Ảnh minh họa
Chuyện giảng viên xin không bàn vì liên quan đến các quy định riêng về công chức, viên chức ở từng địa phương có khác nhau mà chỉ bàn về việc CẤM trên đây có hợp lý, có đúng hay không?
Cách đây không lâu, có một điều tra xã hội học cho biết rằng ít nhất là một nửa nhân loại đã từng mặc hay đang mặc quần jeans. Riêng đối với lứa tuổi thanh niên, con số đã và đang mặc lên đến gần 80%.
Thống kê chính xác không biết phản ánh sai lạc sự thật bao giờ: Nó minh định một cách chắc chắn rằng quần jean là một trong những phát minh vĩ đại nhất trong lịch sử loài người: Có thứ trang phục nào không bị lỗi mốt, luôn hợp mốt, suốt hàng trăm năm nay? Nếu đặt câu hỏi rằng trên đời này có loại trang phục nào hầu như có thể mặc mọi lúc, mọi nơi cho mọi lứa tuổi thì quần jeans là trang phục... duy nhất!
Nếu bàn rộng hơn, can thiệp vào cách ăn mặc trực tiếp, khiên cưỡng là đang trở lại với tư duy thời bao cấp, đang cố níu kéo cái gọi là “văn minh” của một thời xưa cũ?
Người béo hay gầy, cao hay thấp, cần phải che bớt nhược điểm thân thể hay làm đẹp hơn những vóc dáng, quần jeans luôn là chọn lựa tối ưu.Tại sao lại phủ định một thứ trang phục có nhiều ưu điểm để bắt nam nữ sinh viên phải già đi trước tuổi trong những bộ trang phục được hoang ngôn hóa là “trang phục truyền thống” nhưng lại có tên là... “quần tây”? Tại sao không nhận thấy rằng tuổi trẻ cần phải đa dạng, mạnh mẽ và... tươi trẻ mà quần tây là thứ đầu tiên làm cho cái tuổi trẻ đó sớm bị khuôn phép hóa, già hóa, xơ cứng hóa khi lúc nào cũng bắt ‘bỏ áo trong quần’?
Những giá trị được coi là “thuần phong mỹ tục” không thể có được bằng một văn bản ngập đầy toan tính quan liêu, sự thiển cận và thiếu hiểu biết: Nhà trường nghĩ sao đây khi đùng một cái – nhanh hơn cả pháo nổ - bắt sinh viên vất bỏ trang phục chưa cũ (nhưng bị mệnh lệnh làm cho cũ) để thay mới toàn diện, triệt để? Đất nước còn nghèo, bắt sinh viên phải có ngay lập tức hàng triệu đồng mua sắm trang phục mới là một sự ảo tưởng khó chấp nhận, ngay cả với những giấc mơ!
Chiếc áo dài đồng phục cho nữ sinh viên cũng là chuyện đáng phải bàn. Thứ nhất, nó chỉ mới xuất hiện vào những năm ba mươi của thế kỷ trước, tuyệt đối không thể là “truyền thống”. Thứ hai, chỉ có 10% dân số (nữ giới) là mặc tạm coi là phù hợp (bởi mặc áo dài mà đi xe đạp, học thể dục... thì chẳng phù hợp một chút nào) và, trong cái 10% tạm coi là phù hợp ấy, chỉ có 10% của 10% mặc đẹp (!) Thấp, béo, hay quá gầy, quá đen... thì mặc áo dài là cả một sự mỉa mai ghê gớm, thậm chí là tội ác. Đã nghĩ ra đồng phục thì phải là vài ba loại đồng phục cho nữ giới: Bắt nữ sinh mặc cái nhân danh đồng phục mà làm cho họ thiếu tự tin, xấu hổ thì đồng phục để làm gì?
Sau khi báo chí đưa tin, trường Đại học Cửu Long phản hồi là có sự hiểu sai về văn bản: Có còn gì để nói thêm khi Phó Hiệu trưởng của một trường ĐH lại không biết dùng câu chữ trong một văn bản giản đơn? Làm sao có thể trồng người khi động vào kiến thức lại sai?
Sinh viên là những người đã đủ tư cách công dân (18 tuổi); có nghĩa là đủ khả năng để chịu trách nhiệm về mọi hành vi trước pháp luật, trước xã hội. Mọi sự khiên cưỡng coi sinh viên còn quá nhỏ, chưa đủ lớn là sự áp đặt của một nền giáo dục. Cứ bắt sinh viên cúi đầu nghe thầy, cô, nhà trường, bất kể đúng sai là một trong những điều tệ hại nhất của giáo dục: Làm thế nào sáng tạo, làm sao để phản biện trước bất công, cái xấu nếu cái gì nhà trường cũng làm thay, nếu mọi sự “phản kháng” (bao gồm cả cách ăn mặc) đều bị loại trừ, ngăn chặn ngay từ trong trứng nước?
Trường đại học không phải là một trường tiểu học, không phải là một trại lính và càng không phải là một trường mẫu giáo, kính thưa các nhà quản lý!