Qua camera, tôi thấy ôsin nó vào xông hơi, nó lao xuống hồ bơi, rồi nó mở máy lạnh nằm dài xem phim… mà thấy sao đời bất công, phi lý quá, mình làm chết xác để cho người giúp việc nó tận hưởng", bà V. kể.
Bon chen, giành giật, tất bật, quần quật… lao vào việc kiếm tiền để thỏa được cái ước mong có được nhà cao cửa rộng, khi ước mơ, thành tựu đã đạt được, thay vì phải sung sướng và tận hưởng, cớ sao ngày càng nhiều đại gia là chủ nhân của những villa - biệt thự thênh thang kia lại chán cái tổ ấm đáng giá cả triệu đô của chính mình và còn hơn thế nữa?!
Bán nhà triệu đô để được gần con
Đại gia được đề cập ở đây là những đại gia thứ thiệt chứ không phải dân giàu xổi nhờ những vụ áp phe buôn nhà mua đất thời bất động sản cực thịnh nhưng nay chỉ còn là "da bọc xương" do di chứng của cơn bão khủng hoảng toàn cầu lướt qua: "Thời hoàng kim của bất động sản, kiếm tiền dễ lắm, chỉ cần sang tay căn hộ mới hình thành trên giấy hay lô đất nền nào đó được chủ đầu tư phân lô, vậy là kiếm hàng chục, hàng trăm triệu khỏe re. Nhưng khi khủng hoảng ập đến, lại thêm ngân hàng thắt chặt việc cho vay bất động sản, nhà đất không bán được nữa trong khi lương nhân viên, nợ ngân hàng đến hạn phải trả, vậy là dân buôn bất động sản chết như sung rụng. Bởi trước đó làm được đồng nào cả thảy đều đổ hết vào nhà cửa, đất đai, lại vay thêm đầu này đầu kia theo kiểu đầu tư lớn thì ăn lớn" - anh Trung Dũng, chuyên viên cho vay tài chính Công ty M.H. có vốn nước ngoài, trụ sở tại quận 1, TP HCM giải thích.
Từng một thời là niềm kiêu hãnh của chủ nhân, nay nhiều đại gia quá sợ những nhà cao cửa rộng của mình. Ảnh minh họa.
Nhờ có nguồn vốn "khủng" nên anh Dũng chỉ chuyên lo việc săn tìm mua những villa, biệt thự hoành tráng mà chủ nhân của nó hoặc kẹt tiền cần bán gấp, hoặc quá chán ngán nên "để lại" với giá rẻ bất ngờ. Với đặc thù công việc như vậy nên anh Dũng có mối quan hệ, giao hảo rộng giới quý ông quý bà là chủ nhân của những ngôi nhà đúng nghĩa rộng, cao.
Nhờ vậy mà anh mới rõ rằng ngày càng có nhiều đại gia thứ thiệt quá chán ngán cái gọi là nhà cao cửa rộng: "Cách đây 2 tuần, tôi xúc tiến giao dịch thành công căn nhà có diện tích 8x20m được đổ 3 tấm với hơn chục căn phòng tại quận 9. Bà chủ nhà tên Loan quyết tâm bán niềm hãnh diện một thời của mình bởi quá sợ nó. Không phải sợ ma, sợ cướp mà vì sợ cái sự rộng của nó".
Theo lời kể của anh Dũng, bà Loan tuổi ngoài 40, có 3 người con, con lớn đang học đại học năm 2 ngành quản trị kinh doanh và 2 đứa sinh đôi, đang học lớp 11. Từng lớn lên trong cảnh cơ hàn với cái ổ chuột nằm trong "hóc bò tó" ở gần cầu Nhị Thiên Đường (quận 8) chưa đầy 20m2 nhưng có đến gần chục thành viên trong gia đình quần tụ nên bà Loan ám ảnh chuyện sinh hoạt trong cái cảnh ngột ngạt, mỗi khi ngủ anh chị em phải nằm quay đầu, nằm sát vào nhau như cá mòi xếp lớp nên nuôi quyết tâm mai này sẽ "tậu" cái nhà rộng thênh thang: "Nhờ lanh lợi, nhờ trời đãi nên chị ấy phất như diều gặp gió trong lĩnh vực thời trang. Có tiền bà mua đất, xây nhà, cắt cho mỗi đứa con một phòng ở cho đã chứ không phải chịu cảnh khổ sở như mình ngày trước, và bi kịch nhà cao cửa rộng của bả bắt đầu từ đó".
Bi kịch của bà Loan mà anh Dũng tường tận là lúc bà này tạo dựng được "đế chế" riêng thì các con của bà mỗi khi về nhà là chui tọt vào phòng riêng, đóng cửa rồi chìm trong thế giới riêng đầy đủ tiện nghi của nó.
"Lúc đầu thì chị ấy hài lòng với kiểu sống rất Tây ấy, bố mẹ ở phòng riêng, các con ở phòng riêng, đến giờ ăn nếu không muốn xuống bàn thì người giúp việc sẽ bê lên tận phòng. Sướng được như thế một thời gian thì ngày nọ, chị sững sờ khi phát hiện lối sống đó ngày càng khiến các thành viên trong gia đình cách xa, từ lâu rồi cả nhà chẳng có chuyện ngồi chung bàn ăn cho có không khí gia đình ấm cúng.
Sự việc lên đến đỉnh điểm khi chị nghe theo lời một chuyên viên tư vấn tâm lý đã bí mật vào phòng riêng của mấy đứa con và phát hiện trong ổ cứng của 2 đứa con trai song sinh của mình đầy phim sex, còn đứa con gái thì lưu trong máy tính của nó đủ thứ cảnh nó ôm quấn xà nẹo với đủ loại bạn trai…".
Nhận thấy mình vì mê mải làm ăn mà ít dành thời gian gần gũi với con để dạy cho con những điều hay điều tốt và nhận thấy căn nhà quá rộng, quá thừa thãi những phòng ốc chẳng giúp được gia đình mình trở thành mái ấm đúng nghĩa nên bà Loan quyết định bán nhà, mua căn nhỏ hơn để các thành viên trong gia đình được gần lại, cùng quần tụ với bữa cơm gia đình cuối ngày trong tiếng nói cười để tình cảm được khắng khít hơn, mà cũng là để gần và hiểu các con hơn.
"Cái kiểu đại gia chán nhà cao cửa rộng theo kiểu bà Loan ngày càng nhiều. Có người thì bán hẳn, có người cho thuê rồi chuyển sang mua hoặc thuê căn nhỏ hơn" - anh Dũng, khẳng định.
"Mình làm chết xác cho ôsin nó hưởng"
Đúc kết hơi bị ngộ nhưng đậm tính xương máu này là của bà V., 51 tuổi, chuyên thầu bãi giữ xe và căng tin ở các bệnh viện và trường đại học. Bà V. không ngần ngại tâm sự bà như nhiều người từng trải qua những ngày tháng cơ hàn nên luôn mơ ước mai này có được nhà cao cửa rộng và nhờ "ơn trên biệt đãi", sau hơn 10 năm bươn chải bà đã dư sức biến ước mơ thành hiện thực khi mua được một villa có cả hồ bơi ở khu dân cư Trung Sơn (quận 8) trị giá hơn 20 tỉ đồng. Một căn biệt thự như thế là mơ ước của biết bao người vậy nhưng lạ làm sao, như bà V. bộc bạch: "Nói thiệt là… quá sá sợ".
Sống trong biệt thự xa hoa, lộng lẫy, đầy đủ tiện nghi với hồ bơi, phòng xông hơi, máy massage, tivi thế hệ mới màn hình rộng cả trăm in… cùng đủ món ngon của lạ nhưng bà V. lại "quá sá sợ" thì hơi bị lạ.
Bà không sợ gì cả mà bà "sợ" chính mình, rằng càng ngẫm bà càng thấy mình đúng là "hâm": "Để có được cái villa này tôi đã phải gồng mình, mất mấy năm trời ăn không ngon ngủ không yên, đầu óc cứ quay cuồng trong việc nghĩ kế nghĩ chiêu làm sao đó để thắng thầu, để tiếp tục được thầu sau khi kết thúc hợp đồng và để có lợi từ chính những gói thầu.
Nói chung đồng tiền tôi kiếm được để làm nên cái biệt thự này nó chân chính và đầy mồ hôi nước mắt. Làm được bao nhiêu tiền là tôi đổ vào đó để thỏa được ngôi nhà ước mơ. Ngặt một nỗi nhà làm xong từ đó đến nay đã gần 10 năm nhưng tôi hầu như chẳng được hưởng thụ gì từ nó".
Thú thật là thoạt đầu tôi không hiểu rõ lắm ý của bà V. Đến khi bà thổ lộ rằng do công việc làm ăn mà thời gian ở văn phòng, đi xã giao, điều hành công việc nhiều hơn thời gian bà ở trong căn biệt thự lúc cao điểm có người trả giá hơn 2 triệu đô, tôi mới dần hiểu rõ sự tình.
"Hai đứa con tôi một đứa đi du học, đứa còn lại cũng như vợ chồng tôi, sáng sớm rời khỏi nhà và chỉ về lúc khuya lắc khuya lơ. Nên nhà giao hết cho người giúp việc. Bởi vậy có hưởng tiện nghi gì ở cái villa này là ôsin nó hưởng, chứ tiếng là chủ nhân mà vợ chồng, con cái tôi có hưởng gì đâu. Qua camera, tôi thấy ôsin nó vào xông hơi, nó lao xuống hồ bơi, rồi nó mở máy lạnh nằm dài xem phim… mà thấy sao đời bất công, phi lý quá, mình làm chết xác để cho người giúp việc nó tận hưởng", bà V. kể
Nếu chỉ là như thế thì bà V. đã không phải bán tòa villa trị giá triệu đô của mình. Bà bức xúc tiết lộ nỗi khổ triền miên của bà sau khi mua đất nền, đầu tư cơ man nào thời gian, công sức, tiền của xây biệt thự, là hai chữ "ôsin".
Thời gian đầu mọi việc trôi chảy khi tôi có được chị giúp việc tên Mười, người Đồng Tháp, siêng năng, sạch sẽ. Sau đó do chồng bị ung thư nên chị ấy phải xin nghỉ để về chăm chồng, từ đây tôi khổ toàn tập. Tuyển hoài tuyển mãi nhưng không kiếm được người giúp việc ưng ý. Người làm được việc thì cứng đầu, hay giận, hay ra yêu sách. Kẻ dễ bảo thì biếng nhác, qua loa. Có ôsin thỏa được 2 yếu tố trên thì hành tung bí ẩn, sợ giao nhà khi mình đi vắng thì nó dọn sạch, hay rình rập cho mình liều thuốc mê thì tiêu đời".
Nói đến đây, bà V. tặc lưỡi: "Vì những lý do đó nên tôi bán nhà kiếm cái vừa đủ ở cho khỏe".
Chuyện lạ có thật
"Nhà cao cửa rộng giờ đây không còn là đích ngắm của nhiều đại gia nữa. Thực tế cho thấy do quá ngán ngẩm sống trong cảnh các thành viên trong gia đình mạnh ai nấy sống, do khổ sở với vấn đề người giúp việc nhà, do phải chi quá nhiều khoản để duy trì hoạt động của ngôi nhà và gần đây nhất là do sợ vấn đề an ninh nhà cao cửa rộng luôn là đích ngắm của phường đạo tặc…nên nhiều đại gia đã có xu hướng sống mới.
Ai đó nói căn hộ chung cư hiện nay tồn hàng chứ kỳ thực căn hộ cao cấp diện từ 100-150m2 ở khu vực trung tâm giá dao động từ 2-4 tỉ đồng vẫn đã và đang là đích ngắm của những người được xem là VIP. Đây là chuyện có thật".
Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy lời chia sẻ này của bà Huyền Mai, giám đốc một sàn giao dịch bất động sản tại quận 2, là có cơ sở. Từ sự nhiệt tình của bà Mai, chúng tôi tiếp cận được ông Vỹ, 47 tuổi, thường đi công tác ở châu Âu vừa bán biệt thự ở quận Thủ Đức và đang chọn mua căn hộ chung cư ở quận 1.
Hỏi lý do, ông Vỹ thổ lộ như nhiều người thành đạt, ông cũng "sắm" căn nhà hoành tráng nhưng chẳng mấy khi ở, đã vậy mỗi tháng phải chi khoảng 20 triệu đồng để trả tiền người giúp việc, bảo vệ, tiền xử lý hồ bơi và nhiều chi phí khác cho căn nhà. Nghe bạn thân của mình khuyên nên dọn vô căn hộ ở cho khỏe, ông Vỹ ưng ý ngay.
Ông bảo giải pháp đó giúp mình trước giảm chi phí, sau về vấn đề an ninh: "Mình đi có bảo vệ trông coi, chẳng lo bị trộm cướp thăm viếng và cũng chẳng phải cứ canh cánh lo kiếm người đắp vào chỗ bảo vệ, người giúp việc khi ra yêu sách đòi tăng lương không được là dọa nghỉ việc".
Chọn căn hộ thuộc tòa nhà trung tâm phía dưới có siêu thị, trung tâm mua sắm-giải trí, ngân hàng, bệnh viện… chỉ cách nơi ở mấy tầng lầu đã và đang là chọn lựa của nhiều đại gia quá ngán ngẩm cảnh nhà cao cửa rộng mà nói như bà V. chỉ giải quyết khâu oai chứ "ở chẳng sung sướng gì, quanh năm suốt tháng cứ lo ngay ngáy, lo đủ thứ chuyện".
Cần nói rõ rằng khi bài viết này đến tay bạn đọc thì bà V. đã bán được căn biệt thự vốn là niềm kiêu hãnh một thời và vừa giao dịch thành công căn hộ có 3 phòng ngủ rộng hơn 100m2 ở khu vực giáp giữa quận 1 và quận 3. Hỏi cảm giác ở nhà mới như thế nào, bà V. giọng hân hoan rằng "sướng ngoài sức tưởng tượng".
Bà nói đi về đút xe vô bãi có bảo vệ trông coi, rồi nhấn thang máy thì trong tích tắc đã tới căn hộ của mình: "Chợ búa gì thì đã có siêu thị ở dưới. Về đây ở mấy đứa nhỏ nhà tôi hoạt bát hẳn lên vì được giao tiếp với mọi người xung quanh. Cũng nhờ nhà ở gọn nên mấy mẹ con vào ra thường xuyên gặp mặt nhau, bữa cơm gia đình vui tươi đầm ấm khiến tôi bấy lâu canh cánh trong lòng nay đã thành hiện thực"