Năm 2015 mở đầu bằng hàng loạt các chương trình truyền hình thực tế quen thuộc hoặc lần đầu lên sóng. Mỗi chương trình lại có những “chiêu trò” khác nhau để thu hút khán giả. Là scandal, là chiêu trò hay cài cắm người nổi tiếng đi thi để “câu khách”?
Nhận diện “át chủ bài”
Những năm gần đây, những chương trình truyền hình thực tế format nước ngoài đến Việt Nam ngày càng dầy đặc, thậm chí khiến khán giả gần như “bội thực”.
Trong năm 2014 - 2015, bên cạnh những sân chơi có quen thuộc còn có sự xuất hiện của những chương trình lần đầu tiên đến Việt Nam như Nhân tố bí ẩn (X-Factor), Ơn giời, cậu đây rồi! (Thank God You're Here), Bước nhảy hoàn vũ nhí, Gương mặt thân quen nhí, Solo cùng Bolero…
Sắp tới còn có sự xuất hiện lần đầu tiên của chương trình Cười xuyên Việt 2015 - một chương trình tìm kiếm tài năng tấu hài (format Việt Nam). Những chương trình quen thuộc như Giọng hát Việt, Vietnam Idol (dự kiến phát sóng vào tháng 4), Giọng hát Việt nhí… cũng đang rục rịch tuyển sinh và lên sóng trong năm nay.
Tuy nhiên, để tìm lại được không khí “rần rần” như thời Uyên Linh, Văn Mai Hương với Vietnam Idol năm 2010 hay “cơn sốt” giống như Giọng hát Việt khi lần đầu đến Việt Nam vào năm 2012 là điều không hề dễ dàng...
Không ít chương trình dù là lần đầu tiên đến Việt Nam nhưng lại không nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả và gần như không có dấu hiệu cho mùa thứ hai như Hợp ca tranh tài, Vũ điệu đam mê…
Giọng hát Việt mùa đầu tiên gây tiếng vang lớn
Có thể thấy, khi những chương trình tìm kiếm tài năng ca hát đang dần trở nên bão hòa thì tài năng nhí và danh hài lại trở thành “át chủ bài” cho nhà sản xuất. Tiếp nối thành công của Giọng hát Việt nhí là hàng loạt phiên bản nhí như Gương mặt thân quen nhí, Bước nhảy hoàn vũ nhí… với mục tiêu khai thác triệt để các tài năng nhí.
Nhạc sĩ - ca sĩ Thanh Bùi, người từng ngồi ghế nóng Giọng hát Việt nhí nhìn nhận: “Ở độ tuổi từ 10 - 15, các em được tiếp xúc với rất nhiều nền văn hóa tiến bộ, gu nghệ thuật từ đó cũng được nâng tầm nên đây được xem là thế hệ đầy triển vọng trong tương lai”.
Khi Hội ngộ danh hài bước sang mùa thứ ba cũng là lúc Ơn giời, cậu đây rồi!, Cười xuyên Việt 2015… đến với khán giả trong năm 2015.
Bám sát thị hiếu của khán giả cũng làm một cách để nhà sản xuất lôi kéo khán giả. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến cho rằng cách làm này vẫn là “ăn xổi ở thì”…
“Săn”… thí sinh
Có thể nói, thí sinh luôn là vấn đề sống còn trong các chương trình tìm kiếm tài năng bởi thực tế cho thấy dù giám khảo có nổi tiếng đến mấy, nhà sản xuất có sử dụng "chiêu trò" gì đi chăng nữa, thí sinh vẫn là nhân tố giữ chân khán giả. Tuy nhiên, với sự xuất hiện dày đặc các chương trình truyền hình thực tế, việc kham hiếm tài năng là điều dễ hiểu.
Bởi thế, các chương trình truyền hình tìm kiếm tài năng liên tục mở rộng đối tượng và khu vực tuyển sinh. Năm nay, ngoài 2 đợt tuyển sinh tại Hà Nội và TP.HCM, Giọng hát Việt còn tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt tại Mỹ có cơ hội thử sức với chương trình trong đợt tuyển sinh mở rộng vào tháng 12.2014 - 1.2015.
Vietnam Idol 2015 cũng phủ sóng rộng rãi tại nhiều tỉnh thành như Đắk Lắk, Khánh Hòa, Hải Phòng, Cần Thơ, Nghệ An, Vĩnh Long, Đà Nẵng, Hà Nội và TP.HCM để chiêu mộ các tài năng ca hát.
Thậm chí, không ít chương trình, đích thân những người thực hiện chương trình phải chủ động “săn”… “tài năng”.
Một thành viên trong ê kíp sản xuất một chương trình tìm kiếm tài năng đã có 2 mùa lên sóng cho biết: “Chương trình nào cũng cần có những nhân tố độc, lạ để thu hút khán giả. Tuy nhiên, không phải mùa nào cũng có được những nhân tố hút khán giả nên đôi khi mình phải tự đi tìm dựa trên những mối quan hệ hay lần theo những “hiện tượng mạng” để mời gọi họ dự thi nhằm thu hút sự chú ý của khán giả.
Ngoài ra, còn có một “nguồn” thí sinh nữa đến từ những giọng ca trẻ, những ca sĩ ít nổi tiếng muốn đi thi để được khán giả biết đến nhiều hơn”.
Người nổi tiếng lao vào cuộc chơi
Những năm gần đây, khán giả đã không còn lạ gì khi bắt gặp một số gương mặt nổi tiếng hoặc tai tiếng đăng ký dự thi các chương trình tìm kiếm tài năng dù đa phần họ không vào sâu.
Giang Hồng Ngọc - một trường hợp hiếm hoi giành ngôi quán quân chương trình X-Factor dù đã có kinh nghiệm đi hát nhiều năm - thừa nhận: “Đến với cuộc thi, Ngọc mong muốn khán giả biết đến mình nhiều hơn sau bao nhiêu năm gian nan, cực khổ trong nghề mà vẫn không được ai biết đến khả năng của mình”.
Bên cạnh những cuộc thi tìm kiếm tài năng còn có những sân chơi dành riêng cho người nổi tiếng cũng thu hút sự chú ý của khán giả.
Sau 5 mùa phát sóng, Bước nhảy hoàn vũ đã trở lại trong năm 2015 với dàn thí sinh khá “hot” như Angela Phương Trinh, Chi Pu, Diệp Lâm Anh, Hương Giang Idol… những cái tên luôn thu hút sự tò mò và chú ý của khán giả.
Một chương trình khác cũng lôi kéo sự quan tâm của khán giả là The remix với sự tham gia của dàn thí sinh “khủng” như Sơn Tùng, Đông Nhi, Isaac (nhóm 365)… Format mới, dàn ca sĩ có lượng fan đông đảo đã góp phần đáng kể giúp The Remix “gây sốt” những ngày qua.
Với những chương trình này, sức hút của chương trình lại nằm ở format và độ “hot” của nghệ sĩ tham gia. Chính vì thế, để có được sự xuất hiện của những tên tuổi “hot”, ban tổ chức đã phải gửi lời mời từ rất sớm, có khi là khoảng 1 năm, có khi lại phải “chạy đôn, chạy đáo” tìm nghệ sĩ thay thế nếu chẳng may lựa chọn ban đầu không thành công.
Việc ký hợp đồng cũng lắm nhiêu khê bởi các nghệ sĩ còn phải chạy show. Không phải ai cũng dễ dàng chấp nhận bỏ show để tham gia các chương trình dài hơi trên truyền hình.
Với chương trình The Remix, mặc dù sát ngày lên sóng nhưng ban tổ chức vẫn phải đắn đo cân nhắc sự tham gia của Sơn Tùng và sau đó gấp rút thay thế Hoàng Thùy Linh bằng Bảo Anh dù rằng chỉ còn vài ngày nữa lên sóng.
Những nghệ sĩ thu hút sự quan tâm của khán giả hoặc có lượng fan đông là lợi thế để chương trình được quan tâm nhiều hơn. Tuy nhiên, cũng như những chương trình khác, dù “chiêu trò” thế nào thì chất lượng chương trình vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu để giữ chân khán giả.
Thanh Bùi: Quá nhiều "chiêu trò" sẽ bị đào thải
Ở nước ngoài, việc thiếu những thí sinh tài năng cho các chương trình thực tế vẫn có nhưng chưa bao giờ lâm vào tình trạng cạn kiệt nhân tài như ở Việt Nam. Các chương trình truyền hình ở nước ta diễn ra quá nhiều, quá nhanh và liên tục khiến thí sinh và khán giả đều ngợp.
Các chương trình cũng giống như những món đồ, có ít thì chúng sẽ rất giá trị nhưng nếu quá nhiều thì chúng sẽ trở nên… mất giá. Trước tình hình đó, nhà sản xuất buộc phải sử dụng những "chiêu trò" để thu hút khán giả.
Về cơ bản, chương trình truyền hình là một hình thức kinh doanh nên cách giải quyết của các nhà sản xuất là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, dù là kinh doanh thì truyền hình thực tế vẫn cần mang tính nghệ thuật mà nghệ thuật thì cần được tôn vinh và minh bạch chứ đừng nên dùng quá nhiều "chiêu trò".
Khán giả hiện nay rất thông minh. Họ được tiếp xúc với quá nhiều nền văn hóa. Do đó, họ có nền tảng để so sánh và chọn lọc. Dĩ nhiên, những thứ không hay hoặc quá nhiều chiêu trò sẽ bị đào thải.
Bản thân Thanh Bùi nghĩ Việt Nam cần có thời gian để cân bằng lại mọi thứ, để nền nghệ thuật nước nhà có thể quay lại thời kì vàng son của 20 năm về trước.