Người phản ứng cho rằng quyết định ấy duy ý chí, “như một cú lao vào chiếc barie pháp luật”, sẽ là tiền lệ cho những thứ “bắt buộc” chủ quan khác. Người đồng tình lại nhìn thấy đó là một sáng kiến vì dân, độc đáo.
Sự kiện này khiến người ta nhớ lại một quyết định chấn động của Bộ trưởng Đinh La Thăng hơn 2 năm trước: Yêu cầu công chức Bộ Giao thông vận tải đi làm bằng xe bus.
Sau quyết định này, phóng viên nhiều báo đã “mật phục” quanh cổng Bộ Giao thông một thời gian để rồi đưa ra kết luận đàng hoàng trên mặt báo: Đại đa số nhân viên của tư lệnh Thăng bất tuân thượng lệnh.
Bộ trưởng Thăng cho biết, từ ngày nhậm chức đến lúc đưa ra quyết định, ông đã thử đi làm bằng xe bus hai lần. Và với cảm nhận của ông khi ấy, vì đi làm lúc 6h30 sáng nên ông thấy lái xe niềm nở, lòng xe thông thoáng.
Sau đó một thời gian, với việc đi thử vài lần nữa, Bộ trưởng Thăng quyết định không xử lý các trường hợp trốn đi xe bus vì “với tình hình chất lượng xe buýt như hiện nay thì đến tôi còn chẳng thể đi nổi, làm sao mà bắt buộc anh em phải đi được”.
Vậy là một chủ trương tốt đã thất bại.
Quy định của ông Nguyễn Sự ở Hội An thì trái lại, chưa thực hiện đã có thể nhận định chắc chắn sẽ thành công.
Vì sao như vậy?
Trước hết là vì ông Nguyễn Sự chắc chắn sẽ đi được xe đạp cho đến tuổi rời nhiệm sở, còn Bộ trưởng Thăng thì không. Tất nhiên tầm quan trọng trong công việc và di chuyển của một Bộ trưởng khác xa với một Bí thư Thành ủy.
Việc đi xe đạp không chỉ mang lại 6 điều tuyệt vời cho sức khỏe (tăng cường sự dẻo dai, tính kiên nhẫn, khỏe đều các bộ phận, giảm căng thẳng, giảm calo thừa, giảm nguy cơ tim mạch) mà còn mang lại điều tuyệt vời hơn cho hình ảnh công bộc thời kỳ mới (gần dân hơn, bảo vệ môi trường tốt hơn, góp phần tăng cường hình ảnh đặc sắc cho một thành phố du lịch). Sau khi đạp xe một thời gian, chắc chắn nhiều bà vợ công chức sẽ cảm ơn ông Sự vì vòng 2 của đức lang quân họ bớt mỡ; nhiều ông chồng sẽ sung sướng khi vợ họ dẻo dai hơn…
Công chức Hội an sẽ đi làm bằng xe đạp. (Ảnh minh họa: Infonet)
Tất cả những tác dụng tuyệt vời về sức khỏe ấy sẽ quay ngược 180 độ khi đi xe bus ở Hà Nội. Các công bộc Thủ đô sẽ rất dễ bắt đầu một ngày làm việc bằng cách văng tục, nổi quạu và bị stress sau hành trình xe bus tra tấn.
Cái thành công trong tầm tay của ông Sự trong việc bắt công chức đạp xe đi làm còn là việc ông Sự có đủ quyền năng cả về chiếc ghế, sự quyết đoán, sự sáng suốt trong quyết sách và cả sự giản dị, thanh liêm. Sự thất bại trong quyết định tương tự của Bộ trưởng Thăng, một phần là thời điểm ấy, ông chưa tạo dựng được nhiều điều trên cái “lãnh địa” mà ông quản.
Mặt khác, quan chức và công chức Thủ đô, hình như cũng khác ở Quảng Nam, Đà Nẵng. Nhịp sống Hà Nội thì hối hả, nhưng bộ máy công quyền thì nhiều khi ung dung giống như câu than thở của ông Nguyễn Bá Thanh khi ra làm trưởng Ban Nội chính TƯ: “Hà Nội không vội được đâu”. Đã có ai đó đề cập chuyện “sân Chi Lăng” nguội hơn nhiều “chảo lửa Mỹ Đình” khi nói về con đường của ông Nguyễn Bá Thanh.
Chính vì vậy, ông Sự, nếu được điều ra làm Bí thư một quận ở Hà Nội, thì rất có thể những quyết sách độc đáo, đi trước của ông cũng thành những sản phẩm thất bại trong chiếc lò nung cơ chế.
Có phải vậy không Quý độc giả?