Năm 2015, trần bội chi ngân sách nhà nước được áp mức 5%. Chuyên gia kinh tế - TS. Vũ Đình Ánh nói: "Đấy là sai lầm trong quản lý ngân sách".
* Các báo cáo thu chi ngân sách nhà nước đã được công bố. Ông nhận định thế nào về những báo cáo này?
- Ngân sách được tính theo giá hiện hành. Khi lạm phát cao, nghiễm nhiên là đạt, thậm chí vượt thu ngân sách, bởi không cần làm gì thì giá tăng đã giúp vượt thu. Nhưng từ đầu năm 2014 đến nay, lạm phát thấp nên thu ngân sách không được hưởng lợi. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Tài chính, thu ngân sách năm nay vẫn vượt dự toán.
Quản lý ngân sách, về nguyên tắc phải quản lý phần chi, chỉ phải đúng dự toán, chi vượt là phải giải trình, thậm chí bị phạt. Nhưng Việt Nam không theo cách đó, vẫn kiểm soát hiệu số giữa thu và chi, tức là đặt trần bội chi 5%. Đấy là sai lầm trong quản lý ngân sách.
Soát xét ngân sách của Việt Nam có vấn đề thu năm nào cũng vượt dự toán, thậm chí vượt tới 20-30%. Ngay cả những năm thu ngân sách đạt thấp nhất (2011, 2012) vẫn vượt dự toán 1-2%. Trong khi đó, năm nào cũng đạt chi đúng dự toán 5%, năm thấp thì xuống 4,8%, còn cao thì là 5,3%.
Điều đó chứng tỏ thu vượt dự toán và chi cũng vượt dự toán, nhưng toàn bộ thu vượt dự toán đã tiêu hết. Không ai quản lý ngân sách như vậy. Nếu thu vượt dự toán thì phần thu vượt ấy phải được sử dụng để giảm bội chi ngân sách, không phải để chi.
Năm 2014, Tổng cục Thống kê công bố tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến ngày 15/12 ước đạt 814,1 nghìn tỷ đồng, bằng 104% dự toán năm, trong khi tổng chi ngân sách nhà nước ước khoảng 968,5 nghìn tỷ đồng, bằng 96,2% dự toán năm. Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 được Quốc hội thông qua ngày 10/11/2014, tổng số thu năm tới là 921,1 nghìn tỷ đồng, tổng chi ngân sách nhà nước là 1.147,1 nghìn tỷ đồng. Mức bội chi ngân sách nhà nước là 226 nghìn tỷ đồng, tương đương 5% GDP. |
Nếu xử lý được nguyên tắc đó thì ngân sách của năm 2015, kể cả trường hợp hụt thu do giá dầu thô giảm, vẫn đảm bảo thu bởi vẫn có thể tăng thu từ các khoản khác.
* Như vậy, khuyến cáo Việt Nam phải quản lý chặt chi ngân sách của các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước lâu nay xem ra bị phớt lờ?
- Quốc hội có quyền thông qua dự toán, thông qua quyết toán, đồng thời thực hiện quyền giám sát tối cao liên quan đến cả thu - chi ngân sách. Nhưng ở đây có một điểm, việc Quốc hội thông qua báo cáo quyết toán ngay cả khi chi ngân sách vượt dự toán, đã tạo thành tiền lệ rất xấu cho việc chi ngân sách ở cả trung ương cũng như các địa phương.
Quốc hội Việt Nam chưa thực hiện được quyền không đồng ý một khoản chi nào đó, buộc Chính phủ phải suất toán, tìm khoản khác bù vào. Chỉ cần một năm Quốc hội làm như vậy, hỏi xem Chính phủ có dám chi vượt dự toán hay không?
* Việc thông qua quyết toán năm 2012 chậm lại thành năm rưỡi, thay vì một năm như trước đây. Ông nói gì về điều này?
- Vấn đề là ngày càng thiếu minh bạch, dù vẫn công khai các con số. Quốc hội mới thông qua quyết toán năm 2012, mà trong báo cáo quyết toán nhiều dòng quan trọng đã bị quên mất, dù vẫn có giấy tờ.
Cho nên, người ta không thể đánh giá được tác động của thu - chi ngân sách của năm 2012 tác động gì đến kinh tế năm 2012, đơn giản vì năm 2012 qua lâu rồi. Tâm lý đã quyết toán là xong nên hầu hết "bấm nút cho qua".
Về nguyên tắc, Chính phủ phải có báo cáo quyết toán sớm, để Quốc hội xem xét hiệu quả chi, bởi vì hiệu quả chi tác động đến nền kinh tế là nhìn vào quyết toán chứ không nhìn vào dự toán hay số thực hiện, nhất là khi những con số đó vênh nhau quá lớn.
* Cảm ơn ông!
HẢI VÂN thực hiện