Mơ lấy chồng ngoại để được xuất cảnh hay sống cuộc sống giàu sang, sung sướng... vậy nên nhiều kiều nữ, chân dài chấp nhận lấy chồng có khi đáng tuổi cha chú của mình.
Đến khi về sống chung, vợ chồng như đôi đũa lệch khiến nhiều cô nàng choáng váng, ngán ngẩm nhưng vẫn không dám ly hôn vì sợ vuột miếng "mồi ngon". Để khỏa lấp nỗi buồn, nhiều cô nói dối chồng để đi chơi, đàn đúm bạn bè. Chịu hết xiết, nhiều ông chồng đã phải nộp đơn xin… ly hôn.
Hậu quả của việc trốn chồng đi chơi
Phiên tòa xét xử vụ ly hôn giữa nguyên đơn là ông John (SN 1952, quốc tịch Mỹ) và bị đơn là bà Tú (SN 1988 ngụ TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) diễn ra vào ngày 12/5 là một ví dụ điển hình. Đứng trước tòa, "chàng" đã ra "dáng ông già" trong khi "nàng" vẫn còn phơi phới tuổi xuân. Vậy mà không hiểu sao dù chàng đã đâm đơn đòi ly hôn và tòa sơ thẩm chấp nhận nhưng nàng vẫn cương quyết không chịu chia tay.
Theo đơn xin ly hôn và trình bày của ông John tại tòa, khoảng tháng 8/2008, ông tình cờ gặp bà Tú trong một quán bar tại TP Vũng Tàu. Sau một thời gian tìm hiểu, hai người quyết định tiến tới hôn nhân và được UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cấp giấy chứng nhận kết hôn vào tháng 2/2010. Sau khi kết hôn, vợ chồng ông sống tại TP Vũng Tàu, một năm ông đi công tác nước ngoài vài tháng.
Thời gian đầu thì cuộc sống gia đình hạnh phúc, tuy nhiên từ năm 2011 đến nay thì vợ chồng ông thường xuyên mâu thuẫn do vợ ông không tôn trọng ông và hay nói dối... Thêm vào đó là sự chênh lệch tuổi tác quá lớn, ngôn ngữ bất đồng, văn hóa và trình độ khác biệt.
Về tài sản chung, ông John xác định, cả hai có nhà đất tại phường Thắng Tam, TP Vũng Tàu, xe và nhiều vật dụng trong gia đình mà theo ông John là do ông chuyển tiền từ nước ngoài về mua sắm.
Khi ly hôn với bà Tú, ông John yêu cầu được hưởng 80% giá trị tài sản nhà đất. Đối với các tài sản khác trong gia đình, ông yêu cầu cùng bà Tú tự thỏa thuận, không yêu cầu giải quyết.
Trước tòa, bà Tú thừa nhận nguồn tiền mua nhà là do ông John đưa. Tuy nhiên, bà cũng có một phần đóng góp trong việc mua nhà đất nêu trên. Cụ thể, sau khi cưới, bà có đưa tiền cho chồng nhưng số tiền bao nhiêu không nhớ rõ. Toàn bộ giao dịch đặt cọc và ký hợp đồng chuyển nhượng nhà đất nói trên là do bà Tú thực hiện với người chuyển nhượng.
Nay trước yêu cầu khởi kiện của ông John, bà không đồng ý ly hôn. Tuy nhiên, nếu thấy có căn cứ cho ly hôn thì bà đề nghị tòa án giải quyết chia tài sản theo quy định của pháp luật.
Hội đồng xét xử (HĐXX) đã chấp nhận cho ông John được ly hôn với bà Tú. Về tài sản chung, xét trình bày của các bên đương sự về nguồn gốc số tiền mua nhà đất HĐXX thấy, theo giấy xác nhận của ngân hàng thì từ tháng 11/2010 đến tháng 1/2011, ông John đã nhiều lần chuyển tiền về Việt Nam vào tài khoản của bà Tú, tương đương với số tiền 3,3 tỉ đồng, cùng thời gian với bà Tú thanh toán tiền mua nhà ở Việt Nam. Vì vậy, bản án sơ thẩm tuyên chia cho ông John được hưởng 70% giá trị nhà đất, còn bà Tú được hưởng 30%".
Không đồng ý với bản án sơ thẩm, ông John và bà Tú đồng loạt có đơn kháng cáo. Theo đó, ông John yêu cầu tòa phúc thẩm xem xét cho ông được hưởng 80% giá trị nhà đất, bà Tú 20%. Tương tự, bà Tú cũng kháng cáo không đồng ý ly hôn và quyết định về phần tài sản mà bản án sơ thẩm đã tuyên.
Tại phiên tòa phúc thẩm, HĐXX xét đến quá trình chung sống của các bên, bà Tú dù không có tài sản nhưng cũng có công tạo lập, vì vậy cấp sơ thẩm đã chia cho ông John được hưởng 70% giá trị căn nhà, bà Tú được hưởng 30% là có căn cứ. Từ đó, HĐXX đã bác đơn kháng cáo của cả nguyên đơn và bị đơn, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.
Bị chồng tố kết hôn để được xuất cảnh
Cũng trong ngày 13/5, Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP HCM đã mở phiên tòa xét xử vụ ly hôn giữa nguyên đơn là ông Nguyên (SN 1972, quốc tịch Mỹ) và bị đơn là bà Linh (SN 1977 ngụ TP HCM).
Ông Nguyên và bà Linh đăng ký kết hôn từ tháng 1/2010. Chưa kịp tổ chức lễ cưới thì đã xảy ra mâu thuẫn do bà Linh và gia đình đòi làm đám cưới lớn trong khi ông Nguyên chỉ muốn tổ chức nhỏ cho ấm cúng. Do mâu thuẫn nên sau đó ông Nguyên trở về Mỹ luôn và từ đó đến nay chỉ liên lạc với vợ qua email. Một thời gian sau thì vợ ông thông báo có thai buộc ông phải bảo lãnh 2 mẹ con sang Mỹ.
Tuy nhiên, sau mấy năm cưới nhau, ông Nguyên cảm thấy vợ chồng ông không có cơ hội chia sẻ những buồn vui trong cuộc sống do xa cách về địa lý, không hiểu nhau, bản thân bà Linh lấy ông vì chỉ muốn ông bảo lãnh sang Mỹ nên ông cảm thấy không còn tình cảm với vợ nữa. Nếu được tòa án chấp thuận ly hôn, ông đồng ý giao con cho bà Linh nuôi và đồng ý chu cấp 2 triệu đồng/tháng. Về nợ chung, ông đồng ý cùng bà Linh trả số nợ 210 triệu đồng mà bà Linh khai là mượn bạn bè để nuôi con.
Trong khi đó thì bà Linh tố lại chồng. Theo bà: khoảng cuối năm 2008, qua mạng Viet Cupid, bà quen với ông Nguyên. Hai người thường xuyên liên lạc với nhau qua email và điện thoại. Lúc đó, ông Nguyên đang bị chính quyền quản thúc tại gia vì tội buôn bán cần sa với mức án 2 năm.
Giữa tháng 8/2009, ông Nguyên thông báo với bà Linh sau khi mãn hạn tù sẽ về Việt Nam thăm và cưới bà làm vợ. Từ khi về sống chung, bà Linh mới thấy rõ ông ta là một người độc đoán, gia trưởng, cố chấp và ghen tuông mù quáng, nên đòi ly hôn nhưng sau đó phát hiện mình có thai nên bà cố nín nhịn chồng vì sợ đứa con sinh ra không có cha.
Sau nhiều lần hòa giải không thành, giữa tháng 9/2013, TAND TP HCM đưa vụ việc ra xét xử và chấp nhận đơn xin ly hôn của ông Nguyên. Ngoài phần nợ chung hai bên đều có trách nhiệm phải trả, HĐXX tuyên buộc ông Nguyên phải cấp dưỡng nuôi con cho bà Linh 1 lần 300 triệu đồng. Sau phiên xét xử sơ thẩm, bà Linh kháng cáo, tiếp tục yêu cầu bác đơn xin ly hôn của chồng.
Tuy nhiên, xem xét toàn bộ hồ sơ vụ án, cuối cùng HĐXX cấp phúc thẩm vẫn bác đơn kháng cáo của bà Linh, giữ nguyên quyết định chấp thuận đơn xin ly hôn của ông Nguyên
Theo A Huy