Cận cảnh giàn khoan HD-981 đang được Trung Quốc hạ đặt trái phép trên biển Đông.
Theo bài viết này, căng thẳng đang gia tăng đầy nguy hiểm trên biển Đông, đặc biệt tại khu vực gần giàn khoan HD-981 mà tập đoàn dầu khí quốc doanh CNOOC của Trung Quốc hạ đặt, khi các tàu Trung Quốc dùng vòi rồng để tấn công tàu Việt Nam.
Đây là một tình huống rất nghiêm trọng, bài báo viết.
Bài xã luận nói rằng, Trung Quốc xem quần đảo Hoàng Sa, gần nơi cuộc đối đầu trên biển diễn ra, là một phần lãnh thổ của mình và tuyên bố có quyền khoan tìm dầu ở vùng nước xung quanh quần đảo này. Tuy nhiên, toàn bộ khu vực trên nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Hành động đơn phương của Trung Quốc là không thể chấp nhận được - tác giả khẳng định.
Theo bài báo, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với hầu hết biển Đông, thể hiện qua cái gọi là “đường chín đoạn”. Tuy nhiên, “đường chín đoạn” về bản chất là rất mơ hồ và không được căn cứ rõ ràng trên luật quốc tế. Có vẻ như Bắc Kinh tin rằng, họ có đặc quyền đối với các vùng nước nằm bên trong đường này.
Vào tháng 1 vừa qua, chính quyền tỉnh Hải Nam của Trung Quốc, cơ quan mà Bắc Kinh nói là có quyền tài phán đối với biển Đông, đưa ra một bộ quy tắc đòi tất cả các tàu cá nước ngoài phải xin phép cơ quan chức năng tỉnh này mới được hoạt động trên khu vực rộng lớn mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Không có gì là ngạc nhiên khi động thái này đã dẫn tới những cuộc phản đối đầy giận dữ của các quốc gia láng giềng.
Dường như Trung Quốc đang cố gắng tích tụ một số “chuyện đã rồi” liên quan đến tuyên bố chủ quyền của mình trên khu vực nằm trong “đường chín đoạn”, theo bài xã luận.
Bài viết cũng nhắc lại cuộc chiến tranh biên giới Việt-Trung năm 1979. Vào thập niên 1990, hai nước đã dành nhiều thời gian cùng nhau giải quyết tranh chấp biên giới trên bộ. Tuy nhiên, hai nước chưa đạt được thỏa thuận về các tuyên bố lãnh thổ trên biển Đông.
Vào năm 2002, Trung Quốc và Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhất trí thông qua tuyên bố về cách ứng xử của các bên trên biển Đông - một bộ quy tắc về các giải pháp hòa bình đối với các tranh chấp trong khu vực. Hai bên dự kiến sẽ soạn thảo một bộ quy tắc chi tiết về ứng xử trên biển Đông nhằm đạt tới mục tiêu mà thỏa thuận trên đề ra.
Song, động thái mới nhất của Trung Quốc đã đi ngược lại những thỏa thuận quốc tế này, bài xã luận của Asahi Shimbun viết.
Bài báo cũng đề cập tới việc Chính phủ Mỹ đã ngay lập tức bày tỏ quan ngại trước những diễn biến mới nhất trên biển Đông. Washington coi hành vi của Trung Quốc là một mối đe dọa nghiêm trọng tiềm tàng đối với nguyên tắc về tự do đạo hàng trên toàn bộ vùng Biển Đông.
Kết thúc bài viết, tác giả cho rằng, nếu mọi chuyện không có tiến triển, các vùng biển ở Đông Á sẽ trở thành “sân khấu” cho sự xung đột giữa các cường quốc khu vực. Điều đó sẽ không đem lại ích lợi gì cho bất kỳ ai. Trung Quốc chính là nước phải chịu trách nhiệm cho tình hình hiện nay và phải lùi bước đầu tiên, bài báo khẳng định, đồng thời cũng kêu gọi Việt Nam bình tĩnh khi phản ứng.