Đã có rất nhiều phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình (BLGĐ) phải nhập viện vì chấn thương, thậm chí sẩy thai, đẻ non, nhiễm HIV, rồi sang chấn tinh thần, tâm lý vv…
Sinh con một bề là lý do khiến nhiều người vợ bị chồng bạo hành. Tranh minh họa. Nguồn: internet |
Muôn vẻ bạo hành
Hơn 6 năm trôi qua, chị Ngọc (Đức Giang, Gia Lâm) không vẫn quên được chuyện bị chồng lột hết quần áo, bắt ngồi ăn cơm trước mặt các con vì đã dám trái ý chồng… không đẻ tiếp. Khát con trai để nối dõi nên chồng bắt chị đẻ tiếp. Gia cảnh nghèo, đông con, sức khỏe yếu chị đã đặt vòng tránh thai để tránh không phải sinh thêm con. Cách tra tấn hạ nhục đó sẽ còn tiếp diễn, nếu như không kịp có sự can thiệp của chính quyền, làng xóm…
Nhắc đến chuyện ấy, chị không khỏi đau lòng vì làng trên xóm dưới mọi người đều biết chuyện của mình, không những thế hình ảnh người cha bạo hành mẹ vẫn ám ảnh hai cô con gái đang tuổi dậy thì.
Chuyện của chị Ngọc chỉ là một trong số hàng trăm, hàng ngàn câu chuyện về bạo lực gia đình. Nếu để kể hết có lẽ không ai hình dung nổi nó muôn hình muôn vẻ, với nhiều "chiêu thức” bạo lực của các đấng mày râu. Nguyên nhân để các ông chồng bạo hành vợ cũng rất "phong phú”: Uống rượu say, về nhìn thấy vợ - ngứa mắt, đánh; bắt vợ đưa tiền đi đánh bạc – không có, đánh; đi ăn cỗ bị bắt ngồi chiếu dưới vì không có con trai - về nhà chửi vợ không biết đẻ, đánh… Hình thức để bạo hành cũng muôn hình muôn vẻ. Có người chỉ tra tấn vợ khi làm "chuyện ấy” vì lúc đó, vợ không dám kêu cũng chẳng dám chạy ra ngoài… Đánh để "dạy” vợ hoặc để thể hiện uy quyền của người làm chủ gia đình là một trong nhiều hình thức của bạo lực gia đình. Không chỉ những nam giới lao động tay chân, trình độ nhận thức kém gây ra bạo lực trong gia đình mà hiện tượng này có cả ở những người đàn ông được coi là có tri thức, có trình độ.
Có những câu chuyện đáng căm giận, đáng lên án người gây ra bạo lực, song cũng có những tình huống vừa đáng thương, vừa đáng giận cả nạn nhân khi không biết cách bảo vệ mình và để kéo dài tình trạng đó mà không biết thoát ra bằng cách nào. Ví như trường hợp của chị Bích Thụy, xã Hải Ba, huyện Hải Lăng, Quảng Trị, 16 năm sống với chồng thì bị chồng bạo hành tới 13 năm. Gần đây nhất, chị bị chồng đánh dẫn đến trụy thai phải nằm viện. Chị kể: "Tui làm vợ ông ấy 16 năm, nhưng hễ nghe ông ấy "ho một tiếng” là sợ đến sởn da gà. 16 năm làm vợ thì có tới 13 năm bị đánh đập; ông ấy đánh đập tui lăn lóc như cục đá”. 13 năm trôi qua, nhưng đến nay chị mới dám bày tỏ nguyện vọng mong muốn được pháp luật bảo vệ, bởi biết đâu những con nhỏ của chị sẽ có lúc gặp phải tình huống xấu nhất do chính bố đẻ của chúng gây ra…
Rất cần được hỗ trợ về y tế, tâm lý
Những nỗi đau bởi bạo lực gia đình luôn hằn những vết thương mà bất cứ người nào trong cuộc đều không muốn nhớ đến. Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), tỷ lệ phụ nữ bị thương vì bạo lực thể xác hoặc bạo lực tình dục do chồng gây ra chiếm khoảng 30%, trong đó, hơn 10% phải chăm sóc y tế. Đặc biệt, tỉ lệ bị bạo hành khi mang thai khá cao, mà càng trình độ thấp, càng bị bạo hành nhiều. Qua khảo sát nạn nhân bạo lực gia đình trong một năm, Bộ Y tế cho biết đa số nạn nhân bị bạo hành 2-5 lần (tỉ lệ 42%), 17,4% bị bạo hành trên 5 lần/năm. Do bạo lực gia đình, tỉ lệ phụ nữ có sức khỏe kém, đi lại khó khăn, suy giảm trí nhớ, có ý định tự tử... đều cao hơn hoặc cao gấp đôi so với nhóm phụ nữ không bị bạo hành.
Hiện ngành Y tế đã thành lập 5 mô hình điểm về chăm sóc sức khỏe (CSSK) nạn nhân bị BLGĐ tại Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Đức Giang (Hà Nội), BVĐK Đông Anh (Hà Nội), BV Bình Đại (Bến Tre), BV Đoan Hùng (Phú Thọ) và BV Cửa Lò (Nghệ An). Chỉ trong 3 năm gần đây, các BV này đã phải tiếp nhận và hỗ trợ gần 3.000 nạn nhân của BLGĐ. Tuy nhiên, đây mới chỉ là con số "bề nổi”, vì thực tế cho thấy, nhiều nạn nhân vẫn e ngại, chưa chủ động tìm đến cơ sở y tế để nhờ giúp đỡ, hoặc không biết tìm đến để cầu cứu. Đa số bệnh nhân là nạn nhân BLGĐ khi đến BV đều không muốn khai sự thật, thậm chí các thành viên trong gia đình cố tình che giấu do sợ ảnh hưởng đến những người khác trong nhà, hoặc bị trả thù, sợ phải trả tiền viện phí, sợ bị phạt tiền v.v… Do đó, rất cần tăng cường hoạt động truyền thông, giúp nhiều nạn nhân BLGĐ biết và tìm đến các cơ sở y tế để được CSSK kịp thời; được tư vấn, sàng lọc, chăm sóc và điều trị, để đảm bảo bí mật cho nạn nhân với tất cả các cán bộ y tế.
Để góp phần ngăn chặn tình trạng này, đòi hỏi không chỉ sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, các ban, ngành đoàn thể mà còn ở chính thái độ của nạn nhân.
Nhóm các nhà khoa học đến từ ba nước Đan Mạch, Tanzania và Việt Nam vừa chung tay khởi động một đề tài nghiên cứu về tác động của bạo lực đối với SKSS con người. Dự án được thực hiện trong khuôn khổ hợp tác giữa 4 trường đại học Copenhagen và Nam Đan Mạch (Đan Mạch), Y khoa Kilimanjaro Christan (Tanzania) và Y Hà Nội, (Việt Nam), do Chính phủ Đan Mạch tài trợ. Trong thời gian hoàn thành nghiên cứu từ nay đến 2015, dự án sẽ được triển khai tại ít nhất từ 2-3 huyện ngoại thành Hà Nội với 1100 phụ nữ khác nhau.
Tại cuộc hội thảo do Trường Đại học Y Hà Nội, đơn vị đại diện của Việt Nam của dự án tổ chức hôm qua, 6-12, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến báo động: Có đến 1/3 số phụ nữ nước ta đang là nạn nhân của bạo lực gia đình cả về thể chất lẫn tinh thần. Bạo lực này có từ lâu nhưng cho đến nay vẫn chưa có cách nào giải quyết hữu hiệu khiến một bộ phận không nhỏ phụ nữ bị tổn thương rất nặng nề cả về thể xác lẫn tinh thần.
Trần ngọc Kha
Theo Đại đoàn kết