Trong vòng 30 năm qua, giá dầu thế giới có 7 lần giảm mạnh (với mức giảm ít nhất là 35% so với cùng kỳ), trong đó đợt giảm mạnh nhất là vào năm 1986 với mức giảm tương đương 60%. Đối với Việt Nam, giới phân tích quan sát thấy diễn biến giá dầu lần này khá tương tự như năm 2008.
Do đó, VDSC đã thực hiện một thống kê về quá khứ để phần nào hình dung xu hướng giảm của giá dầu thay đổi nền kinh tế Việt Nam như thế nào vào giai đoạn đó.
Trong đợt giảm của giá dầu vào năm 2008, ngoại trừ hai chỉ tiêu tăng trưởng GDP và sản xuất công nghiệp (đặc biệt là khai thác dầu thô) kém khả quan do nền kinh tế thời kỳ này đang trong giai đoạn suy thoái, các chỉ tiêu khác đều ghi nhận mức cải thiện khả quan trong năm 2009.
Giá xăng trong nước, được phản ánh trong CPI, trong giai đoạn này cũng có tỷ lệ giảm khá tương quan với giá dầu, tương ứng khoảng khoảng 24,14% vào năm 2009. Do đó, lạm phát trong giai đoạn này cũng có mức giảm khá mạnh, tương ứng gần 6,88% trong năm 2009 (so với mức tăng gần 22,97% của năm 2008).
Bên cạnh đó, các yếu tố kinh tế vĩ mô như thâm hụt ngân sách nhà nước, cán cân thương mại và chỉ số nợ chính phủ/GDP của Việt Nam đều cải thiện tích cực sau thời điểm giá dầu giảm mạnh.
Tuy nhiên, cần lưu ý điểm khác biệt năm 2009 là năm đầu tiên Chính phủ bung mạnh "gói kích cầu", gần 150.000 tỷ đồng, đi cùng với chính sách hỗ trợ lãi suất gần 4%. Trong khi đó, năm 2015, có chăng là năm lãi suất tiếp tục giảm nhưng dư địa giảm sẽ không quá mạnh như năm trước.
Xét về kinh doanh của DN, xu hướng giảm của giá dầu cũng ảnh hưởng nhiều lên giá cổ phiếu và lợi nhuận. Theo thống kê, giá dầu giảm hỗ trợ tích cực cho việc cải thiện các chỉ tiêu như EPS, biên lợi nhuận gộp và ròng của VN-Index trong giai đoạn 2008-2010. Theo đó, EPS của VN-Index trong năm 2009 tăng 73,2% yoy.
Một điểm sáng khác, trong khi biên lợi nhuận gộp của VN-Index của năm 2009 chỉ đạt 19% so với mức 16,16% của năm 2008, biên lợi nhuận ròng của VN-Index tăng mạnh lên mức 11,83% so với mức 6,63% (năm 2008).
Trở lại hiện tại, các chỉ báo kinh tế vĩ mô trong năm 2014 cũng cho cái nhìn tích cực về kinh tế Việt Nam năm 2015.
Trong những tháng cuối năm 2014, lạm phát ghi nhận mức giảm phát. Cùng với đó, giá xăng dầu giảm mạnh trong những ngày gần đây cũng dự báo mức CPI thấp trong tháng 1/2015. Những điều này giúp thu nhập thực tế của người tiêu dùng tăng, qua đó cũng hỗ trợ tăng trưởng tiêu dùng trong năm nay.
Xét về khía cạnh từng DN, giá dầu giảm không phải là một điểm sáng cho tất cả các DN. Theo chúng tôi, điều này sẽ được phản ánh rõ nét trong kết quả kinh doanh quý IV/2014 được công bố sắp tới. Theo đó, bức tranh kinh doanh sẽ diễn biến khá trái chiều:
(1) kém khả quan đối với DN kinh doanh và khai thác dầu khí hoặc hoạt động trong mảng phụ trợ cho hoạt động khai thác;
(2) khả quan đối với các DN hưởng lợi từ giá dầu giảm (giảm chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển hàng hóa...).
Theo Goldman Sachs, đà giảm của giá dầu vẫn chưa có nhiều dấu hiệu chững lại và sẽ khó tăng trong ngắn hạn. Nỗi lo sợ về việc giá dầu giảm có thể ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế Việt Nam, tuy vậy nhìn vào những so sánh trong quá khứ, câu trả lời cho triển vọng của nền kinh tế trong năm nay là khả quan.
Nhìn chung, đây là giai đoạn nhà đầu tư có nhiều thứ để chờ đợi, đặc biệt là Việt Nam sẽ có quyết sách quan trọng về việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020. Cùng với đó, thông tin "rò rỉ” về kết quả kinh doanh quý IV và của năm 2014 của các DN niêm yết cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy hỗ trợ phân hóa trên thị trường trong các phiên sắp tới.
HUỲNH HỮU PHƯỚC - Công ty CP Chứng khoán VDSC