giữa quân đội hai nước (Mỹ-Trung)”, bài báo này tranh thủ tự tâng bốc mình.
Thêm vào đó, tờ Tin tức Bắc Kinh còn nhấn nhá thêm rằng Trung Quốc muốn “rút ngắn khoảng cách” giữa hải quân Trung Quốc và hải quân các nước khác thông qua việc tham gia cuộc tập trận này.
“Đây là lần đầu tiên Trung Quốc gửi đi một hạm đội cao cấp như vậy. Điều đó thể hiện rằng quân đội Trung Quốc hy vọng học tập từ Mỹ và các nước khác thông qua cuộc diễn tập này”, bài xã luận ve vuốt.
Trong khi đó, Tân Hoa xã trích đăng lời của Zhang Junshe, một chuyên gia quân sự tại Viện nghiên cứu Hải Quân Trung Quốc, nói rằng việc Trung Quốc tham gia vào cuộc diễn tập sẽ giúp tăng cường “tin tưởng lẫn nhau” và giảm thiểu những “hiểu nhầm” giữa Mỹ và Trung Quốc.
Một chuyên gia quân sự khác của Trung Quốc, Song Zhongping, lại cho rằng việc Mỹ mời Trung Quốc tham dự cuộc tập trận là vì “Washington hy vọng sẽ quan sát và đánh giá được khả năng của hải quân Bắc Kinh thông qua cuộc tập trận này”.
Và vì thế, theo ông Shong, việc “Trung Quốc đồng ý tham gia cuộc tập trận đã thể hiện sự tự tin của Bắc Kinh vào tiềm lực quân sự và tăng tính minh bạch trong việc phát triển hải quân của mình”, tờ thời báo Hoàn Cầu trích đăng.
“Cảnh giác cao độ” với Nhật
Đó đây, báo chí Trung Quốc đang lên tiếng kêu gọi nhau cùng cảnh giác cao độ với Nhật vì nước này đã không giải trình rõ ràng về 640kg plutonium trong bản báo cáo thường niên gửi lên IAEA trong năm 2012 và 2013.
Theo bài báo trên nhật báo Trung Quốc, Bắc Kinh đang “đòi hỏi Nhật Bản phải giải thích và có những hành động cụ thể để giải quyết” vấn đề này.
Nhân danh “cộng đồng quốc tế”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh, đã lên tiếng “hy vọng Nhật Bản phải đưa ra câu trả lời và có hành động cụ thể càng sớm càng tốt”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh, chỉ trích Nhật Bản trong cuộc họp báo ngày 9/6 |
Tờ thời báo Hoàn Cầu, một trong những tờ báo nổi tiếng với phong cách hiếu chiến, giờ đây lại ra lời kêu gọi rằng cộng đồng quốc tế phải “theo dõi sát sao Nhật Bản” vì số lượng plutonium trên có thể “đủ để sản xuất khoảng 80 quả bom hạt nhân”.
“Cộng đồng quốc tế phải đối phó với hành vi của Nhật, coi đó là một hành vi nghiêm trọng.
Đồng thời, cần phải xem xét ý định chiến lược của Tokyo trong việc này và tra soát xem liệu Nhật Bản có đang che giấu những nguyên liệu hạt nhân khác trong cùng thời điểm đó hay không”, tờ báo này “đề cao cảnh giác” cho cộng đồng quốc tế.
Bản tin được thực hiện dựa trên tham khảo, lược dịch từ các nguồn tin như Xinhuanet, China Daily, Beijing News, Global Times và BBC.
Mới nhất
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét