Chiều 26/2, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cùng các đơn vị liên quan đã trực tiếp xuống bãi sông Hồng kiểm tra hiện trường trụ cầu Vĩnh Tuy bị nứt.
Báo cáo với Bộ trưởng, ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty tư vấn thiết kế công trình giao thông vận tải (Tedi), đơn vị khảo sát, thiết kế và giám sát công trình xây dựng cầu Vĩnh Tuy cho biết, vết nứt ở trụ cầu T22 đã xuất hiện chừng hơn 2 năm nay, từ cuối 2010 đã phát hiện.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng đi kiểm tra vết nứt. Ảnh: Châu Anh
Đơn vị này cũng cho biết đã kiểm tra hiện trường và thấy các trụ cầu làm việc ổn định, không có hiện tượng lún nghiêng. Các trụ từ T18 đến T21 không có hiện tượng nứt bêtông. Riêng trụ T22 xuất hiện vết nứt dọc có thể quan sát bằng mắt thường tại tim trụ theo chiều dọc cả hai phía.
Phía Vĩnh Tuy vết nứt bắt đầu phần rỗng của thân trụ kéo lên phía trên khoảng 10m, chiều rộng vết nứt lớn nhất ở phía dưới 2mm, phía trên nhỏ dần với bề rộng khoảng 0,5mm.
Mặt trụ phía Long Biên vết nứt có xu hướng tương tự, chiều rộng 0,3mm, chiều dài khoảng 8m. TEDI cho biết trụ T23 cũng xuất hiện nứt ở vị trí tương tự trụ T22 nhưng chiều rộng nhỏ, chiều dài khoảng 2-3m, chiều rộng vết nứt lớn nhất khoảng 0,3mm. Hiện tượng nứt cũng xuất hiện trên thân trụ T24 ở phía Long Biên, bề rộng vết nứt nhỏ hơn nhiều, phải quan sát kỹ mới thấy.
Dù vậy, ông Sơn vẫn khẳng định, căn cứ theo kết quả tính toán, xem xét độ an toàn thì việc vận hành, khai thác cầu này vẫn an toàn.
“Cầu Vĩnh Tuy được thiết kế chịu được động đất cấp 8. Với tải trọng sử dụng thông thường như hiện nay là độ an toàn rất cao, người dân hoàn toàn an tâm khi đi qua cầu”, ông Sơn khẳng định.
Nói thêm về vết nứt trầm trọng ở trụ T22, ông Sơn nhận định, vết nứt không nằm trong vùng có mô men nứt lớn, không nứt ngang, chủ yếu là nứt dọc thân trụ.
“Nguyên nhân gây nứt trụ T22 có thể là trong quá trình thi công, khi đổ những khối bê tông lớn, có sự khác nhau giữa nhiệt độ, kết hợp với co ngót tạo ra vết nứt. Việc này rất khó phát hiện khi thi công cầu mà lúc vận hành mới dần dần lộ ra”, ông Sơn nói.
Vết nứt tại cột H22 cầu Vĩnh Tuy. Ảnh: Châu Anh
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, tại những cầu bê tông dưỡng lực như cầu Thanh Trì, Phù Đổng… đều có những hiện tượng nứt tương tự tại các trụ T22, T23, T24 của cầu Vĩnh Tuy. Các vết nứt này hiện đang được theo dõi sát sao.
Cũng theo ông Hùng, các cầu lớn đều có quy trình duy tu, bảo dưỡng chặt chẽ. “Chúng tôi khẳng định tất cả các cầu trên địa bàn TP.Hà Nội do Ban quản lý Tả Ngạn hay các ban khác, chủ đầu tư khác thi công bàn giao đều rất an toàn, người dân hoàn toàn yên tâm khi đi qua cầu”, ông Hùng nói.
Ông Nguyễn Văn Nhậm, giảng viên ĐH Giao thông vận tải Hà Nội, nguyên Tổ trưởng tổ chuyên gia của Hội đồng nghiệm thu cầu Vĩnh Tuy cũng đánh giá, vết nứt có biểu hiện nghiêm trọng nhưng so với hệ số an toàn của cây cầu trong điều kiện sử dụng như hiện nay thì không có vấn đề gì. Vết nứt ở trụ T22 có ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của trụ cầu, hệ số an toàn cả cây cầu nhưng không lớn. Ông Nhậm cũng quả quyết, cây cầu vẫn hoàn toàn có thể sử dụng bình thường.
“Nếu cần thiết, tôi tình nguyện ra chỗ trụ cầu T22 ở một thời gian, nếu cầu có sập thì tôi chết trước”, ông Nhậm hài hước.
Tuy nhiên, ông Nhậm cũng lưu ý các bên liên quan cần tích cực vào cuộc tìm ra nguyên nhân gây nên vết nứt ở trụ T22 để có giải pháp hữu hiệu khắc phục. Còn trước mắt, Sở GTVT và Tedi đã có phương án bảo vệ cốt thép trong thân trụ là bơm keo chống nước thấm vào gây rỉ sét cốt thép.
Ông Nhậm nhận định, đến nay, dù vị trí nứt đã qua 2 mùa nước sông Hồng dâng ngập nhưng chưa có biểu hiện rỉ cốt thép. “Nếu thép rỉ thì nước chảy ra phải có màu vàng. Để đánh giá nước đã thấm đến cốt thép hay chưa, cần có phương tiện máy móc siêu âm cẩn thận. Còn nếu vẫn nghi ngờ cốt thép rỉ thì tốt nhất nên đập bê tông ra sẽ rõ. Nhìn chung, vết nứt không quá nghiêm trọng, nằm trong tầm kiểm soát”, ông Nhậm nói.
Được biết, Sở Giao thông Hà Nội đã thuê đơn vị tư vấn kiểm định độc lập để khảo sát, kiểm định và đánh giá ảnh hưởng của vết nứt tại trụ T22 cầu Vĩnh Tuy, dự kiến hoàn thành trước 10/3.
Về lo ngại vết nứt có ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của trụ H22, Sở GTVT Hà Nội cho rằng, công trình đã được Hội đồng nghiệm thu nhà nước cầu Vĩnh Tuy nghiệm thu đưa vào sử dụng. Vết nứt dọc trụ H22 không ảnh hưởng đến khả năng chịu lực của trụ. Trụ H22 vẫn đảm bảo khả năng khai thác an toàn.
Ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, sau khi kiểm tra hiện trường, các bên đã thống nhất biện pháp xử lý vết nứt theo hướng bơm keo bảo vệ cốt thép, lớp trong và tiếp tục theo dõi.
Sau khi nghe đại diện Sở Giao thông vận tải và đơn vị thiết kế cầu (Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải -TEDI) báo cáo chi tiết, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng yêu cầu chủ đầu tư thuê ngay đơn vị tư vấn độc lập để đánh giá mức độ, tìm ra nguyên nhân và đưa ra giải pháp khắc phục sự cố.
Ngoài ra cần phải kiểm tra toàn bộ các trụ khác và hệ thống chịu lực của cầu để kịp thời phát hiện sự cố. Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng yêu cầu Sở GTVT Hà Nội rà soát lại toàn bộ các cây cầu trên địa bàn thành phố.
Ông Dũng cũng yêu cầu chủ đầu tư cho rà soát lại toàn bộ các hạng mục của cầu Vĩnh Tuy để sớm phát hiện những sự cố khác có thể gây mất an toàn. Khi khắc phục xong các nết nứt này phải mời các nhà khoa học đến kiểm tra lại.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho biết thêm, sắp tới, Bộ Xây dựng sẽ yêu cầu kiểm tra chất lượng toàn bộ các cầu treo trên toàn quốc để tránh những vụ tai nạn thương tâm như ở H.Tam Đường, Lai Châu mới đây.