>> Hải quân đủ sức đánh bại các cuộc tiến công trên biển
>> Hải quân xây dựng Đài chiến thắng trận đầu
>> Hải quân đủ sức bảo vệ chủ quyền biển đảo
|
Ông Đinh Xuân Tòng và hình ảnh con tàu phóng lôi T-339 50 năm trước - Ảnh: Thân Hoàng |
Một khu trục hạm Maddox cùng nhiều máy bay ném bom hiện đại của Mỹ đã phải tháo chạy khỏi vùng biển Việt Nam... Đó là lần đầu tiên hải quân Việt Nam xuất trận (ngày 2 và 5-8-1964).
Cuối tháng 7, trời Hải Phòng nóng như rang, trong ngôi nhà cấp 4 nhỏ ven biển Đồ Sơn, vợ chồng cựu chiến binh Đinh Xuân Tòng (81 tuổi, P.Vạn Sơn, Đồ Sơn, Hải Phòng) lôi hết quạt lớn, quạt bé ra để tiếp khách “cho mát”. “Dân miền biển quê tôi là phải thế, có bao nhiêu dùng hết cho đã. Kể cả xưa đánh giặc cũng phải chơi tất tật những gì mình có...” - ông Tòng nói oang oang như người mới chỉ 60 tuổi.
Trận chiến không cân sức
"Ngày xưa, vũ khí ta thô sơ là thế, nhưng tất cả từ trên xuống dưới anh em ai cũng đồng lòng, quyết tâm đánh thắng địch. Địch đến là đánh, có địch là đánh. Kẻ thù nào cũng phải đánh. Đánh cho chúng biết thế nào là hải quân Việt Nam. Có lẽ ý chí đó, quyết tâm đó khiến chúng tôi không hề run sợ trước những tàu chiến, máy bay hiện đại của địch..."
Ông NGUYỄN ĐỨC QUANG
|
Mời khách yên vị, ông lão tuổi 81 nhanh nhẹn đứng lên ghế nhẹ nhàng tháo một khung ảnh treo trên tường. Khung ảnh khá lớn nhưng chỉ có hình một con tàu màu xám giữa biển xanh mênh mông với hàng chữ: Tiểu đoàn (hải đội) 135 - Tàu phóng lôi - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Lau những vết bụi bám trên tấm hình, cựu binh Tòng tự hào nói: “Đây là ảnh chụp con tàu phóng lôi 339 của chúng tôi”. Tàu chỉ dài khoảng 20m, bề ngang chưa đến 4m, mang được hai quả thủy lôi ở hai bên mạn. Phía cuối boong có một khẩu pháo phòng không 14,5 li và hai thùng “bom khói”. Chỉ có từng đấy vũ khí cho 11 người trên tàu... Thế mà chỉ với ba con tàu phóng lôi 339, 336, 333 thôi mà khu trục hạm Maddox hiện đại, to lừng lững của Mỹ có sức chứa 350 người cùng tàu bay, pháo lớn các loại phải tháo chạy”.
Ông Tòng kể tiếp với giọng bồi hồi: năm 1961, ông - “một thanh niên miền biển cao to, khỏe mạnh, thạo sông nước” - được tuyển vào “đơn vị 100” (tức đoàn 135 - hải quân). “Khi được chọn vào đơn vị bí mật này, anh em chúng tôi đã biết mình là những người lính “cảm tử quân”. Không ai mảy may lo sợ, tất cả đều rất vinh dự, tự hào, say sưa tập luyện mong có một ngày được xuất trận”.
Và rồi ngày ấy cũng đến. Ông Tòng kể tiếp: “Nửa đêm 1-8, phân đội chúng tôi gồm ba tàu phóng lôi 333, 336 và 339 được lệnh chuẩn bị xuất kích. Lắp xong ngư lôi vào tàu, 0g15 ngày 2-8 chúng tôi xuất kích rời đảo Vạn Hoa (Quảng Ninh), nhằm hướng Hòn Nẹ (Thanh Hóa). Do có gió đông bắc, sóng cấp 4-5 nên mãi hơn 8g chúng tôi mới tới Hòn Nẹ. Tại đây đã có hai tàu tuần tiễu T146 và T142 chờ chúng tôi.
13g30 ngày 2-8, chúng tôi được lệnh xuất kích đánh đuổi tàu địch. Do hai tàu tuần tiễu tốc độ chậm hơn nên được lệnh xuất kích trước. Lúc này, tôi là thợ máy ở tàu T339, là một trong những người nhiều tuổi, có kinh nghiệm nhất tàu, luôn được giao nhiệm vụ ở bên cạnh thuyền trưởng. Trước lúc xuất kích, thuyền trưởng Nguyễn Văn Giản triệu tập họp gấp, nói ngắn gọn: tất cả ngẩng cao đầu, không ai được mất tinh thần. Trận chiến này, tôi hi sinh thì thuyền phó thay. Thuyền phó hi sinh thì đồng chí Tòng thay... Tất cả không ai được mất tinh thần, phải quyết tâm đánh đuổi tàu địch. Phải chiến đấu để bà con miền Nam biết được sức mạnh, ý chí chiến đấu của hải quân miền Bắc”.
Phân đội 3 tàu phóng lôi xuất phát sau, nhưng do tốc độ cao hơn nên các tàu 333, 336, 339 đều vượt lên hai tàu T146 và T142. “Qua rađa tàu chúng tôi phát hiện tàu địch cách khoảng hơn chục hải lý. Và rồi con tàu Maddox trắng lừng lững xuất hiện trong tầm mắt chúng tôi. Lúc này hai tàu tuần tiễu của ta tụt lại phía sau, và tàu địch cũng phát hiện chúng tôi nên phân đội cứ thế tiếp cận tàu địch. Khoảng 16g30, tàu địch đã phát hiện, chúng bắt đầu bắn, rồi bắn dồn dập về phía ba tàu phóng lôi của ta. Thuyền trưởng Nguyễn Văn Giản hỏi: “Máy móc thế nào?”. Tôi đáp: “Tốt”. Và cứ thế cho tăng tốc. Đạn từ tàu địch vẫn xối xả vãi về phía ba tàu của ta. Lúc này thì ta không còn giữ cự ly đội hình nữa vì vừa phải cố lao vào tiếp cận thật gần để phóng ngư lôi, vừa phải né tránh đạn từ tàu địch. Tôi cho tàu tăng hết tốc lực, vượt qua cả hai tàu của ta. Tàu địch to lớn, pháo ở trên boong bắn ra đều vượt đầu các tàu của ta, vì thế tôi càng cho tàu lao nhanh vào để tiếp cận càng gần càng tốt. Khi vào gần khoảng 10 liên (khoảng 1,8km), súng 14,5 li trên tàu ta bắt đầu bắn trả về phía tàu Maddox. Khi chỉ cách khoảng 7 liên thì tàu tôi phóng ngư lôi. Tiếc rằng cả hai quả ngư lôi bắn ra đều bị tàu địch bắn chặn. Lúc này trên bầu trời một tốp năm chiếc máy bay địch lao đến tập kích. Tàu tôi trúng rốckét từ máy bay địch, pháo thủ Nguyễn Văn Trẹo hi sinh và thợ máy Hoàng Văn Luân bị thương rất nặng, tàu bị hỏng máy. Lại một tốp bốn máy bay địch lao tới, tôi lao ra cuối boong đập luôn hai quả bom khói. Và trong lúc này tàu T336 và T333 tiếp tục lao vào tấn công, phóng ngư lôi. Tàu Maddox bỏ chạy ra biển, nhưng trên trời máy bay địch vẫn bay tới. Sau khi phóng hết ngư lôi, tàu 339 thả trôi và vừa sửa máy vừa dùng pháo 14,5 li bắn trả. Cả hai tàu 333 và 336 cũng hợp lực dùng pháo 14,5 li bắn trả máy bay. Kết quả là một máy bay địch trúng đạn rơi ngay trước mắt các chiến sĩ hải quân, một máy bay khác bị trúng đạn bỏ chạy.
Quân địch bỏ chạy, nhưng tàu 339 chúng tôi mất hai đồng đội, chín người còn lại trên tàu hầu như bị thương hết. Tôi bị ba mảnh đạn găm vào cổ, ngực và bụng. 50 năm rồi, mảnh đạn vẫn còn nằm ở ngực và cổ không thể lấy ra, và mỗi khi sờ thấy chúng, tôi như sống lại những phút giây chiến đấu ngoan cường, bất chấp quân địch có mạnh đến đâu”.
|
Ông Nguyễn Đức Quang, nguyên chiến sĩ thông tin tàu tuần tiễu T146 - Ảnh: Thân Hoàng
|
Địch đến thì đánh...
50 năm rồi, giờ kể lại với chúng tôi, những người lính hải quân tham gia đánh trận đầu, như ông Tòng, hay ông Nguyễn Đức Quang (74 tuổi, thương binh 2/4 ở Đại Bản, huyện An Dương, Hải Phòng) vẫn luôn cười và lý giải cho sự can trường, anh dũng của mình: “Địch đến thì đánh thôi, chứ lúc đó tính toán tàu địch hơn ta, vũ khí hiện đại hơn ta thì làm sao đánh được”. Ông Tòng tỏ vẻ tiếc nuối: “Khi đó, để đánh được mục tiêu như khu trục Maddox thì phải cần đến 12 tàu phóng lôi, khi tấn công phải xếp đội hình rẻ quạt và đồng loạt phóng ngư lôi. Ngày đó, nếu có điều kiện thực hiện được như vậy thì Maddox chắc chắn chìm nghỉm. Hoặc như bây giờ, vũ khí của ta hiện đại hơn thì nó đâu có thoát mà chạy ra biển được...”
Ông Quang kể: “Năm 1961, 17 tuổi tôi khai tăng tuổi để vào hải quân, đến đầu năm 1964 thì chỉ huy bảo tôi: một là đi học sĩ quan, hai là ra quân. Tôi năn nỉ xin ở lại tàu để được tham gia chiến đấu và được đồng ý, phân về tàu tuần tiễu T146. Loại tàu này lúc đó cũng khá là xịn đối với ta rồi, trên tàu (22 người) được trang bị hai súng 37 li, hai súng 14,5 li và sáu khẩu súng tiểu liên báng gấp. Nhưng so với những khu trục hạm như Maddox của Mỹ thì chẳng là gì. Đêm 31-7-1964 chúng tôi được lệnh đánh đuổi tàu Mỹ khi chúng xâm phạm vùng biển của ta. Lần đầu xung trận, cả tàu háo hức lắm, ai cũng muốn bắt sống lôi cổ vài thằng địch đem về bờ để lấy oai “lính hải quân”. Thế nhưng lúc xung trận, tiếp cận mục tiêu thì “giật mình”. Tàu địch to đùng, cao hàng chục mét, lại có cả sân bay, súng pháo các kiểu cỡ lớn trên tàu. Tàu ta thì chỉ cao hơn mặt nước 1,5m, nhỏ hơn tàu địch cả trăm lần. Đạn ta bắn vào tàu chúng như gõ rỉ, gãi ghẻ. Vậy nhưng đã quyết tâm đánh một trận cho ra trò, nên chúng tôi không ngán. Địch cứ bắn, ta cứ lao vào, vừa tránh vừa bắn, rồi bật đèn pha rọi thẳng vào chúng, giương pháo nhắm thẳng vào chúng... Thế mà chúng cũng sợ bỏ chạy ra biển”.
Ý chí Việt Nam
Trong tâm trí ông Nguyễn Đức Quang, trận chiến ngày 5-8-1964 vẫn còn in đậm. Nhìn cánh tay trái bị đạn cắt đến khuỷu của mình, ông kể:
Sáng 5-8, khi đang neo ở Lạch Trường (Thanh Hóa) thì tàu ông được lệnh báo động có nhiều tốp máy bay địch đang từ biển lao vào oanh kích. Toàn tàu sẵn sàng đón tiếp tốp máy bay ba chiếc đầu tiên đang lao vào. Cả bốn khẩu pháo trên tàu rung bần bật, một chiếc phản lực của địch trúng đạn, chúi mũi lao sầm xuống biển. Anh em nhảy lên hò reo sung sướng. Nhưng rồi, từng tốp từng tốp máy bay địch liên tiếp lao vào...
“Đạn từ tàu chúng tôi cứ chĩa thẳng lên trời, nhắm vào “đàn nhặng” mà bắn. Rất nhiều chiến sĩ ta trúng đạn, nhưng càng trúng đạn anh em chiến đấu càng hăng. Tôi tiếp đạn cho pháo 37 li, và ngay trước mắt tôi, một loạt rốckét của địch bắn xuống tàu, mảnh đạn phạt đứt đầu anh Nguyễn Việt Nghĩa rơi ngay trước mắt tôi. Bên cạnh đó, pháo thủ 14,5 li Đặng Đình Lống cũng bị đạn cắt đứt hai chân nhưng vẫn ôm chặt mâm pháo tiếp tục chiến đấu như không hề biết mình đã mất chân. Rồi người bạn đồng hương trên tàu Nguyễn Văn Lập cũng hi sinh, trong thoáng chốc, tôi chỉ nhận ra khi thấy đôi chân còn nguyên giày tất của bạn mình vắt trên thành tàu... Càng thấy cảnh đồng đội mình hi sinh, thương vong, tôi càng say máu, cứ chuyển đạn từ hầm lên boong tiếp đạn cho các pháo thủ thật nhanh. Rồi đến khi cúi xuống tiếp đạn, thấy cánh tay trái mình đầm đìa máu, tôi vẫn không biết đau là gì, cứ nhồi đạn thật mau”.
|
ĐỨC BÌNH - THÂN HOÀNG