Nghĩ dọc đường tang
> Đưa linh cữu Đại tướng xuống sân bay Đồng Hới
> Chùm ảnh Gia đình Đại tướng trên máy bay
TP - Tinh mơ rời đường hoa - hoa của dân xếp dãy dài dặc trước cổng 30 Hoàng Diệu. Rời đường người suốt đêm xếp hàng viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp tận 5 giờ hơn mà điểm chót vẫn tận mãi cuối đường Lê Thánh Tông, hối hả làm cho kịp vài việc vặt. Vậy mà vẫn suýt nhỡ chuyến chuyên cơ trên đường tang vô Quảng Bình...
Linh cữu Đại tướng Võ Nguyên Giáp về tới Quảng Bình. Anh: Xuân ba. |
1.Chính xác như lịch trình kế hoạch đã phổ biến. Chiếc Airbus 321 mang số hiệu VN-1911 (năm sinh Đại tướng) chở gia đình Đại tướng và Ban tổ chức tang lễ xuất phát sau 5 phút nối theo chuyên cơ số 1 loại ATR-72 mang số hiệu VN- 103 (tuổi Đại tướng) chở thi hài Đại tướng.
Mấy bận từng lộ vân tuyến Nội Bài - Đồng Hới vậy mà vẫn nôn nao bồi hồi. Dưới cánh bay kia dường như khang khác mây thường? Chợt thoáng thấy chút sắc nắng lóe trong tầng mây nõn những tưởng ông Cao Xanh đương làm cái việc rải vàng mã lót đường tang?
Mây thường đã khang khác. Ngó quanh thì cũng người thường, quen thân cả đấy thế mà trên máy bay tịnh chẳng một lời vui cho khuây khỏa? Lặng lẽ, nghiêm ngắn. Chừng như một lời nói to, một tiếng cười khẽ cũng sợ thất thố? Chừng như ai cũng muốn, cũng cần phải đẹp quanh cái chết của một người thân?
Phóng viên nước ngoài duy nhất trên chuyên cơ là cô Catherine Karnow, người chụp ảnh Đại tướng năm 1994 ở Điện Biên.
12 giờ hơn, giọng cô phát thanh viên báo máy bay đương giảm độ cao. Dưới vòng lượn rộng kia là miền Trung. Vòng hẹp hơn là Quảng Bình.
Chiếc chuyên cơ ATR-72 xuống chậm hơn so với chiếc Airbus 321. Tôi ngó ra ngoài vòng ngoài sân bay thấy người ken đặc tưởng cũng đông chật và vừa, hóa ra, khi ra khỏi sân bay mới biết là cỡ hàng vạn người ken chật hai bên đường suốt từ sân bay Đồng Hới về tới ngã ba bắt vào đường lên huyệt mộ.
2. Chợt nhớ đến một nhân vật kiệt hiệt của đất Quảng Bình, Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh từng được truy phong Thượng đẳng thần Khai quốc công thần. Huân công của vị quan dưới triều Chúa Nguyễn Phúc Chu từng mở mang bờ cõi Đại Việt kể ra đây sao cho xiết. Nội đền miếu thờ ông có khắp nước, nhất là Sài Gòn và các tỉnh phía Nam.
Tận Nam Vang cũng có. Riêng cái việc ky húy tên ông, người mạn trong có bao giờ dám gọi cảnh mà kêu bằng kiểng. Người ta đã tỉ mẩn thử thống kê có tới hai mấy âm bình, những là địa danh tên đất, tên sông suối của đất Quảng Bình được người con của đất quê hương huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình rinh vào Sài Gòn, Nam Bộ để khai sinh cho những vùng miền của xứ đất mới do chính ông trực tiếp chỉ huy việc mở mang, khai khẩn.
Có chi na ná Nguyễn Hữu Cảnh với Đại tướng Võ Nguyên Giáp? Cùng quê Quảng Bình lam lũ, khó nghèo (có sách chép Nguyễn Hữu Cảnh sinh ở Ninh Bình hoặc Tống Sơn, Thanh Hóa là lầm. Tống Sơn nơi phát tích 9 chúa 13 vua nhà Nguyễn; trực hệ tổ Nguyễn Kim ở Gia Miêu Ngoại trang nay là Hà Long Hà Trung, Thanh Hóa chỉ là quê gốc của Nguyễn Hữu Cảnh. Ninh Bình lại càng không). Thế mà nhà ấy, ông quan Nguyễn Hữu Dật, cháu trực hệ Nguyễn Trãi, đã dưỡng Đại Việt chi công kế tổ tông chi nghiệp sinh hạ, cung cấp cho nhà Nguyễn khi ấy 4 người con trai đều là danh tướng, trong đó có Nguyễn Hữu Cảnh. Họ Nguyễn bên Quảng Ninh, họ Võ bên Lệ Thủy.
Cả hai lập thân dấy nghiệp đều không phải đất Quảng Bình mà ở hai đầu đất nước. Thành Gia Định Sài Gòn, đất Trấn Biên - Đồng Nai và sâu nữa, miệt Nam Bộ giáp với đất Miên một tay Nguyễn Hữu Cảnh khai cơ mở lối thành những địa danh hành chánh của xứ cuối Đàng Trong.
Một vận hội mới hội long vân khi vị GS dạy sử trường Thăng Long Võ Nguyên Giáp gặp được Hồ Chí Minh bên Trung Quốc. Trở về Tân Trào, đận ốm nặng tưởng khó qua khỏi, Người cố húp bát cháo thuốc của ông ké người Tày của Võ đệ dâng, Bác Hồ căn dặn Võ Nguyên Giáp mọi điều, trong đó có câu dù đốt cháy dãy Trường Sơn cũng phải giành cho được độc lập, tự do.
Hai thầy trò ấy cùng nhiều đồng chí của mình đã biết dậy khơi sức mạnh dân chúng, giành lại giang sơn An Nam từ tay giặc ngoại xâm mà đổi thành quốc hiệu Việt Nam dân chủ cộng hòa! Rồi sau nữa nối thêm huân nghiệp những Điện Biên Phủ, Điện Biên Phủ trên không và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Lẩn mẩn nghĩ đến những đền đài, miếu mạo thờ người con đất Quảng Bình Nguyễn Hữu Cảnh (mất năm 1700) giăng khắp Trung Nam Bắc mà đến thế kỷ XXI này, người ta vẫn tiếp tục nối cái việc xây mới. Vậy nên gẫm thấy thật thấm cái câu bộc trực, ngang thẳng của dân ta là có lý lắm Thương dân dân lập đền thờ/Hại dân dân đái ngập mồ thấu xương.
Đại tướng nhà mình hình như dân chưa kịp lập đền thờ hoành tráng, nhưng người đã kịp choán chỗ một cách nhi nhiên vi nhiên tự bao giờ trong tâm tưởng lương dân nước Việt này rồi?
Khi nằm xuống, cả hai đấng ấy đều có nguyện vọng về quê. Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh mất ở Rạch Gầm tít tận phương Nam. Nếu thuở ấy có chuyên cơ, Chúa Nguyễn tất dùng ngay nghi lễ ấy với bậc Thượng đẳng thần cùng Khai quốc công thần này.
Nhưng giống như Đại tướng lưu lại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Lê Thánh Tông, ngài cũng qua thủ tục đình cữu (dừng quan tài) ở thành Gia Định để dân đến lễ viếng. Khác là ngài phải qua thủ tục quyền táng (được chôn tạm) ở đất Gia Định, ít năm sau mới sang cát về quê Quảng Ninh, Quảng Bình.
Người nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chuyên cơ. Anh: Xuân Ba. |
3.Những tấm gương nghĩa liệt, tiết liệt lịch sử Đại Việt thì cũng chỉ nghe. Nhưng hậu thế nước Nam bây giờ nhỡn tiền một thứ tày liếp sinh vi tướng tử vi thần đó là Tướng Giáp. Đại tướng nhà mình sinh thời dẫu có những khuất khúc này khác vẫn liền cái mạch dương trợ như chữ Chúa Nguyễn trực tiếp viết tặng Nguyễn Hữu Cảnh hộ quốc tí dân (hộ dân giúp nước). Bây giờ, Đại tướng về cõi, về với đất quê Quảng Bình.
Sinh thời người vi tướng, chiểu theo mạch tâm linh tử tế thủy chung của người Việt, chắc hẳn khi mất sẽ vi thần? Thần thánh là một cách nói khác đi của việc âm phò vậy! Chưa nói đến việc dân lành hương khói mai này ở Vũng Chùa - Đảo Yến cầu tất ứng cảm tất thông xôm tụ tứ mùa như ở Vạn Kiếp, chốn yên nghỉ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn.
Không hiểu sao trước đó người ta cứ úp mở về nơi an nghỉ của Đại tướng? Đã đành việc mộ phần là riêng tư cùng nhiều lời dặn khoan khoan hãy làm cái việc trình làng ở địa danh Vũng Chùa - Đảo Yến...
Để làm gì vậy? Ngại dân An Xá Lệ Thủy buồn? Thắc mắc? Chả biết nữa. Khi biết và nghe cụm từ thể theo nguyện vọng của Đại tướng và gia đình thì chắc lòng dân thuận cả.
Mùa hạ năm 2006, khi thăm thú Vũng Chùa - Đảo Yến, rồi trưa ấy giăng võng dưới tàn cây chính chỗ huyệt mộ bây giờ, đầu hướng về (bây giờ thì gối lên) dãy Hoành Sơn hùng vĩ, không biết Đại tướng có nghĩ đến cái thở dài ước mong của Bác Hồ khi ngỏ với ông Hoàng Đạo Thúy cái năm kháng chiến ở Việt Bắc rằng, tôi chỉ muốn khi về hưu được lui về chốn non xanh nước biếc làm cái nhà con con, rồi ngao du sơn thủy.
Thường cái chí của các đấng bậc hay gặp nhau?
Bà Võ Hạnh Phúc, con gái của Đại tướng, cho biết, cũng chính năm 2006, cụ đã chọn Vũng Chùa - Đảo Yến dưới chân Hoành Sơn của đất Quảng Bình làm nơi yên nghỉ cuối cùng.
Cũng nhớ thêm cái năm xa, đêm ngủ chung nhà với Đại tướng ở Côn Sơn. Bửng tưng hôm sau, hổn hển theo gót Đại tướng leo lên núi An Phụ ở huyện Kinh Môn, Hải Dương để chọn vị trí đặt tượng Trần Hưng Đạo (tượng bằng đá xanh được cho là lớn nhất trong các tượng Trần Hưng Đạo ở nước Nam). Tôi vẫn mồn một cái thở dài kín đáo của một ông thầy phong thủy rằng, nếu đặt vị trí tượng như Đại tướng chọn thì chưa đắc sách, thậm chí thất sách(?) Nghe vậy thì biết vậy. Nhưng gần 10 năm sau, bữa thực thi thủ tục hô thần nhập tượng, cũng chính ông thầy đó lại hít hà, tấm tắc Cụ Đại tướng nhà mình quả là nhìn xa trông rộng vì khi cất tượng lên càng ngắm càng có lý...
Không còn sẽ nữa. Khi Đại tướng nằm xuống, Vũng Chùa - Đảo Yến đã một nơi linh thiêng!
Hình như sự linh thiêng hàm chứa cả một mối thông điệp nào đó của tiền nhân, của Đại tướng?
Lại nhớ thêm câu người xưa Sơn bất tại cao, hữu tiên tắc danh. Thủy bất tại thâm, hữu long tắc linh (Núi có danh không phải vì cao mà vì có tiên tới ở, sông nước linh thiêng không phải vì sâu mà vì có rồng đến ngự). Huống hồ, Vũng Chùa - Đảo Yến vốn đã là một thắng cảnh. Bây giờ lại có Đại tướng về.
Đã đành là sơn thủy hữu tình non xanh biển biếc. Nhưng tổ chức sao đó để Vũng Chùa - Đảo Yến, ngoài một địa chỉ du lịch tâm linh còn là nơi du lịch sinh thái vang danh hấp dẫn du khách gần xa? Với địa phương đang còn nghèo khó như Quảng Bình thì là một cái ân lớn?
Cứ như tiền nhân vừa mới đang làm cái việc âm trợ vậy?
Nhưng có lẽ đối với Quảng Bình cũng khó. Nội việc đưa Đại tướng về quê an nghỉ trong ngày linh việc trọng mà tổ chức, phân luồng phân tuyến làm sao mà gây ách tắc giao thông trên đoạn đường từ Đồng Hới về Ba Đồn suốt hơn 3 tiếng đồng hồ. Nhiều người nhỡ cả việc đưa tang Đại tướng.
Xuân Ba
Các tin khác
- Thực hư chuyện công viên ở TP.HCM có... ma - (14/10)
- HTV xin lỗi về sự cố 'Chúc Quốc tang vui vẻ' - (14/10)
- Miền Trung sơ tán gần 156.000 dân vì bão - (14/10)
- 5 giải pháp thúc đẩy hợp tác Việt-Trung - (14/10)
- Phim về Tướng Giáp, không về chiến tranh - (14/10)
- Đại tướng từ chối chụp ảnh cùng tôi - (14/10)
- “Đại tướng, Đại tướng, Đại tướng về rồi…” - (14/10)
- Ngày chưa từng có tiền lệ tại Nội Bài - (14/10)
- Tướng Giáp và cuộc chiến tranh chống Mỹ - (14/10)