BizLIVE - Tại sao Nga cương quyết phản đối việc đưa quân đội nước ngoài vào Syria, nhưng lại không loại trừ khả năng gửi quân của mình tới Ukraine?
Giải thích cho vấn đề này, một bài bình luận được Đài Tiếng nói nước Nga phát đi hôm 5/3 cho rằng, ở đây không có điều gì mâu thuẫn cả, vì "trong cả hai trường hợp, Moscow đều cố gắng không để xảy ra đổ máu thêm nữa".
Bài viết nhấn mạnh: “Lãnh đạo Nga, và đại bộ phận người dân Nga tin rằng Syria và Ukraine, cũng như trước đây là Nam Tư, Iraq, Gruzia hay Libya đã trở thành nạn nhân của chính sách toàn cầu do Hoa Kỳ thực hiện nhằm lật đổ những chế độ không mong muốn. Thông thường nó được thực hiện bằng cái gọi là “những cuộc cách mạng màu”.
Kịch bản của “những cuộc cách mạng màu” cũng được nêu cụ thể, đó là “sự bất mãn có thực của một số bộ phận người dân với tình hình trong nước được bàn tay của những kẻ cực đoan sử dụng để gây mất ổn định và cướp chính quyền có vũ trang”.
Đài Tiếng nói nước Nga cảnh báo, nếu không thể lật đổ được lãnh đạo đất nước bằng chính người dân của họ và những kẻ khủng bố quốc tế được tung vào trong nước, Mỹ, với sự hỗ trợ của NATO và không cần được sự đồng ý của Liên Hợp Quốc, sẽ tiến hành một cuộc xâm lược. Điều này đã được thực hiện thành công ở Iraq, và đáng ra cũng đã có thể xảy ra ở Syria.
Tuy nhiên, "với sự hỗ trợ của Trung Quốc, Nga đã ngăn chặn cuộc can thiệp quân sự mà Mỹ một mực đòi hỏi".
Về “cuộc cách mạng màu” tại Ukraine, Đài Tiếng nói nước Nga phân tích, nhiều người Ukraine “trong nhiều năm liền đã được các phương tiện truyền thông và các chính trị gia kể cho nghe chuyện cổ tích về tương lai của một cuộc sống tươi đẹp trong Liên minh Châu Âu, đã đổ ra quảng trường trung tâm Kiev để phản đối Tổng thống Yanukovych”, và “các nước phương Tây đã lợi dụng ngay việc này”.
Bài viết cáo buộc, sau khi ông Yanukovych chạy trốn khỏi Kiev, phe đối lập đã thành lập một chính phủ mới với đại diện của những kẻ dân tộc chủ nghĩa, và nhấn mạnh: “Đã rõ ràng rằng chiến binh cực đoan với những khẩu hiệu bài Nga của họ và chính phủ Ukraine mới sẽ không ngần ngại trong việc sử dụng vũ lực quân sự để chống lại những cư dân không công nhận chính phủ mới ở Crimea và khu vực phía đông đất nước. Điều này sẽ đồng nghĩa với sự bắt đầu một cuộc nội chiến”.
Nhắc đến việc Tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovych kêu gọi Nga giúp đỡ và việc Tổng thống Putin được Hội đồng Liên bang phê chuẩn quyền sử dụng các lực lượng vũ trang Nga trên lãnh thổ Ukraine, song Đài Tiếng nói nước Nga cũng lưu ý: “Quyết định hiện giờ vẫn chỉ đang trên giấy và chúng ta hy vọng rằng nó sẽ không phải được thực hiện”.
Về sự hiện diện của lực lượng vũ trang trên lãnh thổ Ukraine, bài viết cho biết: “Người dân Crimea, được sự hỗ trợ của các quân nhân Nga ở căn cứ hải quân Nga tại Sevastopol đang hiện diện tại đây trên cơ sở hợp pháp, cũng như các nhân viên của lực lượng đặc nhiệm “Berkut” đã tự tổ chức tự vệ, phong tỏa các ngả đường đến Crimea”.
Nêu việc người dân Crimea quyết định tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về quy chế bán đảo trong thành phần của Ukraina và thành lập chính phủ riêng của mình, Đài Tiếng nói nước Nga kết luận: “Tất nhiên là chính quyền hiện tại ở Kiev và những chính trị gia phương Tây ủng hộ họ không thích lựa chọn này của người dân Crimea và Đông Ukraine. Điều đó giải thích cho những lời chỉ trích gay gắt vào Nga”.
“Tuy nhiên, như một ngạn ngữ khôn ngoan đã nói, “chó cứ sủa, còn đoàn người cứ đi”, bài báo viết.