Cuối năm, trời Bắc Hà giá rét, bên bếp lửa ấm cúng, ông Vàng Văn Hoàng (dân tộc Nùng, xã Na Hối) chậm rãi mở đầu câu chuyện với chúng tôi về vó ngựa Bắc Hà, về kỵ sĩ chân đất như thế.
Ông trầm ngâm kể, không biết thời xa xưa vùng đất này có truyền thuyết gì gắn bó với loài ngựa không, chỉ biết rằng, đàn ông Bắc Hà sinh ra bên máng cỏ, lớn lên trên lưng ngựa. Ở Bắc Hà nói riêng và khu vực Tây Bắc nói chung, ngựa là loài vật quen thuộc được nuôi ở hầu hết các hộ gia đình đồng bào Mông, Tày, Nùng… Con ngựa vừa là loài trung thành với chủ, vừa phục vụ đắc lực cho cuộc sống của người dân vùng cao. Trước kia, ngựa nuôi rất hiếm, nhà nào có được chú ngựa đều như của quý trong nhà.
“Thời đó, ngựa ít nên anh em tao chủ yếu dùng ngựa để thồ hàng, lúc thích thì lấy ngựa chạy thử. Những năm ấy, thửa ruộng của ông Việt Bắc bên làng Na Áng dài nhất, rộng nhất. Cứ thu hoạch xong là đám thanh niên chúng tao lại lấy ngựa chạy thử vài vòng dọc các cánh đồng ở thung lũng. Cưỡi cốt cho vui, chạy thử xem ngựa của ai đẹp hơn, chạy êm hơn”, ông Hoàng nhớ lại.
Năm tháng qua đi, cứ đến sau mỗi mùa gặt, các lớp thanh niên lại hò nhau cưỡi ngựa thi. Phải đến những năm gần đây, khoảng năm 2007 thì huyện mới tổ chức các cuộc đua ngựa chuyên nghiệp.
Rồi ông cười sảng khoái: “Ngày xưa trong số anh em ở vùng Na Hối này tao cũng cưỡi ngựa giỏi lắm chứ. Không giỏi sao con tao giờ cưỡi ngựa giỏi được". Ông Hoàng nói không sai, con trai ông – anh Hoàng Văn Huỳnh ba năm tham gia giải đua ngựa (2010 -2013) thì cả ba năm đều đạt giải Nhất, không ai trong làng không biết tiếng.
Con gái của anh Hoàng Văn Huỳnh bên cúp vô địch giải đua ngựa Bắc Hà.
Ông Thàn Đặng Quyền – Cán bộ Văn hóa xã Na Hối góp chuyện, toàn xã Na Hối có gần 400 con ngựa. Nhà nào nhiều có hai đến ba con, nhà nào ít nhất cũng có một con. “Ngựa đủ tiêu chuẩn đua cũng rất nhiều, phải 40 đến 50 con, nhưng mỗi năm chỉ có 20 con ngựa đua thường xuyên. Ít người dám cưỡi đua vì đua tốc độ phi nhanh, nguy hiểm, vì vậy cần có sức khỏe dẻo dai mới dám tham gia”, ông Quyền nói.
Kể từ khi có giải đua ngựa, ngoài thời gian lên nương những chú ngựa nhà còn được tập luyện để trở thành ngựa đua bán chuyên nghiệp. Các nài ngựa, lái ngựa cũng ráo riết lùng sục khắp các thôn bản vùng cao, các chợ ngựa nổi tiếng như: Cán Cấu (Si Ma Cai), Lùng Phình (Bắc Hà), Pha Long (Mường Khương), Sín Mần (tỉnh Hà Giang) để “săn” bằng được những chú ngựa tốt, không tiếc tiền mua một chú ngựa đẹp về huấn luyện.
“Lái ngựa” dọc biên ải Tây Bắc
Ông Vàng Văn Hoàng trước đây cũng là một tay “lái ngựa” có tiếng dọc biên ải Tây Bắc. Đất Bắc Hà mỗi năm chỉ làm được một vụ lúa, một vụ ngô, còn lại là trồng mấy cây hoa màu nên mãi không thoát nghèo được. Trăn trở mãi, rồi nghe người ta mách ở Than Uyên (Lai Châu) có nhiều ngựa, ông quyết đi buôn.
Quãng đường từ Bắc Hà sang Than Uyên tính ra cũng gần 400 cây số, đi đường tắt mất gần 300 cây số. Cơm nắm muối vừng mang theo người, cứ thế ông rong ruổi cả tuần trời để đi tìm ngựa đẹp, đến khi tìm được mới quay về. Chuyến đi đầu tiên ông gom được 1 triệu đồng tiền vốn, đi khắp vùng mua được ba con ngựa, tính ra tiền lãi được một con ngựa. Từ đó, bước chân ông rong ruổi khắp các vùng để “săn ngựa”. Mãi đến sau này khi bàn chân đã mỏi, ông bèn ở nhà đóng đồ mộc.
Kinh nghiệm những năm tháng làm “lái ngựa” đã giúp ông Hoàng đã chọn cho gia đình mình một chú ngựa tốt. Chú ngựa này được mua từ khoảng đầu năm 2010, đến cuối năm thì tham gia vào cuộc thi đua ngựa. Tính ra đến nay nó đã được bảy tuổi. Chàng ngựa này thồ rất giỏi, mà chạy đua cũng rất khỏe. “Vua tốc độ” góp phần quan trọng vào chiến thắng ba năm liên tiếp của con trai ông Hoàng trong cuộc thi đua ngựa của toàn huyện Bắc Hà.
Ông Vàng Văn Hoàng bên "vua tốc độ".
Nuôi ngựa cũng lắm công phu. Trâu chỉ ăn buổi ngày, nhưng ngựa thì ăn cả ngày cả đêm. Tuy nhiên, không giống với những con ngựa khác, con ngựa này của ông có hơi khó tính. Ông bảo: “Không chịu khó, đố mà nuôi được nó. Chú vừa kén ăn, chỉ ăn cỏ non và ăn ít một. Mùa rét này phải mua ngô non cho nó đấy”.
Theo ông, để chọn được một chú ngựa đua tốt thì ngựa phải có phóc dáng đẹp, chân thẳng, móng dày. Đầu nhọn, ức càng rộng càng khoẻ và chạy càng nhanh.
Thông thường, những chú ngựa được cho là sung sức nhất khi chúng đạt độ tuổi từ 4 đến 12 tuổi. Để xem tuổi ngựa thì phải căn cứ ở răng, ba năm đầu tiên ngựa sẽ mọc đôi răng thứ nhất, bốn tuổi thì thay răng thứ hai, và năm tuổi là thay răng thứ ba. Việc thay răng ngựa cũng tuỳ thuộc từng con. Tầm sáu tuổi thì ngựa sẽ thay hết răng.
Với người dân Bắc Hà, ngựa là bạn đường thân thiết trên mỗi chuyến đi, cũng là người thân trong gia đình. Nuôi ngựa phải hiểu được tính ngựa. Ngựa cũng như người, cũng có khi ốm đau, bệnh tật, quan trọng là người nuôi phải thật chú ý.
Khi thấy ngựa có triệu chứng mũi lạnh là ngựa có hiện tượng bị ngã lạnh. Để điều trị cần phải lấy giẻ, bồ kết, thảo quả… để xông trước mũi đến khi mũi ngựa chảy nước thì mới khỏi bệnh. Nếu không phát hiện nhanh chỉ một thời gian ngắn là con ngựa lăn ra chết ngay. Ngoài ra, ngựa còn hay mắc bệnh quai bị. Khi ngựa có hiện tượng thì phải mổ chích phần mủ ra nếu không vài hôm sau phát bệnh trên khắp cơ thể. Nói rồi, ông Hoàng chép miệng bảo: “Quan trọng nhất chính là hai bệnh này đấy. Ai bảo nuôi ngựa dễ đâu, không để ý là chết ngay”.
Tết đến, ngoài việc trang hoàng cho nhà cửa, nhiều người dân Bắc Hà còn dán giấy đỏ trang trí cho chuồng ngựa. Sau khi nấu bánh chưng, người dân cũng cắt một miếng bánh để cho ngựa ăn. Hành động này để thay cho lời cảm ơn chú ngựa vì cả năm vất vả làm việc.