(GDVN) - Chuyên gia Nga cho rằng, Việt Nam sẽ có nguồn lực, có năng lực để nhập khẩu vũ khí tiên tiến hơn, đem lại nhiều cơ hội cho các công ty Nga.
|
Tàu tên lửa lớp Molniya (ảnh minh họa) |
Nga sẽ mở rộng chuyển nhượng công nghệ quân sự cho Việt Nam?
Tờ “Tin tức Trung Quốc” ngày 12 tháng 11 đưa tin, tại Hà Nội, Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa tuyên bố: “Chúng tôi dự định mở rộng chủng loại sản phẩm hiện đại (vũ khí trang bị) xuất khẩu cho Quân đội Việt Nam”. Bộ Quốc phòng hai nước ngày 12 tháng 11 đã ký thỏa thuận liên chính phủ mới về hợp tác kỹ thuật quân sự.
Trang mạng “Đài tiếng nói nước Nga” dẫn lời chuyên gia Vasilii Cashin, Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ Nga cho rằng, trong thời gian Tổng thống Nga Vladimir Putin đến thăm Việt Nam, hai bên hoàn toàn chưa ký hợp đồng cung ứng vũ khí trang bị cụ thể nào, nhưng đồng thời, thông qua thỏa thuận liên chính phủ hợp tác kỹ thuật quân sự hai nước được ký kết trong quá trình chuyến thăm có thể nhìn thấy, việc ký kết loại hợp đồng này sắp được tiến hành.
Vasilii Cashin cho rằng, hợp tác kỹ thuật quân sự giữa Nga và Việt Nam có thể sẽ được tiến hành theo mô hình hợp tác mà Moscow đã từng áp dụng với Trung Quốc, tức là, từ cung ứng thành phẩm quá độ sang chuyển giao công nghệ và phát triển cơ sở sản xuất công nghiệp quân sự của Việt Nam.
|
Ngày 12 tháng 11 năm 2013, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hội đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin |
Bài báo dẫn tuyên bố của Thư ký thông tin Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cho biết, thỏa thuận mới hợp tác kỹ thuật quân sự Nga-Việt liên quan đến “vấn đề công nghệ” và “vấn đề mở rộng cung ứng chủng loại trang bị quân sự”.
Bài báo phân tích cho rằng, ý đồ phát triển công nghiệp quân sự của Việt Nam là rõ ràng, cũng phù hợp với logic. Số lượng dân số của Việt Nam đã lên tới 90 triệu người, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), theo đánh giá của Quỹ tiền tệ quốc tế, sẽ đạt khoảng 170 tỷ USD.
Ngân sách quân sự (quốc phòng) năm 2012 của Việt Nam là 3,33 tỷ USD, nhưng trong lực lượng vũ trang vẫn giữ lại rất nhiều vũ khí kiểu Nga được cung ứng từ thời kỳ Chiến tranh Lạnh, cần được đổi mới. Cùng với sự tăng trưởng, có thể dự đoán, Quân đội Việt Nam sẽ mua nhiều trang bị mới hơn. Vì vậy, Việt Nam tiến hành đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất ở trong nước sẽ thúc đẩy tăng trưởng tổng thể tiềm lực kinh tế, công nghiệp của Việt Nam.
Bài báo viết rằng, "Việt Nam đã đạt hiệu quả ban đầu trên phương diện này. Chẳng hạn, Việt Nam đã mua 12 tàu tên lửa lớp Molniya (Tia chớp) của Nga, trong đó 10 chiếc được sản xuất tại Việt Nam, kể cả sản xuất số lượng linh kiện nhất định của những con tàu này. Có thể suy đoán, Việt Nam sẽ còn quan tâm đến việc mở rộng danh sách sản xuất trang bị phổ thông Lục quân, đồng thời sẽ độc lập sản xuất một số vũ khí cho Hải, Không quân. Rõ ràng, thời cơ đổi mới và hoàn thiện xe tăng, xe bọc thép của Việt Nam đã chín muồi'.
|
Tháng 3 năm 2013, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu thăm Việt Nam, cho biết Nga sẽ giúp Việt Nam xây dựng lực lượng tàu ngầm. |
Trước đó, tờ “Nhân Dân” Trung Quốc có bài bình luận cho rằng, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp tục thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Nga-Việt. Ông Putin đã 3 lần đến thăm Việt Nam, chuyến thăm này là cơ hội để Nga mở ra cục diện mới cho ngoại giao châu Á-Thái Bình Dương của họ.
Theo bài báo, ngoài tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, thương mại, năng lượng (điện hạt nhân)..., hợp tác quân sự Nga-Việt cũng tiếp tục được thúc đẩy. Những năm gần đây, Việt Nam đã trở thành một trong những nước nhập khẩu chủ yếu của vũ khí Nga. Nga sẽ giúp Việt Nam xây dựng lực lượng tàu ngầm, trước năm 2016, Nga sẽ cung cấp 6 tàu ngầm lớp Kilo cho Việt Nam.
Bài báo cho rằng, Việt-Nga không chỉ có tình hữu nghị lịch sử, mà còn có tiềm năng phát triển rất lớn, chuyến thăm Việt Nam của ông Putin tạo động lực mới cho hợp tác hai nước.
|
Tàu ngầm diesel lớp Kilo do Nga chế tạo, Việt Nam sắp đón tàu ngầm đầu tiên lớp này mang tên Hà Nội. |
Hoàn cầu chụp Mũ: "Việt Nam dựa Nga để đối phó Trung Quốc"
Ngày 13/11/2013, tờ “Thời báo Hoàn Cầu” có bài viết tuyên truyền, suy diễn với nhan đề cho rằng “Putin thăm Việt Nam bàn hợp tác quân sự nhạy cảm. Truyền thông cho rằng Việt Nam muốn dựa vào Nga đối đầu với Trung Quốc”.
Theo bài viết, hiện nay trọng điểm chính sách đối ngoại của Nga đã chuyển sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Tờ “Quan điểm” Nga cho rằng, ông Putin đã thảo luận với phía Việt Nam về hợp tác quân sự, công nghệ cao. Ông Putin đề cập đến nội dung hợp tác kỹ thuật quân sự “rất nhạy cảm” với Việt Nam, còn lãnh đạo khẳng định Nga là người bạn “thân thiết nhất”. Hai bên đã ra Tuyên bố chung tăng cường quan hệ hợp tác.
Theo tuyên truyền của bài viết, "Việt Nam là một trong những khách hàng vũ khí chính của Nga. Tình hữu nghị hai bên có từ thời kỳ Liên Xô. Năm 2012, hai nước đạt được thỏa thuận, quân nhân Nga “quay trở lại căn cứ vịnh Cam Ranh”, Việt Nam sẽ cung cấp bảo đảm hậu cần cho Hải quân Nga".
Bài viết dẫn lời chuyên gia cho rằng, do Việt Nam duy trì quan hệ tốt với cả Trung Quốc và Mỹ, Hải quân Nga xuất hiện ở cảng biển này sẽ không đe dọa an ninh của Trung Quốc và Mỹ, nhưng sẽ tăng “sức nặng” cho Việt Nam.
|
Tàu hộ vệ tên lửa Lý Thái Tổ của Hải quân Việt Nam, do Nga chế tạo. |
Chuyên gia Usov, Viện nghiên cứu điều tra chiến lược Nga cho rằng, Việt Nam cần Nga để “đối phó” Trung Quốc. Quân đội Nga tiến vào vịnh Cam Ranh có thể giúp Nga tiến hành theo dõi đối với Đông Nam Á, khu vực chiến lược trọng điểm, trong đó có Biển Đông.
Tờ “Đại công báo” ngày 15 tháng 11 cũng có bài viết cho rằng, trong chuyến thăm Việt Nam của ông Putin, hai bên đã ra Tuyên bố chung tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, đã ký kết 18 thỏa thuận hợp tác, liên quan đến hợp tác trên các lĩnh vực như quân sự, năng lượng, giáo dục, khoa học kỹ thuật...
Theo bài báo, thông qua tăng cường hợp tác với các nước châu Á, Nga đã tăng cường vai trò ảnh hưởng của họ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đã phản ánh rõ chiến lược châu Á-Thái Bình Dương của họ.
Bài báo cho rằng, Việt Nam có quan hệ quân sự, thượng mật thiết với Nga. Đối với Nga, Việt Nam là cửa ngõ để Nga đi vào ASEAN và Đông Nam Á, đồng thời là đối tác hợp tác năng lượng quan trọng của Nga. Việt Nam và Hàn Quốc đều đã cung cấp không gian lớn hơn cho ngoại giao Đông Á của Nga. Putin thăm Việt Nam và Hàn Quốc đã cho thấy, chính sách ngoại giao Nga tăng cường nghiêng về châu Á-Thái Bình Dương.
|
Hệ thống tên lửa phòng không S-300 của Việt Nam, mua của Nga |
Trung Quốc chưa dị nghị về việc Nga bán nhiều vũ khí cho Việt Nam?
Cũng tờ "Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 14 tháng 11 có bài viết nói rằng, khi trả lời phỏng vấn báo chí ngày 12 tháng 11, Makiyenko, phó chủ nhiệm Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ Nga cho rằng, tuy Nga không ngừng tăng cường hợp tác kỹ thuật quân sự với Việt Nam, Ấn Độ, nhưng Trung Quốc tạm thời chưa yêu cầu phía Nga hạn chế hợp tác với các nước như Việt Nam, Ấn Độ.
Ngày 12 tháng 11, tại cuộc họp báo sau khi hội đàm với nhà lãnh đạo Việt Nam tại Hà Nội, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, Nga chuẩn bị mở rộng chủng loại sản phẩm quân sự hiện đại cung cấp cho Quân đội Việt Nam. Cùng ngày, hai nước đã ký thỏa thuận liên chính phủ mới về lĩnh vực hợp tác kỹ thuật quân sự, quy định Nga còn muốn giúp đỡ đào tạo cán bộ quân sự cho Việt Nam.
Khi bình luận về triển vọng hợp tác Nga-Việt, ông Makiyenko chỉ ra, gần đây Việt Nam đang tích cực tiến hành hiện đại hóa Không quân và Hải quân của mình, đây là hai hướng được Việt Nam tập trung đầu tư nguồn lực lớn nhất, vì vậy có thể suy đoán, những nỗ lực này sẽ còn tiếp tục.
Nhưng, Việt Nam cũng có thể muốn nâng cấp hệ thống phòng không, dù sao thì lô mua sắm lớn gần đây trên lĩnh vực này cũng diễn ra vào năm 2003, phương hướng này đương nhiên cần phải tăng cường, các công ty Nga có thể sẽ có được cơ hội, tham gia cải tạo, nâng cấp hệ thống phòng không của Việt Nam.
|
Hệ thống phòng thủ bờ biển K300P Bastion P của Việt Nam, mua của Nga |
Makiyenko cho rằng, Nga hiện nay không còn như thời kỳ Liên Xô, thông qua xuất khẩu vũ khí trang bị, tạo sự hỗ trợ chính trị cho Việt Nam. Nga thời đại hậu Liên Xô tiến hành các hoạt động hợp tác kỹ thuật quân sự với nước ngoài xuất phát từ động cơ thương mại. Các nguồn lực hiện có của Việt Nam mặc dù còn tương đối hạn chế, nhưng có xu thế phát triển rất tốt.
Nếu nói vào đầu thế kỷ 21, Việt Nam mỗi năm chỉ mua 100 triệu USD vũ khí trang bị từ Nga, thì đến khoảng năm 2005, con số này đã tăng lên 300 triệu USD. Những năm gần đây, Việt Nam mỗi năm mua khoảng 1 tỷ USD vũ khí. Vì vậy, Việt Nam trong tương lai sẽ có nguồn lực, có năng lực để nhập khẩu vũ khí tiên tiến.
Đối với vấn đề quan hệ Việt-Trung phức tạp lâu dài, hợp đồng quân sự mới giữa Việt-Nga có ảnh hưởng đến quan hệ Trung-Nga hay không, phó chủ nhiệm Makiyenko, Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ Nga cho rằng, đến nay còn chưa xuất hiện tiền lệ như vậy.
Khi phát triển quan hệ với Nga, Trung Quốc tạm thời chưa yêu cầu Nga phải hạn chế hợp tác kỹ thuật quân sự với các nước khác. Trên phương diện này còn có Ấn Độ, quy mô hợp tác kỹ thuật quân sự Nga-Ấn phải lớn hơn nhiều, nhưng, theo tờ Hoàn Cầu, "Trung Quốc tạm thời chưa đưa ra bất cứ yêu cầu nào" .
|
Máy bay chiến đấu Su-30 của Không quân Việt Nam. |