Theo lãnh đạo vụ chức năng Ngân hàng Nhà nước, trong 5 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng mới đạt khoảng hơn 1% và đến gần cuối tháng 6 tín dụng mới tăng trưởng khoảng 2,3%. Nhưng, đến 30/6, con số mới đã là 3,52% so với cuối 2013.Một số thông tin bình luận vừa qua xem đây là diễn biến bất thường, khi tính toán đơn giản thì thấy: chỉ trong 1 tuần tăng trưởng tín dụng đã bằng tốc độ của cả 5 tháng đầu năm cộng lại. Thậm chí có hoài nghi số liệu có sự “biến hóa” nào đó (?).
Đây không phải là lần đầu tiên tín dụng có tốc độ tăng trưởng khác thường trong thời gian ngắn, khi có đột biến lớn.
Mới thôi, năm 2013, đến 20/11 tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới chỉ đạt hơn 7,21%, cách rất xa so với mục tiêu 12%. Thế nhưng, chỉ trong tháng cuối năm, tổng kết và chốt số liệu, con số tăng trưởng cuối cùng của cả năm là 12,5%.
Liệu có sự “biến hóa” nào đó ở những sự đột biến trên, nhất là khi việc thực hiện tăng trưởng tín dụng không chỉ là mục tiêu kinh tế đơn thuần nữa mà dường như còn có cả sức ép chính trị và xã hội? Dĩ nhiên, mục tiêu đề ra từ đầu năm chỉ là một tính toán tương đối để cân đối với các mục tiêu vĩ mô khác, có sai số với thực tế và không phải bằng mọi giá để đạt được.
Nhiều lần lãnh đạo chuyên trách và cả Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cùng lý giải rằng, theo diễn biến những năm gần đây, tín dụng thường tăng trưởng cao vào nửa cuối năm và đặc biệt là trong tháng 12. Diễn biến này cũng đang từng bước lặp lại trong năm nay.
Riêng về sự đột biến “1 tuần bằng 5 tháng cộng lại” của cuối tháng 6 vừa qua, khi trao đổi với VnEconomy, cán bộ chuyên trách tín dụng tại các ngân hàng quốc doanh lớn, chiếm thị phần cho vay lớn, đều cho rằng đó là diễn biến rất bình thường.
“Bản thân chúng tôi phải tính toán rất chặt chẽ mỗi khoản vay để cân đôi chi phí, tính lãi hàng ngày, nên không có chuyện “làm xiếc” số liệu để lấy thành tích. Diễn biến đó là rất bình thường, thậm chí ngay ngày mai nó lại có thể giảm xuống khi có nhiều khoản vay lớn cùng đáo hạn”, phó tổng giám đốc một ngân hàng quốc doanh nói.
Ông cũng so sánh thêm, tương tự như nợ xấu, hôm nay nó có thể dưới 3%, ở ngưỡng được cho là chấp nhận được, nhưng tuần sau một số khoản vay lớn không thu hồi đúng hạn thì lập tức có thể vượt ngưỡng 3%; hoặc ngược lại, chỉ cần đòi được vài khoản nợ xấu lớn thì thành tích đến ngay chỉ sau vài ngày.
Tại hội nghị triển khai kế hoạch 6 tháng cuối năm vừa qua, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), ba lần nhấn mạnh đến thành công trong nửa đầu năm là đạt được mức tăng trưởng tín dụng khá cao. 6 tháng đầu năm, Vietcombank đạt 6,63%.
Thế nhưng, do vòng quay của vốn, ông Bình cho biết, sang đầu tháng 7 thì mức tăng trưởng lại sụt đi chút ít. Còn về cơ bản, cả năm nay Vietcombank dự tính mục tiêu sẽ đạt mức cao với khoảng 17%.
Vòng quay của vốn cụ thể như thế nào? Diễn biến tại Vietcombank và một số ngân hàng lớn VnEconomy cũng góp phần lý giải cho hiện tượng đột biến tăng trưởng tín dụng chỉ trong 1 tuần cuối tháng 6 nói trên.
Cụ thể, vào thời điểm trên, một loạt các khoản vay quy mô rất lớn dồn dập được giải ngân. Sự trùng hợp ngẫu nhiên này tạo nên tốc độ tăng trưởng tín dụng đột biến chỉ trong thời gian ngắn, như giải ngân cho các dự án điện của Tập đoàn Điện lực (EVN), Vietnam Airlines chính thức nhận vốn vay cho kế hoạch mua loạt máy bay mới, lại đúng vòng quay mượn vốn rất lớn của Tập đoàn Xăng dầu Petrolimex, giải ngân cho một số thành viên của Tập đoàn Than và khoáng sản…
Cùng lúc, yếu tố mùa vụ cũng được xem là trọng số tăng trưởng tín dụng cuối tháng 6 và đầu tháng 7 là cho vay thu mua lúa gạo. Như tại Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội (SHB), bên cạnh điểm mới là tham gia mạnh các dự án hạ tầng, nửa đầu năm nay và đặc biệt trong tháng 6 là hoạt động giải ngân cho vay thu mua lúa gọn. Tổng giám đốc Nguyễn Văn Lê cho biết, 6 tháng đầu năm SHB gần như hoàn thành hết chỉ tiêu cho cả năm và đang xin Ngân hàng Nhà nước giao thêm chỉ tiêu mới.
Trong tuần cuối tháng 6, tại Vietcombank, yếu tố mùa vụ trong giải ngân hàng cũng là lúa gạo, bên cạnh sự trở lại của nhu cầu vay ngành sắt thép. Trong khi đó, một trọng số lớn là các khoản vay ngạch xăng dầu, vòng quay rất ngắn và nhanh, chỉ khoảng chục ngày vay - trả, ảnh hưởng về mặt số liệu khớp với kỳ công bố thế nào mà thôi.
Lãnh đạo phụ trách tín dụng Vietcombank nói với VnEconomy rằng, khi một loạt dự án lớn dồn dập giải ngân, tăng trưởng tín dụng tách khỏi “mặt bằng” trước đó là bình thường. Với Vietcombank, thậm chí hiện đã sẵn có khoảng 3% tăng trưởng nữa theo cam kết giải ngân chỉ trong vài tháng tới, chưa tính khai thác mới.
Hay tại Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank), ông Nguyễn Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị cho biết, tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm thấp hơn mức bình quân ngành, nhưng Vietinbank tin tưởng sẽ vẫn đạt chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước giao, tập trung trong 6 tháng cuối năm.
Như vậy, từ phía đại diện một số ngân hàng lớn và thực tế giải ngân của họ, tăng trưởng tín dụng đột biến trong một thời gian ngắn tại một số thời điểm là bình thường. Nhưng ở điều hành vĩ mô, trạng thái “no dồn đói góp” của dòng vốn cho nền kinh tế thì lại là một vấn đề.
Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ và địa phương cuối tháng 12/2013, là người ngoài ngành, nhưng ông Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, đã nêu bật vấn đề trên khi nêu yêu cầu, rằng: “Tiền phải rải đều trong các tháng trong năm. Như anh Bình đã nói sáng nay (thời điểm diễn ra hội nghị - PV), tín dụng tăng tập trung chủ yếu vào tháng cuối năm, như vậy không đảm bảo hiệu quả về tăng trưởng, no dồn đói góp, phân bổ nguồn lực không đều”.
Hay tại phiên họp thường kỳ tháng 5 vừa qua, Chính phủ cũng đã lưu ý đến diễn biến của dòng chảy tín dụng, khi yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phải làm sao để “rải đều mức tăng dư nợ tín dụng cho những tháng còn lại trong năm”.
Với sự lồi lõm của tăng trưởng tín dụng những năm gần đây, đặc biệt là nửa đầu và nửa cuối của năm, để rải vốn đều vốn và hạn chế “no dồn đói góp” quả là bài toán khó đối với Ngân hàng Nhà nước, nhất là khi việc cho vay không chỉ phụ thuộc vào một phía các ngân hàng.