(PetroTimes) - Mười buổi được luyện tập dưỡng sinh với một vị Đại tướng huyền thoại, một nhà khoa học quân sự toàn tài, lỗi lạc, một bậc vĩ nhân của thời đại, một thành viên ưu tú của dòng họ Vũ/ Võ Việt Nam - là một nhân duyên đặc biệt, một vinh hạnh không thể nào quên.
Sự kiện đặc biệt này xảy ra từ mùa thu năm 1994. Nhờ sự “đạo diễn” của cố GS. TS Võ Hồng Anh (là con gái của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp), Liên hiệp UIA được phép vào báo cáo với Đại tướng chương trình nghiên cứu và ứng dụng về phương pháp tập luyện khí công dưỡng sinh dân tộc.
Vào một buổi tối, chúng tôi vừa đến cổng thường trực tai nhà riêng của Đại tướng ở 30 Hoàng Diệu, đã thấy đồng chí bảo vệ trực sẵn tại cổng và nói ngay “các anh ở Liên hiệp Khoa học UIA phải không? Đại tướng cho tôi ra đón các anh”. Ngay sự ân cần này đã khiến chúng tôi thấy cảm động.
Chị Võ Hồng Anh đã đứng sẵn tại cửa, dẫn chúng tôi vào chào Đại tướng. Bác ân cần bắt tay từng người và gọi chúng tôi là đồng chí.
Đã từng quen thuộc với cách xưng hô “đồng chí” từ thuở còn trong quân ngũ, nhưng giờ lại được nghe bác Giáp gọi là đồng chí, tôi cảm thấy “chất lính” lại trào dâng trong huyết quản, đứng cạnh Đại tướng mà thấy mình chững chạc hơn lên và tinh thần trách nhiệm cũng lớn hơn lên.
Tôi thưa với Đại tướng là thay mặt cho Liên hiệp Khoa học UIA đến báo cáo với Bác về việc đào tạo Tin học của UIA và việc triển khai phong trào luyện tập khí công dưỡng sinh theo phương pháp cổ truyền của dân tộc.
Biết cơ quan chúng tôi trực thuộc Hội đồng Trung ương Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt nam, bác Giáp rất vui. Bác còn gửi lời thăm hỏi đến GS Hà Học Trạc (lúc đó GS Hà Học Trạc đang là Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam).
Đại tướng rất quan tâm đến việc đào tạo Tin học của Liên hiệp UIA. Bác nhấn mạnh rằng, các nhà khoa học phải đi trước một bước, nhất là Công nghệ thông tin. Bác nói rằng, tuy hiện nay nước ta chưa có nhiều máy vi tính, học sinh còn “học chay”, nhưng dăm bảy năm nữa thì máy tính sẽ trở thành phương tiện phổ thông, do vậy các đồng chí phải cố gắng biên soạn giáo trình Tin học mang tính phổ cập giúp cho việc “xóa mù tin học”, cũng như trước đây ta có phong trào “bình dân học vụ” để xóa nạn mù chữ vậy.
Tôi nhớ vào thời kỳ năm 1989 - 1990, chúng tôi nhờ GS Huỳnh Mùi mua giúp một dàn máy vi tính hệ 286 giá 25 triệu (số tiền này vào thời điểm đó có thể mua được trên 8 cây vàng), do vậy máy vi tính là “hàng cao cấp”, nhiều trường đại học lúc đó còn chưa có máy tính huống chi các trường phổ thông.
Tiếp theo, chúng tôi báo cáo về phương pháp luyện tập khí công dưỡng sinh dân tộc, Đại Tướng rất quan tâm và hồ hởi lắng nghe. Bác khuyến khích chúng tôi cố gắng phát huy vốn quý cổ truyền của dân tộc ta. Bác nói, mỗi dân tộc đều có bản sắc riêng về văn hóa cũng như về y thuật.
Ta có thể tham khảo, học hỏi những cái hay của các nước khác để bổ sung và hoàn thiện phương pháp của mình, nhưng không được lệ thuộc vào họ, mà cần phải phát huy những kinh nghiệm quý giá và những nét độc đáo của dân tộc mình.
Rồi vui câu chuyện, bác kể cho chúng tôi nghe việc gặp các khí công sư của nước ngoài.
Có một lần bác được sang nước bạn và gặp những khí công sư xuất sắc của họ. Họ tiếp đón Đại tướng rất long trọng, khám bệnh và biểu diễn công phu cho Đại tướng xem. Bác nói, họ cũng có công năng đặc biệt: khi họ đưa tay lướt gần sát da của mình, tuy chưa tiếp xúc mà đã cảm giác có một luồng khí nóng khác thường chạy theo hướng di chuyển của bàn tay họ.
Các khí công sư nước ngoài rất nhiệt tình hướng dẫn cho Đại tướng phương pháp tập luyện, nhưng “yếu lĩnh” bắt buộc trước khi tập là phải hành lễ, nhận mình là đệ tử, khấn niệm tên của một vị trưởng môn phái của họ.
Đại tướng không muốn lễ lạy và không muốn suy tôn người ngoại quốc làm sư phụ của mình nên không muốn luyện tập theo phương pháp của họ.
Bởi vậy, khi thấy những đề tài khoa học nhằm phát huy nguồn nội lực, khai thác tài nguyên trí tuệ của đất nước thì Đại tướng rất ủng hộ.
Sau khi nghe chúng tôi báo cáo về phương pháp tập dưỡng sinh với 2 nghi thức: động công và tĩnh công, Đại tướng hồ hởi nhận xét: đây là vốn quý cổ truyền dân tộc, cần khuyến khích và phổ biến rộng rãi. Bác rất hài lòng với câu dẫn dụ: “Trong tĩnh có động, trong động có tĩnh, động tĩnh liên hoàn tương ứng và khế hợp nhau”, Bác nói rằng đó là một trong những “yếu lĩnh” để tìm lại và duy trì trạng thái Tâm bình khí hòa.
Đại tướng đồng ý tham gia tập thử nghiệm một liệu trình. Bác nói rất dí dỏm: “Bây giờ các đồng chí là huấn luyện viên, là chỉ huy, tôi xin thực hiện đúng yếu lĩnh của quy trình huấn luyện”.
Vẫn biết rằng, Đại tướng nói cho vui, nhưng chúng tôi cũng thấy phấn chấn vì sự nghiêm túc và tính kỷ luật cao mà Người đã truyền sang cho chúng tôi.
Và thế là cứ mỗi buổi tối, vào khoảng 7h30, chúng tôi lại đến số nhà 30 Hoàng Diệu để được cùng Đại tướng luyện tập Khí công dưỡng sinh.
Mỗi buổi tối khi tập xong, lần nào chúng tôi cũng được gia đình Đại tướng chiêu đãi chè đỗ đen hoặc chè hạt sen.
Sau một liệu trình 10 ngày, Đại tướng cùng chúng tôi hội ý để nhận xét về ưu khuyết của phương pháp luyện tập.
Bác cho biết, sau liệu trình luyện tập 10 ngày, ăn uống thấy ngon miệng hơn và giấc ngủ sâu hơn, đi đứng nhanh nhẹn hơn.
Đại tướng cũng khuyên rằng, việc luyện tập dưỡng sinh rất ích lợi cho việc phục hồi chức năng (nhất là các chứng bệnh về gân cơ xương khớp...). Ngoài ra, Đại tướng còn góp ý bổ sung thêm:
- Muốn tăng tính phổ cập đến cho mọi tầng lớp nhân dân thì ngôn ngữ dẫn dụ phải giản dị, bình dân, tránh lạm dụng vào các thuật ngữ xa lạ, huyền bí mang nặng tính tín ngưỡng tôn giáo.
- Nghi thức chắp tay quán tưởng ban đầu của buổi tập cần rút ngắn hơn, nếu để ở tư thế này quá lâu thì người cao tuổi dễ bị mỏi, ảnh hưởng đến sự tập trung
- Động tác matxa cần làm chậm hơn và thời gian thư giãn cuối buổi tập cần kéo dài hơn cho đối tượng người cao tuổi.
- Thời gian phân bố cho mỗi buổi tập trong liệu trình 10 ngày cũng nên tùy cơ ứng biến. Những ngày đầu vì chưa quen nên dễ bị mỏi, do vậy chỉ cần tập thời lượng ít hơn, tăng dần vào các hôm sau, từ 30 phút lên 45 phút và dần lên đến 1 tiếng...
- Nếu có điều kiện thì chia ra các lớp tập theo từng lứa tuổi và từng loại bệnh để điều chỉnh thời lượng luyện tập cho mỗi nhóm đối tượng.
- Bất cứ phương pháp luyện tập nào cũng có chỗ “sở trường và sở đoản”, cần tìm ra những yếu tố “chống chỉ định” để đảm bảo an toàn cho người tập.
Các góp ý của Đại tướng là sự bổ túc, là sự hoàn thiện cho các phương pháp luyện tập dưỡng sinh.
Mười buổi được luyện tập dưỡng sinh với một vị Đại tướng huyền thoại, một nhà khoa học quân sự toàn tài, lỗi lạc, một bậc vĩ nhân của thời đại, một thành viên ưu tú của dòng họ Vũ/ Võ Việt Nam - là một nhân duyên đặc biệt, một vinh hạnh không thể nào quên.
Mỗi người trong nhóm chúng tôi đều thấm đẫm một cảm giác gần gũi thân thương như đang đứng cạnh người cha, người chú trong gia đình nội tộc, một niềm thiêng liêng kính phục trước một nhân cách văn hóa lớn, một niềm tin cậy trước một người thày vừa dí dỏm, vị tha, nhẹ nhàng mà lại có sức lôi cuốn như một mệnh lệnh.
Những góp ý, bổ sung của Đại tướng trong quy trình luyện tập đã nhằm đúng vào “đại huyệt” của các phương pháp dưỡng sinh.
Đại tướng đã thực hiện đúng “quy trình” huấn luyện, nhưng cũng chính là cách kiểm tra tính khả dụng của phương pháp dưỡng sinh bằng chính sự cảm ứng của bản thân mình. Và chúng tôi hiểu rằng, mình không phải vào hướng dẫn cho Đại tướng luyện tập dưỡng sinh mà thực ra là Đại tướng đã trực tiếp kiểm định phương pháp luyện tập của cơ quan chúng tôi một cách tế nhị. Điều đó nói lên rằng, với một vị Đại tướng huyền thoại thì không một môn luyện tập nào mà không quan tâm nếu có cơ hội tiếp cận.
Qua đây, giúp ta hiểu thêm rằng, tại sao trong quân đội ta lại có nhiều phương pháp huấn luyện thần kỳ như vậy, lại có cả những môn luyện tập đặc công “xuất quỷ nhập thần”, vừa để nâng cao sức khỏe vừa để tăng cường sức chiến đấu cho chiến sĩ của chúng ta.
Sau này UIA thành lập thêm hàng chục các môn luyện tập dưỡng sinh với những tên gọi khác nhau, nhưng những lời huấn thị của Đại tướng vẫn luôn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt hành trình của từng phương pháp.
Người kể: Vũ Thế Khanh, Tổng giám đốc UIA