Trung Quốc bênh Nga, Mỹ muốn cấp hàng nóng cho Kiev
(Quan hệ quốc tế) - Trung Quốc đã lên tiếng phản đối lệnh trừng phạt kinh tế của EU vào Nga, một số nước EU cũng tỏ ra lo ngại. Quân ly khai tiếp tục thắng lớn.
Tiếng nói của Trung Quốc
Trước việc tại Hội nghị Thượng đỉnh EU ở Brussels, Bỉ diễn ra hôm 21/8/2014, châu Âu đã lên kế hoạch áp đặt trừng phạt mới vào Nga, Trung Quốc hôm 1/9/2014 đã lên tiếng phản đối.
"Giải pháp chính trị là lối thoát duy nhất, các biện pháp trừng phạt không giúp giải quyết các vấn đề căn bản tại Ukraine. Nó có thể dẫn đến những nhân tố mới và phức tạp hơn", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương, phát biểu trong một cuộc họp báo.
Là một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an, Trung Quốc đã nhiều lần sử dụng quyền phủ quyết trong việc áp dụng các biện pháp trừng phạt với Nga. Ông Tần cũng kêu gọi các bên giữ bình tĩnh, kiềm chế và "tránh có thêm những động thái dẫn đến leo thang căng thẳng".
|
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương. |
Trung Quốc từ trước đến nay vẫn giữ phản ứng thận trọng trước cuộc khủng hoảng Ukraine, do không muốn xa lánh đồng minh quan trọng Nga. Đồng thời, Bắc Kinh tránh bình luận trực tiếp về việc Crimea thực hiện trưng cầu dân ý để sáp nhập vào Nga, e ngại rằng nó sẽ thiết lập một tiền lệ cho các khu vực bất ổn của nước này như Tây Tạng.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng khẳng định muốn tiếp tục phát triển "mối quan hệ hợp tác hòa hữu" với Ukraine và tuyên bố Bắc Kinh tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia này.
Châu Âu đứng trước nguy cơ chia rẽ
Trong một diễn biến khác, Thủ tướng Slovakia Robert Fico ngày 31/8 cho biết, nước này có thể sẽ bỏ phiếu phủ quyết đối với các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga. Theo ông Fico, các biện pháp trừng phạt sẽ phản tác dụng và ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của nước này.
Ông Fico cho rằng không nên áp đặt những biện pháp trừng phạt mới khi chưa biết tác dụng của những biện pháp cũ đến đâu: "Đó là một hành động không cần thiết và đầy mạo hiểm, Slovakia sẽ phủ quyết". Được biết, Slovakia đang phụ thuộc phần lớn vào khí đốt nhập khẩu từ Nga.
Áo, Hungary và Cộng hòa Czech cũng khá thận trọng đối với các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga vì nó có thể làm gia tăng căng thẳng. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Van Rompuy cũng thừa nhận rằng, trừng phạt sẽ gây ra nhiều vấn đề cho các nước thành viên nhưng nhấn mạnh đây là “cái giá phải trả."
|
Binh sĩ Ukraine trong giao tranh với lực lượng ly khai ở thành phố miền đông Ilovaysk ngày 26/8. |
Châu Âu đang đứng trước một cuộc khủng hoảng thừa về nông sản, thực phẩm khi Nga trả đũa bằng biện pháp cấm nhập khẩu những mặt hàng này. Nhiều quốc gia của châu Âu dồn 50% giá trị xuất khẩu nông sản vào thị trường Nga. Và những lệnh trừng phạt - trả đũa đang khiến bên thiếu bên thừa.
Đáp lại những sức ép của phương Tây, ngày 1/9, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov cho rằng những biện pháp trừng phạt cần được tính toán thận trọng và nước này đang xem xét bước đi của các bên liên quan để có quyết định phản ứng phù hợp. Đồng thời khẳng định Nga có rất nhiểu biện pháp để trả đũa những sự trừng phạt và đảm bảo thiệt hại đáng kể cho châu Âu.
Ông Larvov cũng nhấn mạnh, mối quan hệ giữa Nga, Liên minh châu Âu và Mỹ có thể và nên quay trở lại mối quan hệ hợp tác thực tế, dựa trên sự bình đẳng quyền lợi và mang lại lợi ích cho nhau. Tuy nhiên, Nga bác bỏ bất cứ những tối hậu thư, đe dọa và trừng phạt nhằm vào nước này.
Một động thái khác, Australia ngày 1/9 đã quyết định nâng cấp các biện pháp trừng phạt kinh tế mà nước này đang áp dụng với Nga.
Ly khai thắng to, Mỹ muốn cấp vũ khí cho Kiev
Trong khi phương Tây và Nga đang đối đầu trên mặt trận kinh tế, thì tại thực tế chiến trường miền Đông Ukraine, quân ly khai tiếp tục giành được nhiều chiến thắng quan trọng. Hiện tại, lực lượng ly khai đã chiếm được sân bay Lugansk và một ngôi làng lân cận ở miền Đông sau khi pháo kích vào những địa điểm của quân đội Ukraine.
Biện minh cho thất bại này, người phát ngôn quân đội Ukraine Andriy Lysenko thông báo:"Các binh sỹ Ukraine đã nhận chỉ thị và rút quân có tổ chức khỏi sân bay Lugansk và làng Georgiyivka. Xét tới độ chính xác trong các đợt pháo kích, (có thể khẳng định) lính pháo binh chuyên nghiệp của lực lượng vũ trang Nga chính là bên khai hỏa."
|
Quân đội chính phủ Ukraine ẩn nấp, cố thủ trong trường học tại thành phố Ilovaysk |
Quân đội Ukraine cũng tiếp tục tố cáo họ đang phải đối mặt với một tiểu đoàn xe tăng của quân đội Nga ở Lugansk. Sau khi đàm phán ở Minsk ngày 26/8, quân đội chính phủ Ukraine đã thay đổi hoàn toàn cách gọi phe đối lập là lực lượng khủng bố, ly khai, phiến quân thành một từ chung là lực lượng của Nga.
Song song với sự thất thế của quân ly khai, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ Robert Menendez ngày 31/8 đã kêu gọi cung cấp vũ khí cho Ukraine để chống lại hành động mà ông này gọi là “cuộc xâm lược” trực tiếp của Nga nhằm vào Ukraine.
Phát biểu trong chương trình “State of the Union” của CNN, ông Menendez nói: “Chúng ta cần cung cấp cho Ukraine loại vũ khí sẽ khiến (Tổng thống Nga Vladimir) Putin phải trả giá vì hành vi gây hấn tiếp theo. Đây không còn là vấn đề về một số phần tử ly khai nổi dậy nữa mà là cuộc xâm lược trực tiếp của Nga. Chúng ta phải nhìn nhận dưới góc độ đó.”
Phe ly khai muốn tự trị trong khuôn khổ
Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Lugansk (LPR) tự xưng ngày 1/9 cho biết phe ly khai ở Ukraine đã cam kết duy trì sự thống nhất của nước này, đổi lại họ có lực lượng an ninh, tiếng Nga và chính sách đối ngoại riêng.
|
Xe tăng của quân ly khai Ukraine ở Donetsk hôm 31/8 |
Cụ thể, phe ly khai ở miền Đông Ukraine yêu cầu công nhận quy chế đặc biệt đối với các vùng lãnh thổ của họ, lực lượng Ukraine ngừng các hoạt động quân sự để tiến hành cuộc bầu cử tự do và công nhận vai trò của tiếng Nga.
Họ cũng cương quyết đòi quy chế đặc biệt cho các lực lượng an ninh của mình, quyền bổ nhiệm các công tố viên và thẩm phán. Cùng theo phe ly khai, cần tiến hành ân xá vô điều kiện cho dân quân và tất cả các tù nhân chính trị.
LPR và DPR cũng yêu cầu được tiến hành các hoạt động kinh tế đối ngoại, tiến tới tăng cường hội nhập với Nga và Liên minh Hải quan (CU).
Trong trường hợp các yêu cầu này được thực thi, LPA và DPA sẽ đảm bảo "nỗ lực hết mình để duy trì hòa bình, không gian kinh tế, văn hóa và chính trị thống nhất của Ukraine và khoảng không văn minh Nga-Ukraine".
Đỗ Phong (Tổng hợp)