"Hai Lúa” Trần Quốc Hải và con trai. (Ảnh: Nhất Ngôn/Vietnam+) Bây giờ ở Tây Ninh, ai ai cũng biết chuyện “ông Hai Lúa” Trần Quốc Hải chế tạo xe thiết giáp cho quân đội Campuchia, thậm chí được chính phủ nước này tặng huân chương Đại tướng - huân chương danh dự cao nhất của đất nước Chùa Tháp.
Trước khi những thông tin này được các cơ quan chức năng tiến hành kiểm chứng, phóng viên Vietnam+ đã có cuộc tiếp xúc với ông Trần Quốc Hải, để nghe ông kể về những "thành tựu" của mình.
Và ông bắt đầu cuộc phỏng vấn bằng một câu đậm chất “Hai Lúa”: “Cái gì biết thì tôi nói hết, không biết thì xin phép qua câu khác đỡ mất thời gian của nhau hén!”
- Thưa ông, cơ duyên nào ông được quân đội Campuchia mời sang chế tạo xe thiết giáp?
Ông Trần Quốc Hải: Tôi sang Campuchia để trồng khoai mì. Tôi đã nghiên cứu chế tạo ra được máy trồng cây khoai mì và quân đội Campuchia đọc được điều này trên mạng nên cử Trung tướng Sonarit cùng sáu vệ sỹ sang Việt Nam mua máy trồng và chăm sóc khoai mì. Họ mời tôi sang để chuyển giao công nghệ này.
Một lần nọ tôi thấy xe bọc thép và xe tăng nguồn gốc Liên Xô (cũ) và Ukraine mà quân đội Campuchia sử dụng đã hư hỏng. Họ chỉ cho tôi và phàn nàn rằng từng mời chuyên gia Việt Nam qua sửa xe nhưng sửa xong rồi và chuyên gia vừa về thì xe lại hư tiếp nên họ không hài lòng.
Tự ái dân tộc nổi lên nên tôi bày tỏ ý muốn được sửa lại những chiếc xe đó. Sửa được bọc thép rồi, chạy thử bắn thử rồi, họ cũng hài lòng rồi nhưng tôi vẫn nói thẳng với họ rằng khung xe Liên Xô, máy Mỹ, súng Trung Quốc mà lắp kiểu “đầu Ngô, mình Sở” như vầy chỉ là giải pháp tạm thời thôi bởi nó không đồng bộ.
Họ hỏi tôi chế được xe bọc thép mới không, tôi nhắm làm được nên nhận luôn.
- Tôi nghĩ chuyện chế tạo xe bọc thép lẫn đồng ý cho chế tạo xe bọc thép không hẳn dễ dàng như ông nói?
Ông Trần Quốc Hải: Xưởng trưởng sửa chữa xe cho quân đội Campuchia không tin tôi làm được và đánh giá các xe hư kia chỉ đáng đem bán phế liệu. Nhưng trong buổi nói chuyện đó có ông Masuhan là lữ đoàn trưởng là người rất đam mê khoa học kỹ thuật đã đứng ra nói cho tôi.
Ông ấy bảo: “Xe này đã hư, sửa được thì tốt mà không sửa được cũng là xe hư. Để ông ấy sửa!”
Tôi cũng nói với họ tôi sẽ tự bỏ tiền túi đầu tư 25.000USD để sửa xe, sửa được mới lấy tiền. Sau này tôi sửa được rồi thì anh xưởng trưởng kia bị cách chức chuyển sang công việc khác và quân đội Campuchia cho biết tất cả các xe tăng, xe thiết giáp nào hư sẽ không được thanh lý sắt vụn mà phải chờ tôi “khám bệnh” cho chúng trước.
Tôi nói với họ rằng chế tạo xe bọc thép quan trọng ở kỹ thuật, trí tuệ hơn vật chất bởi vật tư cho quân đội không thiếu nhưng lại thiếu ý tưởng.
Tôi tạo ra những chiếc xe bọc thép từ kinh nghiệm hơn 20 năm làm cơ khí của mình trên tinh thần tiết kiệm nhất về vật chất và bù lại bằng lao động và trí lực của mình.
Nói thẳng luôn là những chiếc xe bọc thép mới được chế tạo phải linh động góc độ để tổng thể đẹp dù từng chi tiết chưa được đẹp, nhưng vấn đề là hiệu quả được đặt lên hàng đầu.
- Ông sửa xe xong mất bao lâu và chiếc xe được sửa lại so với chính nó lúc chưa hư thì thế nào?
Ông Trần Quốc Hải: Mất đúng 20 ngày là tôi sửa xong hết. Cái xe cũ có bình xăng đi qua bộ đánh lửa rất tệ, chạy cỡ 20km phải nhúng nước làm mát và nhiều nhược điểm không phù hợp với vùng nhiệt đới cần cải tạo lại.
Động cơ của nó hao xăng kinh khủng và hai động cơ không đồng tốc nên khả năng hư hỏng cao. Tôi phụ trách sửa máy và các chi tiết khác còn gầm xe và thắng xe do phía Campuchia phụ trách.
Xe sửa xong chuyển qua chạy bằng dầu diesel rẻ hơn xăng. Trước đây xe chưa hư thì chạy cùng quãng đường mất 45l xăng còn sửa xong thì chỉ mất 25l dầu diesel.
Sửa xong họ điện thoại báo ngay và đích thân Trung tướng Sonarit lập tức đến nơi, lên xe tự cầm lái chiếc đầu tiên dù dàn thắng xe chưa làm xong.
Ông ấy chạy bốn vòng sân (khoảng 40km) thấy ổn liền gọi điện báo cho Tổng tư lệnh quân đội Campuchia và đại diện các bộ ban ngành tại Phnompenh đến xem và chúc mừng.
- Sửa xe bọc thép cũ đã khó thì chắc chế tạo xe bọc thép mới còn khó hơn, ông làm thế nào để tạo ra một chiếc xe bọc thép hoàn toàn mới?
Ông Trần Quốc Hải: Bất kỳ loại xe nào dù thô sơ hay hiện đại cũng đều không nằm ngoài nguyên lý vật lý nói chung và nguyên lý cơ khí nói riêng. Nắm được nguyên lý là làm được hết!
Mẫu mã ban đầu tôi nhắm vào chiếc xe bọc thép đang “hot” và mắc nhất thế giới hiện nay là chiếc V300 của Mỹ với giá 18 triệu USD/chiếc tuy nhiên phía Campuchia không đồng ý.
Trung tướng Soinarit nói rằng phải chế theo một kiểu riêng đặc thù Camphuchia để phù hợp với địa hình Đông Dương, xe mới phải là xe không đụng hàng chớ không phải loại xe bắt chước thiên hạ. Tôi phác thảo và trình lên, họ đưa ra hội đồng và thông qua để chế tạo.
Làm xe mới không dễ mà phải làm gấp nên Trung tướng Soinarit đi thị sát mỗi ngày và họ nói muốn gấp rút hoàn thành để kịp ngày duyệt binh 13/10.
Họ yêu cầu tôi giao trước nửa tháng để kịp chuẩn bị cho buổi lễ. Tôi vừa làm vừa rút kinh nghiệm tại chỗ và trung bình làm 10 giờ/ngày và không có ngày nghỉ.
Cái khó nữa là cắt góc, cắt khối cho xe không có máy cắt thủy lực cường độ cao hay máy cắt laser mà chỉ mài máy hàn gió đá bằng tay.
Hoàn thành xong công việc tôi sút đúng 4kg. Tôi không trực tiếp làm mà chỉ đạo thợ làm nhưng cái đầu luôn phải hoạt động hết công suất chỉ trừ lúc đi ngủ.
- “Đứa con sáng chế” đầu tiên về quân sự của ông được quân đội Campuchia đánh giá như thế nào?
Ông Trần Quốc Hải: Họ bảo “đẹp như Angkortuk" (kỳ quan Angkor thu nhỏ).
- Ai đã giúp ông thực hiện các công việc nói trên?
Ông Trần Quốc Hải: Con trai tôi Trần Quốc Thanh và ba người thợ Việt Nam nữa. Thợ tại chỗ ở Campuchia thì khoảng 20 người. Con tôi là cánh tay mặt của tôi, nó nhạy bén hơn tôi và không chỉ có tôi mà các tướng lĩnh của Campuchia cũng tham khảo ý kiến nó trong các cuộc họp chính thức hay tại công xưởng.
- Sửa được xe tăng, xe bọc thép cũ và chế tạo xe bọc thép mới, hẳn là quân đội Campuchia không chỉ dừng lại ở hai đơn hàng ấy chứ, thưa ông?
Ông Trần Quốc Hải: Họ đặt tôi hai mẫu mới nữa là xe bọc thép lội nước và xe bọc thép mang pháo Kachiusa tầm bắn 45km. Xe bọc thép đầu tiên là xe dùng để hỗ trợ bộ binh, cần thiết cũng có thể chở vũ khí, lương thực khác.
- Ông hãy nói một chút về những cách làm việc của đối tác tại Campuchia mà ông trải qua?
Ông Trần Quốc Hải: Họ trao đổi trực tiếp hay qua điện thoại và quyết định rất nhanh. Khi đưa ra yêu cầu, họ chỉ nhận sản phẩm đạt hoặc cao hơn yêu cầu còn nếu thấp hơn thì coi như vứt đi.
Chuyện tiền bạc cũng sòng phẳng cực kỳ dù tôi và họ không làm hợp đồng gì. Ví dụ trước khi làm xe mới họ ứng 200.000 USD cho tôi mà không cần giấy tờ gì mất công, uy tín là trên hết. Nghe nói sản phẩm làm xong rồi thì từ tướng đến tá lập tức đến công xưởng ngay, thao tác thử ngay.
- Tôi được nghe ông đã từ chối 18 mẫu xoài, chiếc xe hơi sang và ngôi biệt thự đắt giá cùng các chế độ hậu đãi như một tướng quân mà quân đội Campuchia dành cho mình, ông nghĩ gì khi nói lời từ chối ấy?
Ông Trần Quốc Hải: Không chỉ có vậy đâu, bộ trưởng phụ trách y tế của Campuchia mà tôi không nhớ tên đã bắt tay tôi thật chặt khi tay tôi lấm lem dầu mỡ và hứa là tất cả vấn đề về sức khỏe của tôi và gia đình sẽ được Campuchia đáp ứng ở cấp quốc gia vì tôi đã sửa được xe thiết giáp, xe tăng nghĩa là tôi tiết kiệm cho ngân sách Campuchia rất lớn.
Nhưng tôi là người làm khoa học đơn thuần nên không muốn bị ràng buộc. Mục đích của tôi là làm ra nhiều hơn những máy móc phục vụ cho quê hương nói riêng và cho con người nói chung. Tôi nói với họ tôi chỉ nhận những thứ tôi đáng nhận và nên nhận, vậy thôi.
- Là một nhà sáng chế nông nghiệp và bây giờ là them sáng chế quân sự, ông nghĩ gì về điều này?
Ông Trần Quốc Hải: Khoa học là không biên giới, là để phục vụ con người. Tôi thích chế tạo ra các sản phẩm nông nghiệp để nâng cao sản lượng lương thực phục vụ con người hơn.
Chế tạo xe bọc thép là để người nước ngoài không coi thường năng lực người Việt Nam mình, cũng là vì tôi được tin tưởng và được đối xử tốt tại Campuchia.
Nếu có sự lo ngại rằng chế tạo xe bọc thép là chế tạo vũ khí thì cũng nói luôn là tôi tạo ra được xe bọc thép thì tôi cũng có thể tạo ra được thứ khắc chế nó.
Sử dụng thế nào là ở mục đích tốt hay xấu thôi chớ bản thân khoa học chỉ có đúng hoặc sai, làm được hoặc không làm được thôi mà. Với lại có những thứ còn khó chế tạo ra hơn xe bọc thép mà tôi còn làm và làm được nữa kia mà.
- Khó chế tạo hơn xe bọc thép?
Ông Trần Quốc Hải: Tôi nghiên cứu và chế tạo xong 11 chiếc xe bọc thép mới mất khoảng bốn tháng trong khi chiếc máy trồng mì và chăm sóc mì mất đến hai năm. Đừng tưởng sản phẩm nông nghiệp mà giản đơn, dễ làm. Nhiều người đã mua máy tôi về rồi bắt chước làm thử nhưng đều thất bại và phải đến tìm tôi.
- Hãy nói một chút về gia đình ông?
Ông Trần Quốc Hải: Vợ chồng tôi chỉ có một đứa con trai và cháu cũng mới vừa lấy vợ. Hai cha con đều đam mê về máy móc và lắm lúc vợ tôi (bà Trần Thị Bạch Yến) cũng cằn nhằn dữ lắm vì thấy tôi cứ đem tiền mua đủ thứ máy móc kỳ lạ đem về mà chưa biết có chế tạo ra được cái gì không.
Lúc tôi chế máy bay thấy tốn tiền nên vợ tôi phàn nàn thì tôi không đi chơi, không nhậu nhẹt và luôn dành một khoản để gia đình đủ chi tiêu thì cô ấy mới thông cảm.
Thấy hai cha con tôi mê chế tạo quá và tiền nhà dù sao cũng tốn rồi nên vợ tôi thôi đành chấp nhận và từ không biết gì về cơ khí thì đến giờ cô ấy khá rành chuyện máy móc để trở thành người quản lý cho gia đình.
- Nếu có một lời khuyên dành cho thế hệ trẻ, ông sẽ nói gì?
Ông Trần Quốc Hải: Nền tảng vật chất không quan trọng bằng tư duy. Bỏ đi sự bảo thủ thì cậu bé 8 tuổi hay ông già 80 đều phục vụ đất nước tốt được theo cách của mình.
Khổng Tử nói cách đây mấy ngàn năm không học mà làm được là thánh nhân, học mà làm được là người hiền minh, học mà không làm được là kẻ ngu. Chỉ có lao động mới tiến bộ, sinh ra cái mới. Khi ai đó nghi ngờ mình không thể làm được điều gì đó mà mình tin tưởng, theo đuổi thì đừng nản lòng và cố gắng làm cho bằng được.
Tôi mong các bạn trẻ hãy nâng cao kiến thức bằng nhiều cách, đừng sợ không có chỗ dùng kiến thức ấy bởi mọi may mắn nếu đến thì xét cho cùng cũng từ sự nỗ lực để đón đợi nó mà thôi.
- Xin cảm ơn ông rất nhiều!