Đường phố Hồng Kông vẫn sạch sẽ trong suốt cuộc biểu tình. REUTERS
Mối quan tâm lớn nhất của hàng chục ngàn người phản kháng, xuống đường từ hôm Chủ nhật 28/9 tại cựu thuộc địa Anh, là các cuộc biểu tình phải diễn ra một cách văn minh. "Chúng tôi xin lỗi vì đã làm phiền" - có thể đọc thấy nhiều tấm bảng như thế trên các rào chắn.
Hồng Kông nổi tiếng về tính kỷ luật của trên bảy triệu cư dân. Người ta kiên nhẫn xếp hàng trật tự đợi xe buýt, và không một ai có ý định chen ngang. Thái độ bất lịch sự được cho là của nhiều người từ Hoa lục như khạc nhổ xuống đất - một vi phạm có thể bị phạt vạ, hay để trẻ con tiểu tiện ngay trên đường phố, thường xuyên gây bức xúc cho người dân Hồng Kông – vốn nằm trong số những thành phố an ninh nhất thế giới.
"Tự do là không làm hại đến người khác"
Thế nên người ta không mấy ngạc nhiên khi cuộc "Cách mạng những chiếc dù" - như trên mạng xã hội đã mệnh danh cho phong trào đòi dân chủ - phản ánh tinh thần văn minh trên.
Trong khu Admiralty nằm gần trụ sở chính quyền và đã trở thành điểm tập hợp của người biểu tình, một trong số các tấm bảng biểu lộ tình cảm ấy, được viết bằng tiếng Pháp: "Tự do là có thể làm tất cả những gì không gây hại cho người khác". Đó là vì những người biểu tình muốn biến phong trào của mình thành tấm gương cho toàn thế giới nhìn vào, nên họ không ngần ngại quốc tế hóa những câu khẩu hiệu.
"Chúng tôi là những người văn minh" - Ricky Pak, một doanh nhân 46 tuổi xuống đường cùng với cả gia đình, giải thích. "Chúng tôi yêu Hồng Kông, đó là tình cảm chân thật từ trái tim, từ chính những cư dân".
Lam Tsi Yan, 23 tuổi, đang học sư phạm, cho rằng một phần là kết quả thừa hưởng từ thời kỳ trực thuộc Anh. Cô nói: "Nền giáo dục Anh rất tốt, và chúng tôi biết rằng thế giới đang quan sát mình", cho nên cần phải gương mẫu.
Những người biểu tình tràn ngập trên con đường bốn làn xe, thường ngày xe cộ chen chúc chạy nối đuôi san sát với nhau. Ngày nay, đường sá thuộc về những người phản kháng. Họ dựng lên các điểm cấp cứu, và điểm lựa rác để xử lý rác rưởi do đám đông thải ra, theo những khoảng cách đều đặn. Chiếm đóng từ sáu ngày qua, những người biểu tình chú trọng giữ vệ sinh cho đường phố, với những bịch rác được cột gói cẩn thận.
Họ cũng lập nên những cầu thang tạm để giúp vượt qua những rãnh trượt an toàn, trên con đường huyết mạch mà thường ngày trông giống như một xa lộ mênh mông. Một người biểu tình phụ trách « điều khiển giao thông » : cô gái lần lượt hướng dẫn dòng người đi về các hướng khác nhau, chính xác như một chiếc đồng hồ.
"Tinh thần trách nhiệm"
Mặc cho một số giai đoạn căng thẳng với cảnh sát - mà những người đấu tranh không còn tin tưởng từ khi bị tấn công bằng hơi cay - họ rất tự hào về "tinh thần trách nhiệm" đã mang lại sức nặng cho thông điệp của người biểu tình. Đó là ước muốn có được tiến trình phổ thông đầu phiếu thực sự, và Trưởng đặc khu phải ra đi.
Tại các thành phố khác trên thế giới, sau các cuộc biểu tình đông người như vậy, các tủ kính cửa hàng có thể đã bị đập vỡ, lề đường bị cạy phá. Nhưng "Chúng tôi nhất định phải chứng tỏ là mình ôn hòa. Như thế mới chứng minh được là chúng tôi thực sự quyết tâm", Jan Lo, 18 tuổi thổ lộ.
Anh sinh viên năm thứ nhất ngành khoa học xã hội trên đây có tham vọng đi chuyên về khoa học chính trị. Anh thấy sự tham gia lần này là cơ hội quan sát tầm cỡ trong thực tế của những gì học được trên lý thuyết ở nhà trường. Bên cạnh đó, Jan Lo vẫn miệt mài với những bài học, như nhiều sinh viên học sinh khác, mà đối với họ "Cách mạng những chiếc dù" không phải là lý do để bỏ qua việc học hành.
Thống đốc người Anh cuối cùng của Hồng Kông, ông Chris Patten kết luận : Trung Quốc có "suy nghĩ phi lý" là "không thể tin tưởng được người dân Hồng Kông về việc hành xử một cách có trách nhiệm". Thực tế đã chứng minh ngược lại.