Tờ The National Interest của Mỹ vừa có một bài viết phân tích kỹ lưỡng 4 sai lầm lớn về mặt chiến lược của Trung Quốc trên biển Đông.Vào ngày 1/5, Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Để hậu thuẫn và bảo vệ giàn khoan này, Trung Quốc cử 80 tàu, và con số này vẫn đang tiếp tục tăng lên.
Bài viết nhận định, động thái trên cho thấy những bước leo thang mới và nguy hiểm của Trung Quốc.
Từ năm 2007 tới nay, Bắc Kinh đã có những hành động ngày càng cứng rắn và gây hấn nhằm bảo vệ các tham vọng lãnh thổ của mình trên biển Đông. Trung Quốc đã tấn công và bắt giữ nhiều ngư dân nước ngoài hoạt động trên các ngư trường truyền thống trên vùng biển này. Các công ty dầu lửa bị Trung Quốc gây áp lực phải rút khỏi các hợp đồng với các quốc gia Đông Nam Á có tuyên bố chủ quyền trên biển Đông vì sợ bị Bắc Kinh trả đũa.
Vào năm 2009, Trung Quốc đưa ra cái gọi là “đường chín đoạn”, tuyên bố chủ quyền đối với 80% biển Đông. Tiếp theo động thái này là lời khẳng định của Bắc Kinh vào năm 2010 rằng, biển Đông là một trong những lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.
Năm 2012, Trung Quốc thành lập “thành phố Tam Sa” trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Một đơn vị đồn trú mới được thành lập và đóng quân trên hòn đảo này. Trong giai đoạn này, năng lực quân sự của Trung Quốc được cải thiện mạnh, và giờ đây, Trung Quốc có khả năng thách thức nước Mỹ cả trên không lẫn trên biển.
Tuy nhiên, The National Interest đánh giá, bước leo thang mới nhất của Trung Quốc cho thấy một tính toán sai lầm nghiêm trọng của các nhà hoạch định chính sách nước này. Bài báo cho rằng, Bắc Kinh đã có 4 sai lầm chiến lược trên biển Đông.
Thứ nhất, những gì đang diễn ra khiến Việt Nam không còn lựa chọn nào khác ngoài cách phản ứng cứng rắn và quyết tâm.
Điều 56 của Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) quy định, một quốc gia ven biển có quyền chủ quyền đối với mục đích về thăm dò, khai thác, bảo tồn và quản lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên trong vùng đặc quyền kinh tế của mình. Bởi vậy, không có một cách lý giải nào về quy định của UNCLOS có thể biện minh cho việc Trung Quốc khoan tìm dầu ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Động thái mới nhất của Trung Quốc đã vượt quá giới hạn mà các nhà lãnh đạo Việt Nam đặt ra. Bởi vậy, Việt Nam đã có phản ứng quyết liệt.
Vụ việc đã đẩy hai nước Việt Nam và Trung Quốc ngày càng cách xa và Việt Nam buộc phải tăng cường quan hệ an ninh với các cường quốc khác, chẳng hạn Mỹ. Nếu Việt Nam tính chuyện mở cửa cảng Cam Ranh cho hải quân Mỹ hiện iện ở đây, Washington chắc chắc sẽ khó lòng từ chối cơ hội này.
Thứ hai, hành động của Trung Quốc vi phạm các quy định trong Tuyên bố về ứng xử của các bên trên biển Đông (DOC) đồng thời làm gia tăng sự hoài nghi của các nước trong khu vực về ý đồ thực sự của Bắc Kinh.
Ngoài Việt Nam, Philippines, Singapore và Malaysia cũng đáng ngày càng lo ngại về hành vi của Trung Quốc trong khu vực. Indonesia trước đây duy trì quan điểm trung lập trong tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông, đến nay đã thay đổi lập trường vì lo ngại tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên biển Đông sẽ ảnh hưởng tới các quyền của nước này ở vùng biển Natuna. Trên thực tế, trong mấy năm gần đây, tàu công vụ có vũ trang của Trung Quốc đã nhiều lần chạm trán tàu công vụ của Indonesia tại vùng biển mà Jakarta tuyên bố chủ quyền.
Nếu Trung Quốc có thể khoan tìm dầu trên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nước này sẽ tiến sâu hơn xuống phía Nam và có thể đụng độ với Malaysia và Indonesia. Xét tới vai trò của Indonesia trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), việc Jakarta gần đây thay đổi lập trường đối với Trung Quốc sẽ thực sự là một trở ngại cho Bắc Kinh.
Trung Quốc càng cứng rắn trong tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông thì uy tín quốc tế của nước này càng bị hư hại. Những gì mà Trung Quốc đã đạt được bằng chiến lược “tấn công bằng thiện cảm” (“charm offensive”) đối với Đông Nam Á vào thập niên 1990 có thể bị xóa sạch bởi một làn sóng dân tộc chủ nghĩa bài Trung Quốc tại các nước trong khu vực này.
Tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN hôm 10/5 vừa qua, ngoại trưởng các nước trong khối đã ra một tuyên bố về căng thẳng trên biển Đông, bài tỏ quan ngại về vụ việc và tái khẳng định tầm quan trọng của hòa bình, ổn định và tự do hàng hải trên vùng biển này. Đây là lần đầu tiên ASEAN ra một tuyên bố chung về biển Đông kể từ năm 1995.
Thứ ba, Trung Quốc đã để mất cái cớ cho hoạt động hiện đại hóa quân sự.
Trung Quốc vẫn nói, việc nước này hiện đại hóa quân đội về bản chất là nhằm mục đích phòng thủ và sẽ không xói mòn an ninh trong khu vực. Trong thời kỳ căng thẳng gia tăng trên biển Đông từ 2007-2013, Trung Quốc thường kiềm chế sử dụng lực lượng hải quân. Thay vào đó, các lực lượng bán quân sự hiện đại, chẳng hạn lực lượng hải giám của Trung Quốc, thường được triển khai để phục vụ các tham vọng lãnh thổ của nước này. Trong cuộc đụng độ giữa Trung Quốc và Philippines ở bãi cạn Hoàng Nham/Scarborough vào năm 2012, không một tàu hải quân nào của Trung Quốc được cử tới hiện trường mà chỉ có tàu bán quân sự cùng tàu cá của nước này.
Tuy nhiên, để bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981, Trung Quốc đã cử tàu hải quân cùng 33 tàu hải giảm cùng hàng chục tàu cảnh sát biển, tàu vận tải và tàu cá. Đây là lần đầu tiên trong những năm gần đây, tàu hải quân Trung Quốc tham gia vào tranh chấp trực diện trên biển Đông. Bởi vậy, các quốc gia khác có lý do để lo ngại về ý đồ thực sự phía sau chương trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc.
Và cuối cùng, động thái của Trung Quốc có thể gây bất ổn cho an ninh trong khu vực, tạo ra trở ngại cho những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tái cơ cấu nền kinh tế và duy trì tăng trưởng bền vững.
Bắc Kinh đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trong nước, bao gồm ô nhiễm môi trường trầm trọng, dân số lão hóa, cùng các phong trào ly khai ở Tây Tạng và Tân Cương. Trong mấy năm vừa qua, các cuộc tấn công khủng bố của các lực lượng ly khai đã xảy ra ở các thành phố lớn của Trung Quốc, đe dọa ổn định xã hội của nước này. Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang cho thấy những dấu hiệu giảm tốc.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đang cần tới môi trường quốc tế ổn định để tập trung nguồn lực cho các thách thức trong nước. Tuy nhiên, hành động của Trung Quốc trên biển Đông có thể gây mất ổn định đối với an ninh trong khu vực, từ đó xói mòn những nỗ lực duy trì tăng trưởng bền vững của Bắc Kinh.
Bài báo của The National Interest tiếp tục khẳng định, việc Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam khiến Việt Nam không còn sự sựa chọn nào khác ngoài việc thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền của mình theo luật pháp quốc tế.
Xét tới sự cứng rắn và gây hấn của Trung Quốc trên biển Đông trong những năm gần đây, các quốc gia Đông Nam Á khác xem những gì Trung Quốc đang làm như một hồi chuông cảnh báo. Những nỗ lực của Bắc Kinh nhằm chiếm cảm tình của Đông Nam Á đang bị xói mòn, và chương trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc một lần nữa bị đặt nghi vấn.
Đáp trả hành vi của Trung Quốc, các nước Đông Nam Á đang cố gắng tăng cường năng lực để bảo vệ chủ quyền. Họ cũng bày tỏ rõ ràng sự chào đón đối với sự tham gia của các cường quốc ngoài khu vực như Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ trong giải quyết tranh chấp trên biển Đông. Nói cách khác, hành vi gây hấn của Trung Quốc đã tạo điều kiện thuận lợi cho và thúc đẩy chiến lược xoay trục của Mỹ về phía Đông Á, điều mà Trung Quốc không hề muốn chứng kiến.
Gây hấn và gây mất ổn định trong khu vực sẽ không giúp Trung Quốc hiện thực hóa các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Cách tốt nhất để Trung Quốc vươn tới địa vị một cường quốc của thế giới, theo The National Interest, là tìm một cách nổi lên mới, trong đó nguyên tắc cốt lõi của chính sách đối ngoại của Trung Quốc nên là hợp tác đôi bên cùng có lợi, tôn trọng quyền hợp pháp của các quốc gia khác, và giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình. Chạy nhanh không có nghĩa là sẽ về đích.