Ông Dương Văn Chuốt mở iPad khoe ảnh bà cả và bà thứ 6 nằm ngủ cùng nhau
Ông Dương Văn Chuốt được người dân xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) biết đến là một người làm ruộng và kinh doanh cơ khí. Ông làm máy bơm, chế tạo cơ khí ông nghiệp, máy nông cụ làm nông bán cho người dân trong vùng, có thể nói là “đầu đàn” cơ khí ở xã.
Ông có tài xuất khẩu thành chương, cơ thể quắc thước, tính tình khôi hài, tốt bụng. Dù đến nay đã 66 tuổi song một mình ông làm tới 6 sào ruộng.
Ông tâm sự khi còn nhỏ ông không nghĩ sẽ có ngày mình có tới 8 vợ, 27 con như hiện nay vì ông bà, bố mẹ cũng đều chỉ có một vợ, một chồng. Nhà ông có 7 chị em, 4 anh em trai, các anh chị của ông cũng chỉ "một chồng một vợ". Cả đại gia đình ông đều được truyền nghề cơ khí. Mọi người hay nói vui, đây là một “đại gia đình cơ khí”.
Ông Dương Văn Chuốt và bà "vợ" thứ hai
Trong số con của ông Chuốt có 26 con đẻ, 1 con nuôi. Xét về giới tính thì 14 con trai, 12 con gái. Con cả của ông giờ đã 44 tuổi, còn con bé nhất mới 5 tuổi.
Ông bảo việc lấy vợ là do số phận, trời xui, đất khiến nên mới có đông như vậy. Gọi là "vợ", nhưng đến nay ông không đăng ký kết hôn với bất kỳ ai. Các con vẫn khai sinh theo họ của ông.
Người "vợ" đầu tiên ông Chuốt cưới năm 1967, có cưới xin đàng hoàng nhưng không dám đăng ký vì hồi đó còn trẻ quá, lúc đó ông Chuốt mới 18 tuổi, còn "vợ" thì mới 17 tuổi rưỡi. Đến khi có con xong thì cũng… “quên” luôn chuyện đăng ký kết hôn.
Đến năm 1980 ông đã kịp có 5 con với bà cả. Lúc đó, ông Chuốt đi làm thiết kế về máy móc ở làng khác thì gặp bà thứ hai. Bà hai của ông sinh năm 1960, lúc đó mới 20 tuổi, trẻ đẹp, chưa chồng nhưng thấy ông Chuốt vui vẻ, dễ thương, hợp nhau nên đã sống với nhau như vợ chồng. Ông Chuốt xây nhà cho bà hai tại quê của bà này, thỉnh thoảng ông ghé qua chơi và ở lại.
Bà cả có biết chuyện nhưng không phản ứng mạnh. Thậm chí, lúc bà hai đẻ đứa đầu tiên, bà cả còn đi chăm sóc ở bệnh viện tại Hà Nội. Sau đó, bà hai có thêm 1 con nữa.
Xưởng cơ khí của ông Chuốt (áo trắng) từ hơn chục năm trước
Bà hai, rồi bà ba, rồi lần lượt có 8 bà. Trong 8 "vợ" của ông, có tới 3 bà ở cùng thôn, đều có nhà cửa đàng hoàng. Người nào không có thì được ông xây cho.
Năm 1982, trong thời gian ông Chuốt đi làm ở Quảng Ninh có gặp một bà ở Quảng Ninh. Trong quá trình truyền nghề cơ khí, thì ông bà bén duyên với nhau, rồi quyết định ở với nhau, sinh 2 người con. Đến nay, bà này vẫn ở Quảng Ninh.
Không những lấy vợ gần, ông còn có nhiều "vợ" ở rất xa. Có 1 bà ở tỉnh Tây Ninh, hai người ở với nhau khi ông vào Tây Ninh làm việc khoảng năm 1989, đã có 4 người con đều trong Tây Ninh. Ông Chuốt vẫn thường đi đi, về về.
Ông Dương Văn Chuốt cùng những người con đang ở Tây Ninh
Trong cùng thời gian ấy, ông về TP HCM thì gặp bà một bà khác và cũng kịp có 2 người con với bà này.
Ngoài ra, ông còn lấy 1 phụ nữ Việt sang Lào sống một thời gian rồi về nước. Bà này là "vợ" thứ 6, đã sinh 3 người con cho ông; bà thứ 7 là một người sống ở Campuchia về nước cũng sinh được 2 người con.
Bà thứ tám trẻ nhất là người ở cùng làng, mới về với nhau được hơn 2 năm, đã có 1 người con với nhau lúc ông vừa tròn 60 tuổi. Bà này ban đầu xin ông một đứa con. Nhưng sau khi “cho”đứa con xong thì hai người lại ở với nhau. Ông kể cũng tổ chức đám cưới với bà thứ tám song không dám làm to vì sợ các bà khác cho là “qua mặt”.
Ông Dương Văn Chuốt và bà "vợ" thứ 7
Câu chuyện thật với ông Chuốt:
- Làm sao ông biết tất cả các con là của mình?
+ Đứa nào nghi ngờ thì tôi thử ADN. Mỗi đứa 5 triệu hết.
- Có khi nào đông vợ khiến ông mệt mỏi?
+ Không, chủ yếu là lo công ăn việc làm cho họ thôi
- Các con có làm phiền bác không?
+ Tôi chả ăn cái gì của vợ, con bao giờ. Không bao giờ lấy cái gì của chúng nó. Tôi chỉ vẽ kế hoạch, cho và cho chúng nó.
- Các con của bác có giúp đỡ nhau không?
+ Có giúp đỡ nhau chứ, không phân biệt nhiều. Vẫn gọi dì, con như thường. Con dâu vẫn gọi dì dù vợ của bố chồng ít tuổi hơn.
- Bác có công khai hết tất cả vợ không?
+Có thể không công khai với xã hội, với người dân. Song các đám cưới đều đầy đủ thủ tục trong gia đình, họ hàng, đặc biệt là bên ngoại. Việc nuôi con được tôi chu toàn, đến nay đều có công ăn việc làm.
- Thế “món ấy” của bác thì thế nào?
+ Tôi chả bỏ bà nào cả. Món đấy bình thường, lúc nào có nhu cầu thì các bà gọi.
Phóng viên Báo Người Lao động chụp ảnh chung với người đàn ông nhiều vợ - Ảnh: CTV
Ông Chuốt sống tốt với mọi người. Ông còn tài trợ cả vườn rau cho trường mầm non ở xã Minh Trí, tài trợ gần 100 bộ quần áo cho hộ nghèo, ghế đá nhà văn hoá, giúp đỡ hàng xóm, láng giềng
Ở tuổi 66, ông vẫn thường xuyên lên mạng đọc báo, nghiên cứu thông tin. Ông luôn có chiếc iPad là vật bất ly thân, có gì cần tra cứu ông mở ra xem ngay.
Ông còn nổi tiếng ở huyện là người chống tiêu cực. Những gì ngang trái, ảnh hưởng tới người dân là ông thu thập bằng chứng, dùng chiếc iPad của mình chụp lại ảnh rồi chuyển tới cơ quan chức năng. Nhiều trường hợp đã được ông tháo gỡ, coi ông như ân nhân. Ông kể đã học hết lớp 12/12 rồi và ước mơ là sẽ thi Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. Mục đích của ông là để con cháu thấy là ông vẫn ham học hỏi, muốn con cháu học hành đến nơi đến chốn.
Chuyện về vợ con, với ông đó là cuộc sống hàng ngày. Ông cũng không tự hào về “thành tích” của mình mà coi đấy là cái “số” nó thế. Ông Chuốt không có mong muốn gì hơn là tất cả "vợ", con đều sống hoà thuận, vui vẻ, hạnh phúc và đặc biệt… không ai nhiều "vợ" như ông.
Bài và ảnh: Nguyễn Quyết