Ngày 14/11 tới, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận về chủ trương đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành. Liệu dự án đầu tư sân bay Long Thành có được “ấn nút” khởi động từ kỳ họp Quốc hội này?
Tại buổi thảo luận tổ về dự án sân bay Long Thành chiều ngày 4/11, nhiều đại biểu nhấn mạnh với nhu cầu phát triển kinh tế đất nước thì việc xây dựng một sân bay tầm cỡ quốc tế như Long Thành là cần thiết. Nhưng còn không ít ý kiến băn khoăn của nhiều đại biểu về tính hiệu quả, quy hoạch ngành giao thông trong tương lai, sự cấp thiết cần phải thực hiện vào thời điểm này…
Quy hoạch ngành giao thông 10 năm tới thế nào?
Đại biểu Đỗ Kim Tuyến, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm Bộ Công an, nhấn mạnh trước khi “ấn nút” khởi động dự án, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cần phải trả lời được một số vấn đề: Bộ hoạch định xây dựng chiến lược giao thông hàng không 10 năm tới thế nào? Nếu xây dựng sân bay Long Thành thì sân bay Tân Sơn Nhất có còn tồn tại không? Nếu còn thì tính kết nối của hai sân bay này sẽ thế nào? Nhiều nước cũng xây sân bay mới nhưng tính kết nối giữa sân bay mới và cũ rất cao. Sự tồn tại của sân bay Tân Sơn Nhất vẫn cần phải đầu tư để nâng cấp, sửa chữa. Vậy việc đầu tư sẽ thế nào?
“Những vấn đề này vẫn chưa có một lời giải cụ thể nào từ Bộ GTVT. Tôi không nói là không đồng ý xây dựng sân bay Long Thành nhưng cần phải có những lời giải này để còn tính toán xem cho chủ trương có nên làm hay không trong thời điểm này”, ông Tuyến bình luận.
Cũng băn khoăn trên, đại biểu Huỳnh Minh Nghĩa (Tp.HCM), cho rằng Bộ GTVT cần làm rõ tính ưu tiên và thứ tự ưu tiên của sân bay Long Thành và ngành. Quy hoạch ngành GTVT là quá lớn và đầu tư dàn trải, tuyến đường bộ 5 hệ thống xuyên quốc gia, chúng ta đều đang đầu tư; cảng biển có 55/39 đang thực hiện; đường sắt cao tốc và tiến hành thực hiện công đoạn ngắn; hàng không có 21 sân bay, riêng Long Thành đã 18,7 tỷ USD. Quy hoạch GTVT lớn, ta phải liệu cơm gắp mắm, phải tính 5 đường bộ, làm luôn là bất hợp lý.
“Nợ công ta đã đạt ngưỡng 114 tỷ USD, bội chi 224 ngàn tỷ đồng, sân bay Long Thành đã thực sự cấp thiết chưa với những con số này? Đó là chưa kể, trong khi đầu tư cho con người phải suy nghĩ, kiếm tiền đâu để tăng lương, vậy đầu tư sân bay Long Thành như thế nào? Tất cả dự án đều được bộ ngành cho rằng cấp thiết và hiệu quả cao nhưng khi đầu tư nhiều dự án hiệu quả thấp”, ông Nghĩa phân tích.
Hãy để Quốc hội khóa 15 hãy bàn Long Thành?
Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Văn Hiến cho rằng “nếu nước ta giàu có tôi muốn 3 Long Thành cơ. Không nên vội cứ để Quốc hội 15 quyết. Nợ công như thế ai kham nổi đống tiền như vậy mà làm”.
Đại biểu Hiến bình luận, nếu chúng ta quyết chủ trương, thì 140 triệu USD để làm khảo sát. Nếu như mỗi đại biểu Quốc hội từ chối thì đã giúp dân 6,3 tỷ đồng. “Việt Nam có gì mà làm trạm trung chuyển? Giờ chúng ta trung chuyển cho Lào, Campuchia à? Nên xem lại mục đích”, đại biểu Hiến băn khoăn.
Đại biểu Hiến nói, sân bay nước ngoài nhỏ hơn mình, chưa được 300 m còn ta 365 m nhưng họ lúc nào cũng ngợp bầu trời, bay lên bay xuống liên tục. “Các đồng chí đi nước ngoài nhiều rồi đều thấy. Bây giờ chưa được. Sân bay Cần Thơ 3.000 tỷ đồng, nhưng mỗi năm chỉ có vài chuyến chở cô dâu về nước ăn tết chứ không có khách quốc tế nào đến. Dường như chúng ta có sự vận động để Quốc hội đồng ý?”, đại biểu Hiến băn khoăn.
Đồng quan điểm trên, đại biểu Đỗ Văn Đương, cho rằng Quốc hội sẽ đồng ý chủ trương đầu tư nhưng thời điểm không phải sau Quốc hội cho, mà phải sau năm 2030 khi ta có của ăn của để, để có kế hoạch và quy hoạch.
Cũng có những băn khoăn về dự án này, đại biểu Trịnh Ngọc Thạnh (Hà Nội), đặt câu hỏi về trách nhiệm. Hiện nợ công đang lớn, với dự án sân bay Long Thành khoảng 18 tỷ USD, có nghĩa, mỗi người dân Việt Nam phải gánh 937 USD, nếu như dùng ngân sách hoặc ODA.
“Hiện Chính phủ đứng ra vay rồi cho dự án vay lại. Vậy nếu vay rồi không triển khai được dự án vì nhiều vấn đề phát sinh thì lỗ ai chịu? Cuối cùng là Chính phủ và dân chịu? Nợ công lại sẽ quá nhiều”, ông Thạch băn khoăn.
Theo ông Thạch dự án sân bay Long Thành 20 năm nữa hãy đặt ra, bởi làm trạm trung chuyển, chắc chỉ có Úc, nội địa quá tải có thể nâng cấp đường tàu, rẻ hơn nhiều đường băng.
“Đường không quốc tế thì đừng hi vọng, đang tính cua trong lỗ, bì làm sao được với Hồng Kông. Quản lý rất kém, vừa bị xếp hạng rồi. Theo tôi nên thực tế một chút, đặc biệt nợ công rất nặng nề, vay tiếp thì không lấy gì trả. Chủ trương này có lẽ là lâu dài, tạm gác dự án này, để nhường cho dự án khác thiết thực hơn, 10 - 20 năm nữa mới đặt ra”, đại biểu Thạch nêu quan điểm.
Đại biểu Trịnh Thế Khiết (Hà Nội) cũng cho rằng với mức vốn đầu tư 18 tỷ USD, tương đương khoảng 360 nghìn tỷ VND, bằng thu nội địa 1 năm. Nếu xây sân bay Long Thành, có nghĩa là cả năm 2014 cả nước phải nhịn ăn để đầu tư.
“Mục tiêu của Long Thành là sân bay trung chuyển khu vực, quốc tế nhưng sân bay của Singapore, Thái Lan, cách ta khoảng 1 - 2 tiếng, độ chuyên nghiệp của họ tốt hơn ta. Hơn nữa, Bộ GTVT và Uỷ ban kinh tế Quốc hội chưa đánh giá hết sử dụng của sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất như thế nào, chỉ nói số lượng 20 triệu khách mà chưa thấy hiệu quả quản lý sử dụng như thế nào. Xếp gần chót bảng, thì là cả vấn đề”, đại biểu Khiết bình luận.
Theo đại biểu Khiết, làm gì thì làm, hiệu quả kinh tế và xã hội, phải tạo điều kiện phục vụ cho dân phát triển tốt ở khu vực. “Các công trình sân bay, bến cảng trước nay vẽ ra rất hay nhưng khi đầu tư, như cảng biển còn nhiều tồn tại, mà đầu tư của nhà nước rất lớn nhưng hiệu quả không cao, còn rất lãng phí. Đất nước đang khó khăn, nợ công tăng cao, từ người sinh ra đến người sắp chết đang phải gánh nợ 20 triệu đồng, rất đáng suy nghĩ để đầu tư cho hiệu quả”, đại biểu Khiết phân tích.
Đại biểu Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, chia sẻ có khoảng 6 – 7 công trình được đưa ra thảo luận, có cái thì đại biểu không đồng thuận, nhưng khi triển khai lại thành công. Nhưng nhiều công trình đồng thuận cao nhưng lại có những vướng mắc khi triển khai.
Ví như đường dây 500kv Bắc Nam, đại biểu không đồng thuận nhưng khi triển khai rất thành công. Sau 10 năm triển khai mới thấy thành công và là quyết định đúng đắn. Hay như dự án thủy điện Sơn La với nhiều ý kiến không đồng thuận của đại biểu Quốc hội nhưng khi triển khai khá thành công, thậm chí, dự án này còn hoàn thành trước so với kế hoạch là 2 năm.
Tuy nhiên nhiều dự án được Quốc hội thông qua với tỷ lệ cao lại không được nhiều thuận lợi trong triển khai. Ví như đường Hồ Chí Minh. Ai cũng thấy việc làm đường cao tốc này là rất cần thiết, nhưng hiệu quá phát huy chưa cao. Mặc dù Đường 1 rất chật nhưng xe chủ yếu vào Đường 1 đi chứ rất ít ra đường Hồ Chí Minh.
“Nói như vậy để chỉ ra vấn đề là dự án sân bay Long Thành là cần thiết bởi chúng ta cần có một sân bay tầm cỡ quốc tế, nhưng có mấy vấn đề triển khai cần phải tính toán, đó là vấn đề vốn, giải phóng mặt bằng, tính hiệu quả của dự án…”, ông Nghị nhấn mạnh.
Nói về vấn đề vốn, ông Nghị cho rằng nếu dùng ngân sách hay ODA đều có những băn khoăn. Ngân sách hiện khó khăn. Còn ODA thì vay là phải trả dù là vốn ưu tiên. Tuy nhiên, nguồn vốn này cũng chưa có gì là chắc chắn.
“Nếu thông qua dự án, liệu việc giải phóng mặt bằng có đạt được hiệu quả như đề án nêu ra? Vì thực tế, Hà Nội hiện đang có 3 dự án đang triển khai, nhưng 10 năm nay vẫn chưa xong vì những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng”, ông Nghị chia sẻ.
Chốt lại vấn đề, ông Nghị cho rằng việc triển khai dự án sân bay Long Thành là cần thiết nhưng cần phải tính toán về quy mô vốn, tính hiện đại, hiệu quả của dự án.
|