Chiều 29-12, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã họp phiên thứ 6. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp.
Tại phiên họp này, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã nghe, thảo luận, cho ý kiến về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng năm 2014, phương hướng, nhiệm vụ năm 2015; kiểm điểm kết quả hoạt động năm 2014 và Chương trình công tác trọng tâm năm 2015 của Ban Chỉ đạo; kết quả kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp tại một số địa phương; kết quả kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng tại một số bộ, ngành Trung ương; kết quả, tiến độ điều tra, truy tố, xét xử và khó khăn, vướng mắc của 16 vụ án, 4 vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo nêu rõ: Năm 2014, với quyết tâm và nỗ lực của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống tham nhũng được triển khai tích cực trên một số mặt: xây dựng và hoàn thiện thể chế; tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng; thực hiện một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng; cải cách hành chính; vai trò trách nhiệm của cơ quan dân cử, báo chí và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng. Các cơ quan chức năng đã tích cực, chủ động, kiên quyết hơn trong phát hiện, xử lý tham nhũng. Tiến độ điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được đẩy nhanh hơn. Việc áp dụng hình phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ, cho hưởng án treo, đình chỉ vụ án, bị can giảm nhiều so với năm 2013. Một số vụ án lớn được đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Đối với 16 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, trong năm 2014, Tòa án đã đưa ra xét xử sơ thẩm 5 vụ án, xét xử phúc thẩm 5 vụ, với các hình phạt đủ nghiêm, có sức răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.
|
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Trí Dũng – TTXVN |
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tham nhũng còn những hạn chế trong việc khắc phục những sơ hở, bất cập về cơ chế, chính sách, pháp luật. Việc thực hiện một số giải pháp phòng, ngừa tham nhũng tại nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hình thức, hiệu quả thấp. Kết quả phát hiện, xử lý tham nhũng chưa tướng xứng với tình hình. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng thấp. Vai trò, trách nhiệm của một số cấp ủy, tổ chức đảng, tính gương mẫu của một bộ phận cán bộ, đảng viên trong công tác phòng, chống tham nhũng chưa cao. Quan hệ phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng nhiều lúc chưa chặt chẽ.
Năm 2015, Ban Chỉ đạo tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác phòng, chống tham nhũng.
Ban Chỉ đạo tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế- xã hội để phòng ngừa tham nhũng, nhất là trong các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng; các văn bản pháp luật liên quan tới công tác phòng, chống tham nhũng phù hợp với Hiến pháp năm 2013 và yêu cầu đấu tranh phòng, chống tham nhũng trong tình hình hiện nay. Các cơ quan chức năng tập trung nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi quy định của pháp luật về các giải pháp phòng, ngừa tham nhũng đang thực hiện nhưng hiệu quả thấp, nhằm hạn chế tính hình thức của các quy định này.
Ban Chỉ đạo tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện nghiêm Chỉ thị 33 của Bộ Chính trị về "Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, xử lý nghiêm minh, kịp thời, đồng bộ cả về kỷ luật đảng, hành chính, kinh tế và hình sự các vụ việc, vụ án tham nhũng. Các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử tăng cường phối hợp trong việc phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; quan tâm việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng trong hoạt động kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử. Các cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ, xử lý nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, tập trung vào các vụ việc tham nhũng thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi chỉ đạo; Ban Nội chính Trung ương - cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo theo dõi, đôn đốc; các tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý.
Ban Chỉ đạo tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch 08 của Bộ Chính trị về kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng tại một số địa phương; phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị- xã hội, các cơ quan báo chí truyền thông và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng.
Kết luận phiên họp, Tổng Bí thư nhấn mạnh: Năm 2014, công tác phòng chống tham nhũng đã có chuyển biến tích cực. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng hoạt động bài bản, khá toàn diện, đồng thời chú ý một số khâu trọng điểm, một số việc khó. Cụ thể là chú ý cả công tác xây dựng thể chế, công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng chống tham nhũng, đẩy mạnh tiến độ xét xử các vụ án, vụ việc liên quan đến phòng chống tham nhũng; tăng cường kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống tham nhũng; tiến độ điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được đẩy nhanh hơn; án treo, đình chỉ vụ án, bị can giảm nhiều so với trước... và đã có tác động tốt, được dư luận nhân dân đồng tình. Công tác tuyên truyền đã phát huy tác dụng, tạo dư luận xã hội đấu tranh phòng chống tham nhũng, góp phần ngăn ngừa, răn đe, cảnh tỉnh, cảnh báo. Các ngành, các cơ quan chức năng đã phối hợp chặt chẽ hơn. Việc Ban Chỉ đạo thành lập 4 đoàn kiểm tra ở 8 tỉnh, 7 đoàn kiểm tra ở các bộ, ngành Trung ương đã mang lại hiệu quả tích cực, sắp tới cần tiếp tục làm, mở rộng ra. Việc kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống tham nhũng tại một số cơ quan, tổ chức ở Trung ương đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Công tác điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án lớn được đẩy nhanh, bảo đảm khách quan, nghiêm minh theo quy định của pháp luật, có sức răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.
Tổng Bí thư cũng chỉ rõ những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng; đồng thời nhấn mạnh: Năm 2015 là năm tiến hành Đại hội Đảng bộ các cấp, tổng kết nhiệm kỳ, chuẩn bị bước vào nhiệm kỳ mới, nhiều vấn đề đặt ra. Ngoài nhiệm vụ chính trị, cần khắc phục cho được tiêu cực, hạn chế trong Đảng, trong đó có công tác phòng, chống tham nhũng. Phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh phức tạp, khó khăn, phải tiến hành lâu dài, kiên trì, kiên quyết, cần có sự phối hợp tốt hơn giữa các cơ quan chức năng.
Tổng Bí thư đề nghị tiếp tục tiến hành công tác phòng, chống tham nhũng một cách toàn diện, trong đó chú ý một số khâu trọng tâm, trọng điểm, khâu còn yếu, nhất là xây dựng thể chế luật pháp về quản lý kinh tế - xã hội nhằm phòng ngừa tham nhũng; thực hiện nghiêm các giải pháp phòng ngừa tham nhũng theo quy định của Luật phòng chống tham nhũng; cần tiếp tục làm mạnh hơn việc phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan trong phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; quan tâm việc phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng chính trong hoạt động kiểm tra, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Về các công việc cụ thể, Ban Chỉ đạo cần chú ý thêm các biện pháp phòng chống tham nhũng vặt, tham nhũng ở các địa phương, bộ, ngành; chủ động, tích cực tham gia, phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc lựa chọn nhân sự cho Đại hội Đảng các cấp. Ban Chỉ đạo cần chú ý công tác tuyên truyền giáo dục về phòng chống tham nhũng; phân công các thành viên kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống tham nhũng, xác định rõ trách nhiệm, đồng thời cung cấp thông tin thường xuyên cho các thành viên Ban Chỉ đạo. Tổng Bí thư yêu cầu Ban Chỉ đạo cần làm hết sức quyết liệt, từng thành viên phát huy hơn nữa vai trò, trách nhiệm, chủ động, tích cực thực hiện kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống tham nhũng tại các bộ, ngành, địa phương được phân công theo dõi.
Tổng Bí thư giao các cơ quan chức năng nghiên cứu tổng kết, từ đó đề xuất ban hành văn bản của Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng trong tình hình hiện nay.
TTXVN