Bình luận về phản ứng của Mỹ trước những động thái mạnh mẽ từ phía Nga tại Ukraine, Washington Post (Mỹ) đã dẫn lại lời một nhà phân tích người Anh cách đây 3 tháng, khi Ukraine bước vào giai đoạn rất căng thẳng: "Chúng ta đã mang bánh mỳ que đi đấu dao".
Cuối tuần trước, trong chuyến thăm của tới Washington, Thủ tướng tạm quyền Ukraine khẩn thiết đề nghị được hỗ trợ về quân đội, song Lầu Năm Góc đã từ chối. Mỹ chỉ hỗ trợ Ukraine về quân trang. Trong khi đó, Tổng thống Nga đã triển khai hàng nghìn binh lính, pháo binh, trực thăng tấn công tại các khu vực biên giới ở Ukraine.
Trong bài viết mới được đăng tải mang tựa đề "Phản ứng thảm hại của Obama trước cuộc xâm lược Crimea của Putin", tờ Washington Post đã mỉa mai rằng: "Ở những thời điểm không chắc chắn như thế này, có một điều mà chúng ta có thể nói chắc chắn: cuộc can thiệp quân sự vào Ukraine sẽ được Mỹ tiếp sức".
Tờ này nhận định, lý do mà Mỹ từ chối trợ giúp vũ khí cho Ukraine là bởi Tổng thống Mỹ Barack Obama và Ngoại trưởng John Kerry đểu cho rằng, đây có thể bị coi là một hành động khiêu khích. Và cũng chính lí luận mà Washington Post cho rằng là "phi lo-gic" này đã phản ánh cách mà chính phủ Mỹ phản ứng cho toàn bộ tình hình ở Crimea.
Theo bài báo, thật là ảo tưởng khi cho rằng Putin đã thực sự thua trong cuộc đối đầu này và rằng Tổng thống Nga đang chờ đợi ngoại giao Mỹ cứu mình khỏi "sai lầm chồng chất".
Washington Post đã chỉ trích phản ứng yếu ớt của chính phủ Mỹ trong vấn đề Ukraine: "Obama và Kerry đã không làm bất cứ điều gì cho tới khi cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea diễn ra - rồi sau đó, họ đưa ra những lời đe doạ đanh thép về "hậu quả""... Từ chối visa và đóng băng tài sản của 11 người, trong đó 7 người là người Nga. 7 người! Trong tổng sổ 140 triệu người. Không có Putin. Không có Dimitry Medvedev. Không có những nhân vật đầu sỏ chính trị. Không có bất cứ một cựu thành viên KGB nào trong giới chóp bu của chính quyền Putin. Không đánh vào ngành năng lượng hay các ngân hàng, huyết mạch kinh tế và công nghiệp của Nga".
Theo tờ này, ngay cả sau khi Obama mở rộng danh sách trừng phạt thì số lượng các quan chức Nga bị nêu tên trong đó cũng không hơn gì.
Rõ ràng là châu Âu có lý do để tỏ ra vô cùng thận trọng khi đối mặt với vấn đề ở Ukraine. Họ đã từ chối áp đắt bất cứ biện pháp trừng phạt nào có thể gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động thương mại của mình và việc nhập khẩu khí ga tự nhiên từ Nga.
Về phần mình, Mỹ không nhập khẩu khí ga của Nga, cũng không có nhiều hoạt động thương mại với Nga, song theo Washington Post, "Tổng thống của chúng ta lại tỏ ra thảnh thơi một cách kì lạ. Trật tự châu Âu sau Chiến tranh Lạnh bị vi phạm thô bạo thì Obama lại "mất dạng"".
Cũng trong bài viết, Washington Post đã đề xuất những việc Mỹ nên làm để giành lại vị thế của mình: Cử Bộ trưởng Quốc phòng tới Kiev để đàm phán về viện trợ quân sự, làm mới các thoả thuận phòng thủ tên lửa với Ba Lan và Séc, công bố chính sách mới về hoạt động xuất khẩu khí ga tự nhiên hoá lỏng của Mỹ, dẫn đầu châu Âu trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm cắt hoạt động của các doanh nghiệp Nga khỏi hệ thống ngân hàng phương Tây.