Đăng Bởi Một Thế Giới - 14-10-2013 Quảng Bình 13.10. Dù trời đã chiều tối quanh ngọn Hoành Sơn, nhưng hàng ngàn hàng vạn con người từ Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, đến Cao Bằng, Lạng Sơn, Điện Biên, rồi Cà Mau, Cần Thơ, TP. Hồ Chí Minh vẫn vượt đường xa vào thắp hương viếng mộ trong nghĩa cử tiễn biệt. Cả vùng đất hẻo lánh như thắp sáng nhân cách của Người.
Về với đất mẹ hiền từ
Nơi chôn nhau cắt rồn của Người là làng An Xá, xã Lộc Thủy, Lệ Thủy. Ngày rời cõi tạm về phía thiên thu, Đại tướng chọn đất Quảng Đông (Quảng Trạch) tựa giấc ngàn năm. Với Người, đâu cũng là quê hương, bởi thế, sinh thời Đại tướng đã nói: “Quê hương sông núi hiền từ”. Đó là một tình cảm sâu đậm. Gần 90 năm trước, Người đã rời làng vì nghĩa lớn, tròn 103 tuổi, Người về với đất mẹ yêu thương.
Khi chuyên cơ chở thi hài Đại tướng Võ Nguyên Giáp hạ cánh tại sân bay Đồng Hới, không gian bùng nổ sự vỡ òa, mọi tầng lớp, mọi con người đều đẫm lệ. Người đã trở về với hương hỏa cha ông mà ngàn năm trước đã đặt định thủy chung với Đại Việt. Ra đi từ những gương mặt bình dị của hạt lúa củ khoai, ngày về Người đã làm rạng danh đất nước. Sống vì dân, vì nước, đời thanh liêm thanh bạch, giũ bụi trần về với đất thảo dã. Vạn trái tim thổn thức thương vị tướng đức cao, vọng trọng, võ công hiển hách.
Linh xa chở người về với Quảng Đông, 70km mà ai cũng thấy quá gần, thời khắc chia xa người con kiệt xuất tính từng phút. Hai bên đường quốc lộ, những nam phụ lão ấu, những thiếu nhi bé bỏng, những thanh niên làng mạc đứng tiễn Đại tướng trong nhạt nhòa nước mắt. Họ nhớ đến nhân đức của Đại tướng, họ nhớ về những hình ảnh của Người trong 103 năm qua, họ dậy lên trong lòng tiếng khóc rưng rức của ruột thịt đồng bào, của con cháu quê hương, của nhân dân ân nghĩa.
Tiễn linh cữu của Người về với đất rồng, trong hàng ngàn, hàng vạn đồng bào ấy có người của các làng biển Nhân Trạch, Đức Trạch, Thanh Trạch (Bố Trạch), Quảng Phúc, Quảng Xuân, Cảnh Dương, Quảng Phú (Quảng Trạch), thường ngày họ theo con cá mớ tôm, nhưng nay họ lên đường cái quan để nhìn người lần cuối. Họ khóc thét trong tiếc thương cấu xé trái tim mộc mạc dân làng. Một cuộc tiễn biệt chưa từng có ở mảnh đất bao dâu bể này. Những người dân làng biển còn nồng lên mùi cá tin rằng, Người về Mũi Rồng sẽ hiển linh bảo vệ ngư dân, phù hộ độ trì cho quê hương biển Đông ngày một khá lên. Bền vững hơn với việc giữ gìn biển đảo ngàn thu.
Những chiếc cổng làng tươm tất, bao cụ già tóc bạc phơ chống gậy có con cháu đỡ cũng bùi ngùi giọt nước mắt thương chung. Khi linh cữu bắt đầu vượt qua sông Gianh, nước con sông như khựng lại, không muốn đổ dòng về phía bể Đông. Những tháp chuông nhà thờ dọc con sông lịch sử, hay của các làng mộ đạo trên cát đã gióng lên bao tiếng chuông nguyện hồn da diết tiễn biệt. Cụ ông Nguyễn Quang Hồng, ở Quảng Phúc lên Ba Đồn đón linh xa Đại tướng nói trong nước mắt: “Làng tui, xã tui là đồng bào công giáo toàn tòng, trước vĩ nhân như Đại tướng Võ Nguyên Giáp, từ già đến trẻ ai cũng muốn lên đường quan tiễn Cụ về an giấc ngàn thu. Chúng tôi lòng thành tiếc thương vô hạn”.
Khi linh xa lăn bánh trên miền Quảng Đông, hơn 4000 dân địa phương phủ phục dưới bánh xe linh cữu, họ đợi Người trong ngậm ngùi, họ tôn kính một dạ thủy chung, họ khóc òa như đón một người Cha.
Vị tướng bất tử- dân suy tôn Thánh Võ
Chặng đường linh xa Đại tướng Võ nguyên Giáp đi qua, nơi nào người dân cũng gọi ông là Thánh. Thánh Võ đó là danh từ mới nhất, vĩ đại nhất, thần thoại nhất mà người dân dưới bóng Hoành Sơn ghi lòng tạc dạ. Cụ Dương Hán ở xã Quảng Xuân nói: “Cụ Giáp về với dân là rất vĩ đại, xa chốn phồn hoa đô hội, Cụ vì Quảng Bình đang nghèo, Cụ về, Quảng Đông nghèo, Cụ về, Cụ không chọn cho mình nơi sang trọng mà chọn cho mình đất làng thanh mộc. Chỉ bậc thánh nhân mới làm được vậy, chỉ bậc thánh nhân mới tách mình khỏi phù hoa để về với dân. Chúng tôi coi Cụ là bất tử, là Thánh Võ”.
Cụ Hoàng Liễn ở Cảnh Dương nói: “Lòng dạ dân chúng tôi tuy ở xóm ở làng, nhưng ngày ngày thanh bạch, không vô sư, cũng không vô sách, tuy nghèo khó nhưng hướng về Đại tướng với tấm lòng sáng trưng, hiểu cuộc đời Cụ có đủ cay đắng ngọt bùi, Cụ minh mẫn sống được 103 tuổi là đại trường thọ. Với người thường đã là phúc. Đằng này với Cụ, võ công hiển hách nhân văn, về với xóm làng ruộng vườn Thọ Sơn ở Quảng Đông thì dân trong vùng phong cụ là đức Thánh Võ”. Nhớ lại, mùa thu năm 2011, GS sử học Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội khoa học lịch sử Việt Nam đã vinh danh Đại tướng Võ Nguyên Giáp là Anh hùng dân tộc quả thật xứng danh. Cụm từ đức Thánh Võ được người dân bắc Quảng Bình đóng sâu vào trái tim họ. Vượt ra ngoài những gì là khuôn khổ, dân trong vùng thể hiện tấm lòng trung trinh với người con kiệt xuất, họ hiệp ý hiệp tình suy tôn Người của lòng “dân vạn đại” trên miền đất soi bóng mấy ngàn năm dựng ngiệp.
Thời khắc biệt ly
Khi xe linh xa vòng xuống chân núi Rồng, những hàng nước mắt càng thêm vỡ hòa, cỗ lựu pháo đặt sau linh cữu, nòng chếch lên nghiêm trang như vào trận Điện Biên Phủ năm nào, xe tiêu binh nhích từng vòng kéo lên khu an táng, hàng vạn hàng vạn cánh tay đưa lên tiễn biệt trong nước mắt, trong day dứt, trong thương yêu, trong vô cùng tiếc thương. Mãi mãi từ đây, Người ở lại núi Rồng, trái tim của Người đã ngừng đập, mãi mãi từ đây thiên thu Hoành Sơn sẽ rợp bóng vị Đại tướng của nhân dân.
Những người lính tiêu binh vốn đứng nghiêm trong dòng người vĩnh biệt Đại tướng cũng xúc động tuôn trào nước mắt. Họ lén quay mặt đi để lau dòng lệ tuôn rơi trước anh linh của Người. Tại núi Rồng khi những lời tiễn biệt xướng lên, vạn con người dưới núi đã thề rằng, sẽ giữ gìn giang sơn gấm vóc của tổ tiên theo gương Người. Chưa bao giờ khu vực Đèo Ngang cả phía Hà Tĩnh và Quảng Bình lại đông người đến thế, từng đoàn xe chạy dài dọc quốc lộ, những người dân, thanh niên, bao người lính già đi về Vũng Chùa từ phía Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nội, rồi từ miền Nam tận TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Càu Mau…đều đến với Người. Chị Hoàng Thị Diệp ở quận Tân Bình nói trong tiễn đưa: “Tôi sinh ra khi đất nước hòa bình, nhưng nghe danh của Đại tướng rất lớn, Đại tướng mất tôi cùng đại gia đình ra viếng để tỏ lòng tiếc thương người con ưu tú của đất nước”.
Chúng tôi chứng kiến một cảnh tượng chưa bao giờ thấy, những người phía Đèo Ngang chưa bao giờ thấy cảnh ấy trong cả trăm năm qua. Hằng trăm vạn người đổ về núi Rồng bằng đi bộ, xe máy, xe đạp, ô tô. Khi tiếng tiễn biệt vang lên, hình của Người được vạn cánh tay nâng niu về phía huyệt mộ ở lưng chừng núi.
Lực lượng canh gác mục tiêu của biên phòng, công an đã “thua lòng” nhân dân khi vạn người vượt rào lên gần hơn với linh cữu của Người. Khi huyệt mộ rải những nắm đất hương hỏa đầu tiên, gia đình Người đứng cạnh, nhân dân dõi mắt ngước nhìn trong đẫm lệ Hoành Sơn. Chúng tôi là những người cố gắng nán lại để được nghiêng mình bên người.
Khi nấm mộ được đắp xong, rất đỗi bình dị, là cát, là đất đai hiền từ của mẹ cha tiên tổ để lại, chẳng thành quách cao sang, mà là vốc đất làng xã giữ ấm mộ người Anh hùng dân tộc. Bất ngờ hơn, khi chốn bảo vệ mộ ở vòng trong cùng chưa mở cửa đón người dân vì nhiều công việc đang làm thì hàng vạn người đã ào lên với Đại tướng, bởi họ chờ đợi đến với Người từ lâu. Hàng vạn bông hoa huệ được lấy về từ khắp nơi rải trang trọng trên mộ chí Đại tướng. Thêm một lần cảnh tượng chưa từng có, nhân dân như làn sóng đến với mộ chí bình dị, họ viếng người cho trọn nghĩa hiếu dân.
Quê hương Quảng Bình đã đón Người về với đất mẹ, tầm vóc của Người sẽ rợp bóng Hoành Sơn. An giấc tựa gối núi Rồng nhưng “Ngọn núi lửa phủ tuyết” vẫn ngàn thu dõi mắt phía biển Đông, quắc thước vạn vạn năm trấn giữ vệ quốc. Người về nhưng nỗi nước non vẫn canh cánh bên lòng trọn đức an dân!
Quốc Nam