Hôm nay đúng một năm ngày máy bay mang số hiệu MH370 mất tích một cách bí ẩn. Chuyến bay của hãng Malaysia Airlines cất cánh từ Kuala Lumpur chở theo 227 hành khách và 12 phi hành đoàn đã không bao giờ đáp xuống phi trường Bắc Kinh ngày 8/3/2014 như dự kiến.
Bất chấp các nỗ lực tìm kiếm rầm rộ chưa từng có của quốc tế, các tia hy vọng tìm thấy dù là một mảnh vỡ nhỏ hòng làm sáng tỏ vụ biến mất đã lụi dần theo thời gian, để lại xung quanh nhiều lời đồn đãi và với đủ mọi giả thuyết để lý giải trừ việc cho đó là một tai nạn, RFI đưa tin.
Đây cũng là chủ đề được nhật báo Le Monde hôm 6/3/2015 đề cập đến qua bài điều tra đề tựa "Tai nạn khó có thể của MH370".
Bài viết dài hai trang tổng hợp lại những điểm khó hiểu trong cách xử lý tai nạn, nhất là thái độ không minh bạch của chính quyền Malaysia cũng như một số nước ít nhiều có liên quan tới.
Các thông tin "nhạy cảm"?
Thứ nhất, chính quyền Kuala Lumpur dưới sức ép của quốc tế, phải đợi đến ba tháng sau khi sự việc xảy ra, tức vào cuối tháng 5/2014 mới cho công bố không đầy đủ các thông tin vệ tinh. Bảng dữ liệu do Inmarsat của Anh cung cấp có đến 28 cột số, Malaysia chỉ đưa có 1/3 tức chỉ có 9 cột số liệu.
Nếu như các số liệu đó không có gì hấp dẫn như giải thích của Malaysia, vậy tại sao không đưa ra cho mọi người cùng tham khảo, theo như thắc mắc của ông Duncan Steel, nhà thiên văn học người Anh, thành viên của The Independent Group, một nhóm chuyên gia tình nguyện.
Có thật máy bay rơi ngoài khơi Ấn Độ Dương?
Thủ tướng Malaysia ngày 24/3 cho rằng chiếc máy bay MH 370 đã rơi ngoài khơi Ấn Độ Dương. Vậy tại sao không tìm được một mảnh vỡ nào bất chấp các nỗ lực dò tìm không ngơi nghỉ của chính phủ Úc trong suốt tháng 10/2014?
Tờ báo nhắc lại một phần lớn vật liệu để sản xuất máy bay được thiết kế để có thể nổi được trên mặt nước, như là ghế ngồi chẳng hạn. Do đó, kịch bản chiếc Boeing 777 hạ cánh xuống biển và chìm cả khối được cho là điều không thể.
Máy bay đã bị điều khiển từ xa?
Giả thuyết máy bay có sự cố kỹ thuật hầu như cũng không chấp nhận được. Tín hiệu cuối cùng nhận được từ MH370 là lời chào của viên phi công trẻ “All right, good night, Malaysia 370” trước khi rời không phận Malaysia để đi vào vùng không phận Việt Nam.
Thế nhưng, 90 giây sau cuộc trao đổi cuối cùng đó, bộ phận phát nhận tín hiệu đã bị tắt. Tiếp đến là hệ thống Acars cho phép gửi thông tin kỹ thuật tự động cũng bị khóa. Làm thế nào cả hai thiết bị này đều bị tắt, là một điểm khó hiểu theo như khẳng định của một viên phi công chuyên điều khiển Boeing 777.
Từ đó xuất phát giả thuyết cho rằng máy bay đã bị điều khiển từ xa với ý đồ cố ý làm “biến mất”. “Vậy ai đã điều khiển chiếc máy bay?” đó mới chính là chiếc chìa khóa của sự bí ẩn đó.
Ông Tim Clark, chủ nhân hãng Emirates Airlines, hãng hàng không sở hữu nhiều máy bay loại Boeing 777 nhất thế giới, khẳng định “Chiếc máy bay vẫn nằm dưới sự điều khiển cho đến giờ phút chót”.
Lập luận này còn được củng cố khi Boeing vào năm 2006 đã nộp một sáng chế công nghệ điều khiển từ xa. Vấn đề là không ai biết rõ loại máy bay nào được trang bị loại công nghệ này cũng như ai sẽ sử dụng chúng: Boeing? Hãng hàng không? Và trong trường hợp đó, nhằm mục đích gì?
Phi công tự sát?
Phía Malaysia từng đưa ra những lập luận nhằm đổ hết trách nhiệm cho phi công chính Zaharie Ahmad Shah, 53 tuổi. Thế nhưng theo nhật báo, với bề dày kinh nghiệm 18000 giờ bay, phi công chính không có gì đáng chê trách từ cuộc sống gia đình, tư tưởng chính trị cho đến trách nhiệm nghề nghiệp.
Tờ báo nhắc lại, không có gì cho thấy ông đã cố ý xin thực hiện chuyến bay này. Tương tự cho trường hợp viên phi công phụ trẻ tuổi.
Malaysia tìm cách đánh lạc hướng cuộc tìm kiếm?
Le Monde nhận định MH370 mất tích lộ rõ những yếu điểm của các đài kiểm soát không lưu trong khu vực đã quá do dự và lúng túng trong xử lý tình huống. Nhưng đáng chú ý nhất những thông báo rất mập mờ, không nhất quán từ phía Malaysia về hành trình chuyến bay.
Ban đầu cho là đã mất dấu vết hoàn toàn ngay sau khi rời không phận Malaysia. Vài ngày sau lại thông báo ra-đa quân đội nhìn thấy máy bay chuyển hướng bay về phía tây lãnh thổ, ở đông bắc đảo Sumatra.
Malaysia cũng không giải thích rõ tại sao trong khi máy bay chuyển hướng về phía tây, Kuala Lumpur lại yêu cầu tìm kiếm ở phía đông với sự hỗ trợ của các quốc gia như Trung Quốc, Việt Nam, Thái Lan.
“Cứ như là họ muốn đánh lạc hướng để cho máy bay có đủ thời gian thực hiện điều cần làm, họ vờ như là không thể làm cách nào khác được”, theo như nhận định của một thành viên ủy ban gia đình các nạn nhân. Hành trình của chuyến bay được cung cấp nhỏ giọt và không rõ ràng.
Nói tóm lại, hàng chục câu hỏi cứ xoay vần trong đầu người thân các nạn nhân. Tại sao Malaysia dù đã nhìn nhận sự việc nhưng vẫn tiến hành tìm kiếm theo một hướng xấu? Tại sao phải mất đến 1 tháng sau mới cho công bố danh sách đầy đủ các hành khách?
Tại sao không một ra-da quân sự nào trong khu vực phát hiện ra chiếc máy bay sau khi đã chuyển hướng? Tại sao Malaysia phải đợi đến 4 tiếng sau khi phía Việt Nam báo không nhận được tín hiệu từ chuyến bay mới đưa ra báo động mất tích?
Tại sao ngành hàng không dân sự và hãng Malaysia lại không thống nhất với nhau về số hành khách mang giấy thông hành giả?...
Giờ những gì gia đình các nạn nhân Trung Quốc nhận được từ phía chính quyền Malaysia là câu trả lời “Rất là rắc rối. Quý vị không thể nào hiểu được đâu”. Quả thật một năm đã trôi qua, sự việc vẫn luôn phức tạp. Và không ai có thể hiểu được, tờ Le Monde báo kết luận.
MINH ANH