Một trong những cây chò nâu cổ thụ rất hiếm hoi còn sót lại ven đường Hồ Chí Minh - đoạn qua địa hạt huyện Phước Sơn (Quảng Nam) - đã bất thường bị “ngã đổ”. Như hàng trăm vụ khác, kiểm lâm không tìm được kẻ đã triệt hạ cây đại thụ này vì thế gần 13m3 gỗ đã được lập biên bản, bán thanh lý. Vậy là gỗ lậu đã thành hợp pháp, ung dung về xuôi.
Đây chỉ là một trường hợp cụ thể trong vô vàn vụ “hợp thức hoá” phá rừng ở Quảng Nam…
Đại thụ “tự nhiên” đổ
Những ngày này, giữa Trường Sơn còn lồng lộng sắc xuân, hoa rừng tưng bừng nở, lộc xanh như thay áo mới cho núi rừng trùng điệp, thì bỗng dưng một cây chò nâu đại thụ ven đường Hồ Chí Minh, thuộc khu vực rừng 338 (xã Phước Hoà, huyện Phước Sơn) bị... “ngã đổ tự nhiên” - chữ dùng trong văn bản kiểm tra của Hạt Kiểm lâm huyện Phước Sơn.
Cái sự tự nhiên ngã đổ hết sức phi lý kia còn được minh chứng rành rành bởi cành lá cây chò nâu xấu số chưa kịp héo úa; bộ rễ khổng lồ còn bám chặt vào lòng đất, trên diện tích chừng hai chục mét vuông.
Vụ việc được tóm tắt: “Qua nguồn tin báo của nhân dân, tổ công tác (Hạt Kiểm lâm Phước Sơn) đã kiểm tra, phát hiện bên kia sông Nước Mỹ (còn gọi là sông Đắk My - PV) có một cây gỗ ngã đổ do lũ lụt gây ra.
Bọn lâm tặc đã lợi dụng cắt thành 3 lóng để cưa xẻ, vận chuyển, tiêu thụ trái phép. Tổ công tác đã đo đạc, thống kê tại hiện trường có 17 phách với khối lượng gần 13m3”. Báo cáo này đã được trình UBND huyện Phước Sơn. Và các bước xử lý tiếp theo tất nhiên là tịch thu, bán thanh lý, sung công quỹ.
Chúng tôi bất ngờ trước hiện trường cây chò nâu bị triệt hạ, xẻ phách từ ngay khi còn nằm bên đường Hồ Chí Minh. Cả một cung đường dài gần 1km có tầm nhìn thoáng đãng, tường tận, nhưng không hiểu sao lâm tặc có thể công nhiên khai thác, cưa xẻ gỗ giữa ban ngày.
Dòng sông chết Đắk My chỉ còn là con lạch nhỏ sau khi Nhà máy thuỷ điện Đắk My 4 xây đập, cắt dòng để chuyển nước về sông Thu Bồn, tận dụng độ chênh cao, nâng công suất phát điện. Chúng tôi lội bộ qua sông và choáng ngợp trước gốc cây chò nâu có đường kính hơn 1,55m bị đốn hạ, nằm dài bên bờ.
Thân cây đã bị cắt ra nhiều lóng, xẻ thành những phách gỗ to, chất ngổn ngang như trong một phân xưởng xẻ gỗ. Cây chò lớn to đến mức tận ngọn vẫn cho những đoạn bi gỗ với đường kính cả mét.
Hiện trường cho thấy “lâm tặc” đã dùng máy bơm nước, phun vòi rồng vào gốc cây để tận thu bộ gốc-rễ. Những thớt gỗ lớn được tiện ra từ gốc cây đã "ra dáng" những bộ bàn gỗ mỹ nghệ tương tự những sản phẩm đang bày bán tại Cty TNHH thương mại & du lịch Thanh Nhàn ngay bên kia bờ sông.
Bên cạnh là một lán trại lớn, lát ván kiên cố làm chỗ nằm, chứng tỏ “lâm tặc” hoạt động cưa xẻ gỗ rất công khai và đã đóng quân dài ngày ở đây. Khi chúng tôi đến nơi, “lâm tặc” đã nhanh chóng tẩu tán trước đó, nhưng không thể một lúc "hô biến" cả 17 phách gỗ lớn. Con đường đất mới mở từ bên kia sông Đắk My vào rừng và chiếc xe múc bánh xích còn nằm trơ giữa hiện trường - thêm một bằng chứng cho sự công nhiên phá rừng của “lâm tặc”.
|
Sản phẩm gỗ rừng được bày bán tại cơ sở Thanh Nhàn, xã Phước Xuân, Phước Sơn. |
Kiểm lâm hợp thức hoá?
Hạt trưởng kiểm lâm huyện Phước Sơn - ông Trần Lanh - không hề bất ngờ trước thông tin, hình ảnh nóng bỏng về vụ phá rừng do chúng tôi cung cấp. Ngược lại, ông Lanh có đủ đầy một bộ hồ sơ hợp pháp về cây chò đại thụ kia, cũng như "con đường" biến gỗ lậu thành "có phép" trước khi đi ra thị trường.
Trình bày của ông hạt trưởng kiểm lâm cùng chứng từ hồ sơ cho thấy, kiểm lâm đã chủ động phát hiện vụ cây chò nâu bị ngã đổ. Đội công tác đã lập biên bản, ghi rõ nguyên nhân là do lũ lụt. Sau khi báo cáo chính quyền, kết quả là đã đưa hồ sơ cây gỗ này ra hội đồng bán đấu giá của huyện để thanh lý, sung công quỹ.
Tuy nhiên cây gỗ còn chưa héo lá này lại được định giá chỉ 4,5 triệu đồng/m3 với lý do là giá trị gỗ chỉ còn... 85% chất lượng, trong khi giá thị trường một mét khối gỗ này ở Đà Nẵng dao động từ 12 - 15 triệu đồng. Và 17 phách gỗ còn lại ở hiện trường, trung bình mỗi phách dao động từ 90 - 100 triệu đồng nếu được bày bán ở Cty TNHH thương mại & du lịch Thanh Nhàn bên kia sông.
Cây gỗ bị đốn hạ, xẻ ván, lâm tặc thậm chí còn dùng vòi nước sục gốc để tận thu cả rễ, nhưng hồ sơ kiểm lâm lại cho rằng cây bị ngã đổ trước đó do lũ lụt? Sự vô lý về trận lũ càng thảm hại hơn khi một thực tế hiển nhiên ai cũng nhận ra: Từ khi Nhà máy thuỷ điện Đắk My 4 chặn dòng cách nơi này không xa, gây khô kiệt cả dòng sông, thì lấy đâu ra lũ?
Không thể lý giải chi tiết này trong hồ sơ, ông Hạt trưởng Trần Lanh đành nói lại với chúng tôi, rằng do vàng tặc đã đào bới, dùng vòi rồng phun vào gốc cây đại thụ, gây ngã đổ (!?)
Lạ nữa là, Chính phủ, ngành lâm nghiệp cũng như chính quyền tỉnh Quảng Nam đã quy định rất rõ là không được bán thanh lý gỗ ngay trong rừng. Thế nhưng, sau khi "không tìm được lâm tặc, được phép thanh lý sung công quỹ", kiểm lâm Phước Sơn đã bỏ mặc quy định của Nhà nước, cho bán thanh lý 12,884m3 gỗ chò nâu này ngay tại rừng cho doanh nghiệp.
Các quy định của Nhà nước cũng nêu rõ, đối với tài sản trên 20 triệu đồng thì phải thành lập hội đồng bán đấu giá. Thế nhưng, cây chò trị giá hàng tỉ đồng này đã được bán vội vàng cho Cty TNHH thương mại & du lịch Thanh Nhàn (Phước Sơn) và chỉ với giá... 49 triệu đồng.
Hồ sơ bán đấu giá cho thấy chỉ 1 đơn vị là Cty Thanh Nhàn tham gia, mua lô gỗ thanh lý tại rừng này. Cả giá khởi điểm do hội đồng đấu giá, bán thanh lý đưa ra và giá bán tài sản đều là 49.281.300 đồng. Nghĩa là chẳng có động thái đấu giá nào ở trường hợp này.
Chưa hết, theo quy định của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cả chính quyền tỉnh Quảng Nam thì mọi tổ chức, cá nhân không được mở cửa rừng dưới bất kỳ hình thức nào. Tuy nhiên, sau khi mua được lô gỗ này, Cty Thanh Nhàn đã đưa xe múc, đào núi, mở đường vào rừng để vận chuyển gỗ.
Cty Thanh Nhàn cũng tranh thủ khai thác luôn một gốc đại thụ khác chừng 3-5m3 gỗ ở gần đó, song vụ việc hoàn toàn không có trong hồ sơ của kiểm lâm. Trả lời vấn đề này, ông Trần Lanh cho rằng, con đường mở vào rừng này nằm trên phần đất rừng mà địa phương đã giao cho Cty Thanh Nhàn, vì vậy họ được phép. Riêng gốc cây to mà Cty Thanh Nhàn tự ý khai thác đã bị đình chỉ. Vậy là "đường đi" từ gỗ lậu thành gỗ hợp pháp đã hoàn toàn khai thông và tiện lợi.
Lâm tặc giảm, nhưng rừng vẫn mất
Liên tiếp nhiều năm gần đây, Quảng Nam được đánh giá đã giảm mạnh thực trạng phá rừng, khai thác gỗ lậu. Nếu như quý I/2012, số vụ phá rừng tăng đến con số 299, với lượng gỗ rừng bị đốn hạ, kiểm lâm tịch thu gần 500m3, thì ngay sau đó đã được giảm dần số vụ bị bắt, số gỗ bị tịch thu.
Đặc biệt, năm 2013 Quảng Nam không còn được nhắc đến như một điểm nóng về phá rừng. Đó là trên báo cáo, còn trong thực tế, trên khắp các nẻo rừng Quảng Nam hiện nay vẫn xảy ra thực trạng cây gỗ bị đốn hạ, cưa xẻ đúng quy cách cho khung cửa, ván lát sàn, bàn ghế... chất đống công khai bên bìa rừng, mà vụ cây chò “ngã đổ tự nhiên do lũ lụt gây ra” là một trong những ví dụ mới nhất.
Trung tuần tháng 3.2014, khi trở lại làng Petapooc, thuộc xã biên giới Đắkpring (huyện Nam Giang, Quảng Nam), chúng tôi đã bàng hoàng khi chứng kiến cảnh phá rừng, cưa xẻ gỗ, bày ngổn ngang ven đường. Đây không chỉ là khu vực biên giới, được kiểm soát chặt chẽ bởi lực lượng biên phòng, mà còn là khu vực thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh.
Thế nhưng, nhìn hiện trạng gỗ rừng bị triệt hạ công khai thì không thể nào bảo đó là trái phép. Đúng như dự đoán, khi chúng tôi đặt câu hỏi, ông Nguyễn Trí - Hạt trưởng, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Sông Thanh - khẳng định đó là gỗ hợp pháp. Một số là do các gia đình người đồng bào dân tộc thiểu số được phép khai thác để xây dựng nhà, một số ít khác là do lâm tặc triệt hạ, nhưng không bắt được người, ngành kiểm lâm chỉ giữ tang vật, bán thanh lý.
Hóa ra, sự thật của các vụ phá rừng, bắt lâm tặc ở Quảng Nam “đã giảm đáng kể” theo báo cáo là như vậy!
Tin bài đọc nhiều
-
Cô gái bắt cóc bé sơ sinh ở bệnh viện quận 7 để đem bán
-
19 học sinh tiểu học bị thầy, cô giáo phạt… ăn ớt
-
Obama công bố “đòn kinh tế” trừng phạt Nga
-
Vụ nam sinh trong bao tải trôi sông: Khởi tố Kim An về tội “giết người” và “cướp tài sản”
-
Cháy chợ Phố Hiến: Chủ đầu tư nhận trách nhiệm trước tiểu thương
-
Máy bay Malaysia Airlines có thể bị chiếm để đòi tiền chuộc
-
Hoàng Thuỳ Linh ngày càng nóng bỏng, quyến rũ
-
Cận cảnh dàn chiến đấu cơ huyền thoại MiG-29 của Nga tại căn cứ Erebuni