Với đồng rúp lao xuống dốc, đất nước bị quốc tế trừng phạt kinh tế, người dân Nga sống như thế nào? RFI cho biết, báo Le Figaro tìm hiểu tình hình qua bài phóng sự dài mà tờ báo giới thiệu, lưu ý độc giả trong một hàng tựa trang nhất: "Cuộc sống hàng ngày ở Moscow vào giờ đồng rúp suy sụp".
Ở trang trong dưới tựa đề "Cuộc sống dưới (tác động của) các biện pháp trừng phạt (của quốc tế) ở Moscow", bài báo nêu bật trước tiên sự kiện đồng rúp suy sụp đã thổi một ngọn gió hốt hoảng vào dân chúng, họ lao vào mua các mặt hàng tiêu dùng cần thiết dự phòng giá lên cao thêm. Người dân Nga bước vào năm mới 2015, với con mắt dán vào bảng giá, lạm phát dễ dàng vượt qua 10%.
Bài phóng sự mở đầu với cảnh cô Ania kèo nài để mua chiếc máy pha cà phê ở cửa hàng M Video. Chiếc máy ở trước mặt, ngay trên kệ, nhưng cô không thể mua, vì đã có người nhanh chân hơn đặt mua qua Internet.
Trường hợp của cô Ania không phải hiếm hoi: Trong thời buổi khủng hoảng này, phải nhanh chân, nếu không, giá tăng vọt, không thể mua gì được nữa.
Trong mắt tác giả bài phóng sự, cửa hàng M Video bán các loại máy móc gia dụng đang trở thành một loại thước đo của cuộc sống ở Moscow trong thời buổi khó khăn hiện nay.
Của hàng mở ra lúc kinh tế thịnh vượng những năm 2000, mở cửa liên tục 7/7 ngày, phục vụ cho tầng lớp trung lưu đang vươn lên mạnh mẽ. Giờ đây cũng chính tầng lớp này là những người đầu tiên bị cuốn vào cơn bão táp tài chính, và rất nhanh chóng thay đổi cách sinh hoạt.
Trong tình hình này bài báo nhìn thấy điểm khác với những người tiêu ở các nước Tây Âu, tức là người Nga không tiết kiệm mà lại lao vào mua hàng, mua một cách hầu như hốt hoảng để tìm bảo đảm cho ngày mai khó khăn hơn.
Bà Tatiana 61 tuổi, giải thích là bà có tiền nhưng chỉ là đồng rúp, không có ngoại tệ, giờ đây đã quá trễ để đổi sang đô la để cứu vãn tài sản của mình.
Giới giàu sụ cứu tài sản của họ bằng cách đổ xô mua nhà ở ngoài nước, nhất là ở London. Nhìn chung, giới giàu có, hay người dân bình thường đều có cảm nhận chung là ngày mai sẽ rất khó khăn. Nhiều người cũng tự trấn an: đây không phải là lần đầu tiên. Một người nhớ lại tình hình khủng hoảng năm 1998, hay 2008.
Natalia, nhắc lại lời của một người bà vào năm 1998, bà ấy rất bình tĩnh trước cơn gió lốc, giải thích là bà đã 4 lần mất đi tất cả tiết kiệm của mình và phải làm lại từ đầu, điều đó lại hun đúc ý chí của bà. Bà Natalia cho là bà sẽ không nản chí và sẽ noi theo gương người bà nói trên trong cơn lốc hiện nay.
Thủ đô Nga hỗ trợ tâm lý nạn nhân khủng hoảng kinh tế
Kinh nghiệm người có tuổi là thế nhưng giới trẻ thì sao? Đến giờ tác giả bài báo cho là họ vẫn giữ nụ cười và óc trào phúng. Một cô gái mặt áo khoác sang trọng truyền trên mạng ảnh tự chụp của mình vẻ tươi cười trước một đĩa lúa mạch đen và viết: "Tôi sẵn sàng đối phó với phá sản".
Nhưng thái độ lạc quan này kéo dài đến bao giờ. Số người mệt mỏi, chán nản trước tình hình khủng hoảng không nguôi, rất nhiều, nhất là những người trên 60.
Đô trưởng Moscow đã thông báo dịch vụ hỗ trợ tâm lý của thủ đô sẽ tập trung giờ đây trên các nạn nhân khủng hoảng kinh tế: 350 nhà tâm lý học được huy động trong việc hỗ trợ này. Thành phố cũng tổ chức semina miễn phí về cách thư giãn đầu óc, lấy lại sự tự tin, đồng thời mở ra những nơi để dân chúng được chăm sóc hầu thư giản thần kinh.
Theo bài báo, chính quyền Nga đang nỗ lực ngăn chặn mọi phản đối của người dân, cho dù ông Putin vẵn giữ được điểm tín nhiệm cao.
Nhưng bước vào năm mới, với mắt dán vào giá cả, lạm phát vượt 10% và tiếp tục cao lên, tình hình có thể thay đổi. Bài báo trích giám đốc hãng thăm dò dư luận Levada Centre, nhận thấy: "Trước mắt dân chúng chưa thấy sự nghiêm trọng của tình hình. Người ta ghi nhận nỗi hoang mang, bất an, nhưng chưa có gì làm thay đổi quan niệm của họ về chính quyền. Nhưng vào tháng Hai hay tháng Ba năm tới, sự thay đổi thái độ có lẽ sẽ rõ nét hơn".
Ông Putin giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của tình hình
Le Monde cũng nhìn về nước Nga trong bối cảnh khủng hoảng hiện nay, chú ý đến việc "Tổng thống Putin đang cố giảm nhẹ tính chất hệ trọng trong cuộc khủng hoảng tại Nga", tựa bài viết trang quốc tế.
Đối với Tổng thống Nga trừng phạt kinh tế của phương Tây chỉ tác động trên 25 hay 30% kinh tế Nga.
Trước báo giới trong nước cũng như ngoài nước, ông Putin tỏ vẻ không nao núng chút nào trước việc đồng rúp lao dốc, giá dầu hỏa tụt giảm, ảnh hưởng đến thu nhập, và tình trạng hàng hóa khan hiếm dần dần do trừng phạt kinh tế.
Ngược lại ông tỏ ra vững tin, khẳng định: "Tình hình khó khăn hiện nay không kéo dài quá hai năm", kinh tế sẽ vực dậy, giá dầu sẽ tăng lên.
MAI VÂN