Động cơ của Sukhoi T-50 vượt trội động cơ Su-35
Mạng tin tức khoa học công nghệ quốc phòng Trung Quốc cho biết, động cơ T-30 dùng trên máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5 Sukhoi T-50 PAK-FA đang trong giai đoạn thử nghiệm trên mặt đất, phải đến năm 2017 mới bước sang giai đoạn thử trên phương tiện bay.
Hiện nay, Công ty chế tạo hàng không Thống Nhất (United Aircraft Corporation - UAC) đã cho ra đời tổng cộng 6 phiên bản thử nghiệm của T-50.
Trong đó, 2 chiếc dùng trong khâu thử nghiệm mặt đất, 4 chiếc bay nghiệm thu kỹ thuật. Trong năm nay, UAC sẽ lắp ráp thêm 3 chiếc máy bay thử nghiệm nữa, nâng tổng số nguyên mẫu T-50 lên con số 9.
Tiêm kích Sukhoi T-50 PAK-FA
Được biết, kế hoạch thử nghiệm Sukhoi T-50 chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn đầu sử dụng động cơ 117S, giai đoạn 2 mới chính thức sử dụng động cơ phản lực vector thế hệ mới chế tạo riêng cho T-50, hiện tạm thời gọi là T-30 (tên kế hoạch nghiên cứu phát triển).
Ông Yuri Slusar, Chủ tịch UAC cho biết, hiện loại động cơ Saturn 117S (AL-41F-1S) thuộc thế hệ AL-41F lắp đặt trên dòng tiêm kích số 1 của Nga hiện nay là Su-35S có tính năng kỹ thuật đủ để phục vụ trên các phiên bản bay thử của T-50.
Động cơ AL-41F-1S là phiên bản cải tiến rất sâu của động cơ thế hệ AL-31F, hiện đang sử dụng phổ biến trên các máy bay dòng Su của Nga. Loại động cơ phản lực vector đa hướng này có lực đẩy bình thường 8.800 kgf, sau đốt nhiên liệu phụ trội là 14.500 kgf.
Thông số trên vượt trội so với các động cơ AL-31FN khoảng 2.000 kgf và nhỉnh hơn 1.000 kgf so với loại AL-31F-M1 (lực đẩy 13.500 kgf), hiện đang sử dụng trên Su-27SM, Su-27SM2, Su-33 và sau này là Su-34.
Trong chế tạo động cơ máy bay siêu âm, để lực đẩy tăng thêm 1.000 kgf đã là một bước tiến rất dài về công nghệ. Hiện trên thế giới có rất nhiều động cơ đạt mốc 10.000 kgf nhưng rất ít loại đạt đến tầm thế hệ AL-31F, chứ đừng nói là AL-41F.
Khả năng điều chỉnh luồng khí phụt đa hướng của 117S là điểm ưu việt nhất, so với các loại động cơ khác chỉ có khả năng điều chỉnh lên - xuống (ví dụ động cơ F-135 trên F-35 Lightning II của Mỹ).
Nó giúp cho máy bay có khả năng ngoặt, chuyển hướng khi đang bay tốc độ lớn, tạo nên sự linh hoạt tuyệt vời chỉ có ở những tiêm kích Nga.
Về tính kinh tế, so với AL-31F, tuổi thọ của động cơ 117S cao hơn từ 2 - 2,7 lần, lượng tiêu hao nhiên liệu giảm 8%, kéo dài khoảng thời gian giữa 2 lần đại tu từ 500 lên 1.000 giờ, tăng tuổi thọ của động cơ từ 1.500 giờ lên ít nhất 4.000 giờ, nếu nâng cấp có thể tăng lên 7.000 giờ.
Như vậy, nó có thể kéo dài thời hạn sử dụng lên tới 10 năm so với các động cơ thế hệ cũ. Đây là một kỷ lục không chỉ với động cơ hàng không Nga mà còn trên toàn thế giới.
Động cơ T-30 vượt trội động cơ F-119 trên F-22
Ông Yuri Slusar tuyên bố, tất cả các khâu trong quy trình chế tạo tiêm kích tàng hình thế hệ 5 Sukhoi T-50 đều theo đúng kế hoạch, phù hợp với yêu cầu của người sử dụng (không quân Nga) và khách hàng liên danh chế tạo phiên bản xuất khẩu FGFA là không quân Ấn Độ.
Trong giai đoạn thử nghiệm thứ 2, Sukhoi T-50 sẽ chính thức sử dụng một siêu động cơ phản lực vector thế hệ mới, có tính năng tiên tiến nhất thế giới.
Tuy Nga chưa công bố những thông tin chi tiết về tham số kỹ thuật của loại động cơ này nhưng theo Mạng tin tức khoa học công nghệ quốc phòng Trung Quốc, T-30 có lực đẩy vượt trội động cơ F-119 trên máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 của Mỹ là F-22 Raptor hàng nghìn kgf.
Sukhoi T-50 của Nga và F-22 của Mỹ
Máy bay F-22 sử dụng 2 động cơ F-119 PW-100, lực đẩy tối đa của mỗi động cơ là 10.500 kgf (chưa đốt sau) và đã đốt sau là 154 kN (15.900 kgf), hơn động cơ 117S (AL-41F-1S) trên Su-35S một chút nhưng còn kém động cơ T-30 của T-50 tới hơn 2.000 kgf.
Động cơ thực của PAK-FA là Type-30 (tên dự án là T-30), đây là loại động cơ mới hoàn toàn nên thời gian nghiên cứu chế tạo tương đối dài.
Nó nâng cao đáng kể hiệu suất tiêu hao nhiên liệu so với AL-41F1 nhưng công suất của động cơ lại được nâng lên một tầm cao mới mà chưa có loại động cơ nào trên thế giới đạt được.
Cụ thể, T-30 có trọng lượng nhẹ hơn tới 35% so với loạt động cơ thế hệ 117 nhưng công suất bay tuần lên tới 107 kN (≈ 11.000 kgf).
Sau khi gia lực (sử dụng động cơ đốt sau) có thể đạt tới 176 kN (≈ 18.000 kgf), vượt hơn so với AL-41F1 3.500 kgf, kinh phí bảo dưỡng trong suốt vòng đời động cơ lại giảm tới 1/3 so với AL-41F.
Với lực đẩy lớn, khả năng linh hoạt cao, giá thành rẻ, chi phí bảo dưỡng trong suốt vòng đời thấp, T-30 xứng đáng là loại động cơ phản lực vector tốt nhất thế giới trong tương lai, giúp chiến đấu cơ thế hệ 5 của Nga có tốc độ và khả năng linh hoạt tuyệt vời.
Các chuyên gia quân sự đánh giá khả năng tàng hình của T-50 kém hơn so với F-22 và F-35 nên bất lợi trong tác chiến xuyên phá tầm xa, nhưng bù lại, siêu chiến đấu cơ Nga có khả năng cơ động vượt trội, giúp nó chiếm ưu thế trong không chiến và tập kích chớp nhoáng.
Tiêm kích Nga kém hơn về khả năng tàng hình nhưng có tốc độ và sự linh hoạt rất cao
Ông Yuri Slusar còn tiết lộ thêm, không quân Nga cũng vừa đặt hàng thêm 60 máy bay huấn luyện - chiến đấu hạng nhẹ Yak-130 và dự kiến rằng con số này sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới, bởi nó sẽ phục vụ công tác huấn luyện phi công của máy bay T-50.
Loại máy bay huấn luyện cao cấp này có hệ thống điện tử, hệ thống điều khiển và kiểm soát bay tối tân, cho phép sử dụng trong đào tạo phi công máy bay tiêm kích thế hệ 4 và 5 như PAK-FA T-50.
Hiện Yak-130 đã chắc chắn có 2 khách hàng ngước ngoài là không quân Algeria và Bangladesh. Hiện UAC còn đang đàm phán với hàng loạt quốc gia châu Á và Mỹ Latinh về mua sắm loại máy bay này. Trong số những khách hàng tiềm năng bao gồm cả Việt Nam và Mông Cổ.