>> Họ có xứng đáng nhận lương khủng?
>> Chủ tịch TP.HCM nói về vụ giám đốc nhận lương khủng
>> Thanh tra toàn diện 4 công ty lãnh đạo nhận “lương khủng”
Đó là chuyện xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa). Theo kết luận của UBND tỉnh Khánh Hòa, ban giám đốc công ty đã có bốn sai phạm nghiêm trọng nhưng không bị đặt vấn đề trách nhiệm.
Đứng đơn tố cáo ban giám đốc Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị (MTĐT) Nha Trang là hai công nhân hốt rác Nguyễn Minh Tâm và Nguyễn Ngọc Quỳnh. Một trong 14 nội dung tố cáo của hai công nhân là “lương bình quân của công nhân trực tiếp lao động thấp hơn 10 lần so với lương của ban giám đốc và cán bộ văn phòng công ty”.
Lương lãnh đạo đột nhiên tăng vọt
Mất quyền chăm sóc cây xanh vì “ngốn” nhiều ngân sách Theo Phòng quản lý đô thị TP Nha Trang, trước đây hằng năm TP chi khoảng 120 tỉ đồng để thực hiện các dịch vụ công ích liên quan đến vệ sinh môi trường và đều giao khoán cho Công ty MTĐT Nha Trang. Năm 2013, TP Nha Trang quyết định tổ chức đấu thầu thu gom rác và chăm sóc cây xanh một số khu vực để nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm chi phí ngân sách. Kết quả, Công ty MTĐT Nha Trang chỉ trúng gói thầu thu gom rác với giá 6,4 tỉ đồng, một liên doanh ba công ty ngoài tỉnh Khánh Hòa trúng gói thầu chăm sóc cây xanh gần 14 tỉ đồng. Theo đánh giá của Phòng quản lý đô thị TP Nha Trang, việc mở thầu này giúp ngân sách tiết kiệm được 10,7 tỉ đồng. B.MINH |
Theo kết luận của UBND tỉnh Khánh Hòa, năm 2012 bình quân lương hằng tháng của giám đốc Lương Khánh Thuận là 31,5 triệu đồng, phó giám đốc Nguyễn Đăng Khoa 24,5 triệu đồng, còn lương bình quân của công nhân tổ một đội môi trường 1 là gần 8,2 triệu đồng/người. Riêng sáu tháng đầu năm 2013, lương ông Thuận lên trên 75,2 triệu đồng/tháng, ông Khoa hơn 58,1 triệu đồng/tháng, công nhân tổ một đội môi trường 1 là 11,7 triệu đồng/người/tháng. UBND tỉnh Khánh Hòa cho rằng tố cáo lương lãnh đạo cao gấp 10 lần lương công nhân là không chính xác, mà chỉ tăng từ 2,99 lần đến 6,4 lần.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Tâm cho biết kết luận trên không chính xác. “Tổ một đội môi trường 1 là nơi công nhân nhận mức lương tương đối cao so với các tổ còn lại của công ty. Tôi làm ở tổ này, đến nay đã có thâm niên 13 năm, lương cao so với mọi người trong tổ, nhưng năm 2012 chỉ 6,6 triệu đồng/tháng, còn sáu tháng đầu năm 2013 chỉ 7,7 triệu đồng/tháng, nếu so lương tôi thực nhận với lương của giám đốc thì tôi thua gần 10 lần chứ còn gì nữa. Tôi không biết số liệu bình quân lương công nhân 11,7 triệu đồng/tháng là ở đâu ra” - ông Tâm nói.
Điều ông Tâm thắc mắc nhất mà trong kết luận không làm rõ được là khoản “lương hiệu quả” tăng vọt bất thường của ban giám đốc. “Theo kết luận của UBND tỉnh, lương hiệu quả cả năm 2012 của giám đốc chỉ trên 3,6 triệu đồng, còn phó giám đốc thì không có đồng nào, khối văn phòng làm việc gián tiếp có gần 60 triệu đồng, trong khi cả tổ 1 gồm 22 công nhân chúng tôi chỉ được 51 triệu đồng. Tuy nhiên, chỉ trong sáu tháng năm 2013, lương hiệu quả của ban giám đốc tăng đột biến, ông Thuận chỉ trong sáu tháng đã nhận hơn 222 triệu đồng, ông Khoa trên 180 triệu đồng, khối văn phòng gần 61 triệu đồng, còn của 22 công nhân tổ một “teo” lại chỉ còn 45 triệu đồng. Vì sao ban giám đốc được hưởng lương hiệu quả rất lớn trong khi năm 2013 công ty không có thỏa thuận hay thay đổi gì về chế độ lương?” - ông Tâm phân tích.
Công nhân bị nợ lương
Kết luận của UBND tỉnh Khánh Hòa khẳng định lãnh đạo Công ty MTĐT Nha Trang có bốn sai phạm như tố cáo của công nhân. Theo đó, năm 2011 lương tối thiểu vùng tăng, nhưng đến cuối năm 2012 công nhân mới nhận được một đợt truy trả của công ty, số tiền còn lại hơn 26,4 tỉ đồng đến nay vẫn chưa trả. UBND tỉnh Khánh Hòa yêu cầu công ty làm việc với UBND TP Nha Trang tìm nguồn chi trả. Tuy nhiên chiều 10-4, ông Nguyễn Văn Danh - chủ tịch UBND TP Nha Trang - cho biết: “Trách nhiệm trả số tiền tăng lương này là của công ty chứ TP không có nguồn để trả”.
Cũng theo kết luận trên, trong giai đoạn 2006-2012 ban giám đốc Công ty MTĐT Nha Trang chỉ tổ chức thi nâng bậc lương cho công nhân một lần vào năm 2008, sáu năm còn lại không tổ chức thi, mãi đến năm 2013 mới tổ chức thi lại. Lý do mà ban giám đốc công ty này nêu ra là bộ đề thi cũ không đáp ứng yêu cầu nên không tổ chức thi nâng bậc lương cho công nhân trong thời gian chờ hội đồng soạn đề thi mới. “Theo quy định thì ba năm công ty tổ chức thi nâng bậc cho công nhân. Tôi là công nhân bậc 5 từ năm 2003, nhưng hơn 10 năm nay không lên thêm bậc nào nữa. Khi tôi thắc mắc thì giám đốc bảo phải đến Trung tâm Kỹ thuật hướng nghiệp hoặc Trường cao đẳng nghề Khánh Hòa để thi lên bậc 6, bậc 7. Nhưng tôi sang đó người ta bảo làm gì có dạy nghề hốt rác hoặc cắt cây cảnh mà tổ chức thi nâng bậc. Vậy là tôi phải nằm ở bậc 5 mãi cho đến nay” - công nhân Nguyễn Ngọc Quỳnh bức xúc. Còn ông Tâm cho hay ông là công nhân bậc 2 từ năm 2005, mãi đến năm 2014 công ty mới tổ chức thi nâng lên bậc... 3. Sau khi có các khiếu nại của công nhân thì công ty “lùi” thời gian nâng bậc của ông về năm 2008 để hợp thức hóa.
Sai nhiều nhưng không xử lý trách nhiệm
Một vi phạm khác là từ năm 2006 đến trước tháng 9-2013 công ty chỉ ký các thỏa thuận giao và nhận khoán đối với những công việc có tính chất thường xuyên như ở các đội môi trường, cây xanh... mà không ký hợp đồng lao động thời vụ, khiến công nhân không được hưởng các chế độ chính sách theo quy định. Kết luận của UBND tỉnh Khánh Hòa cho thấy công ty ký với người lao động nhiều biên bản thỏa thuận giao và nhận khoán công việc với thời gian hai tháng, có trường hợp một lao động ký liên tục đến 12 biên bản loại này. Đến tháng 9-2013, công ty mới tổ chức ký hợp đồng lao động đối với người lao động đúng với quy định pháp luật. Theo ông Tâm, sở dĩ lãnh đạo công ty vội vàng “sửa sai” việc này là vì thời điểm đó báo chí phanh phui sai phạm lương khủng của lãnh đạo bốn công ty công ích ở TP.HCM.
Kết luận cũng chỉ ra một sai phạm khác của ban giám đốc công ty này là từ năm 2010 đến 2013 không tăng lương chính thức cho công nhân theo luật, chỉ tăng lương năng suất - chất lượng - hiệu quả lao động.
Với những vi phạm trên, UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo Công ty MTĐT Nha Trang thực hiện một loạt biện pháp khắc phục... Tuy nhiên, kết luận không nêu trách nhiệm để xảy ra những vi phạm trên thuộc về ai, cũng không thấy chỉ đạo xử lý vi phạm đối với ban giám đốc công ty.
Theo những người tố cáo, họ không thấy thỏa mãn với bản kết luận và chỉ đạo xử lý của UBND tỉnh Khánh Hòa về những vi phạm của ban giám đốc Công ty MTĐT Nha Trang, càng không chấp nhận việc thấy rõ sai phạm mà không xử lý trách nhiệm những người gây ra nên vừa làm đơn phản hồi gửi các cấp chức năng.
Chiều 10-4, chúng tôi nhiều lần liên lạc với ông Lương Khánh Thuận nhưng ông không nghe máy. Còn ông Lê Xuân Thân - phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa - cho biết: “Trước các dư luận về mức lương cao của ban giám đốc Công ty MTĐT Nha Trang, tôi đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh kiểm tra, giải trình rõ vấn đề này và một số nội dung khác. Lãnh đạo UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ trả lời đầy đủ cho báo chí và công luận vào cuộc giao ban báo chí quý 1 dự kiến tổ chức vào tuần tới”.
DUY THANH