Cụ Cao Văn Trạc cho biết hàng trăm năm qua, trai gái 2 làng không lấy nhau là có thật
Câu chuyện tưởng như chỉ có trong cổ tích, thế nhưng nó vẫn đang hiện hữu ở cuộc sống hiện tại, giữa một vùng quê chiêm trũng ở đồng bằng sông Hồng.
Theo các cụ cao niên tại 2 làng Quang Ốc và Nội Rối cùng thuộc xã Bắc Lý (huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam), nguyên cớ của việc trai gái 2 làng mấy trăm năm qua không qua lại kết hôn với nhau không phải do thù oán gì sâu nặng, hay chịu sự ép buộc của tôn giáo, luật lệ hà khắc nào cả, cũng không phải trai gái 2 làng này không xinh đẹp, dịu dàng siêng năng mà do chiếc đinh được đóng vào cột đình làng Quang Ốc do ông cai điền thổ lúc bấy giờ đóng vào để ghi nhớ một lời thề.
Cụ Nguyễn Văn Cửu, năm nay gần 100 tuổi và là người cao tuổi nhất làng Quang Ốc, nhớ lại: “Theo các cụ ngày trước kể lại thì trước đây, 2 làng Quang Ốc và Nội Rối là xui gia với nhau. Con gái của Trưởng bạ (người trông coi sổ sách điền thổ) làng Quang Ốc kết hôn với con trai Trưởng bạ làng Nội Rối. Cuộc sống của 2 làng vẫn bình yên qua năm tháng, nhưng mọi việc đã xảy ra khi cuổn số ghi chép điền thổ (địa chính) của làng Quang Ốc bị mất.
“Số là, hôm đó bên nhà Trưởng bạ làng Quang Ốc có giỗ, cô con dâu đã xin phép bên chồng về nhà ăn giỗ. Khi trở về nhà, cô gái có kể lại cho chồng và bố chồng việc bố mình mang sổ sách ra phơi. Trưởng bạ làng Nội Rối nghe vậy liền bảo con dâu về nhà lấy cho mượn cuốn sổ màu xanh (sổ điền thổ). Đứa con dâu tốt bụng đã quay về lấy cuốn sổ đưa cho bố chồng coi mà không xin cha đẻ của mình vì tưởng bố chồng xem xong rồi trả. Có được cuốn sổ trong tay, Trưởng bạ làng Nội Rối không màng đến tình thông gia giữa 2 làng mà mang sổ đi nộp thuế rồi chiếm luôn đất của làng Quang Ốc” – cụ Cửu kể.
Chiếc đinh đóng ở cột đình mà câu chuyện xưa ở làng Quang Ốc vẫn truyền tai nhau là để thể hiện lời thề của làng
Biết bị đứa con gái phản bội, Trưởng bạ làng Quang Ốc đã tới cửa quan kêu cứu, nhưng không có sổ điền để chứng minh nên không được quan đồng ý. Sợ mất đất, Trưởng bạ làng Quang Ốc đã huy động bà con, thanh niên trong làng ngay trong một đêm đào, đắp một con đường ngăn chia hai làng và di chuyển đình làng ra sát con đường mới đắp để giữ đất đai.
Một cuộc họp của làng đã diễn ra ngay sau đó tại đình làng mới được di chuyển, trong cuộc họp đó Trưởng bạ làng Quang Ốc đã cho biết nguyên nhân làng mất đất đai là là do con gái của ông đánh cắp cuốn sổ mang sang nhà chồng. Để không có chuyện tương tự nào xảy ra nữa nên mọi người trong buổi họp đã thống nhất đưa ra lời thề là từ nay gái làng Quang Ốc sẽ không lấy trai làng Nội Rối. Để chứng minh và dặn dò con cháu các cụ đã dùng chiếc đinh gỗ đóng vào cột đình của làng. Trải qua hàng trăm năm, hiện chiếc đinh vẫn còn ở cột đình của làng Quang Ốc và từ đó đến nay trai gái hai làng này cũng không lấy nhau.
Nhắc về câu chuyện này, nhiều người dân hai làng Quang Ốc và Nội Rối cho biết cũng có nghe kể về câu chuyện này và việc 2 làng hàng trăm năm qua không có một đôi trai gái nào lấy nhau là đúng sự thật.
Theo cụ Cao Văn Trạc, người trong coi đình làng Nội Rố, cụ có nghe kể về câu chuyện này giữa 2 làng, nhưng cụ không rõ nó có từ bao giờ. “Tôi chỉ nghe các cụ nói giữa 2 làng có xảy ra tranh chấp đất đai, làng Quang Ốc thất thế, nên mới lập ra lời thề đó. Còn việc đóng đinh vào cột để khẳng định lời thề thì tôi không biết” - cụ Trạc nói.
Mấy trăm năm đã qua đi, 2 ngôi làng nhỏ này đã khác xưa rất nhiều, nhưng con đường đất phân chia hai làng vẫn còn, đình làng Quang Ốc vẫn sừng sững và chiếc đinh được Trưởng bạ của làng đóng vào thân cột đình vẫn còn đó nhưng minh chứng cho lời thể của làng.
Bờ đất đang còn ở cánh đồng của hai làng mà các cụ cao niên kể được làng Quang Ốc đào trong 1 đêm để phân chia đất đai giữa 2 làng
“Thanh niên chúng mình lớn lên vẫn qua lại với nhau, mình cũng có bạn ở làng Nội Rối, nhưng con gái làng lâu nay không cưới con trai làng đó đúng. Mình cũng có nghe câu chuyện của làng và hiện tại chưa thấy có hiện tượng cấm đoán, hay ngăn cản giữa gia đình 2 làng vì con trẻ trót yêu thương nhau” – một bạn trẻ ở làng Quang Ốc chia sẻ.
Cũng theo cụ Cửu thì câu chuyện này hiện vẫn là điều khó hiểu, là “ẩn số” đối với thế hệ hậu sinh, nhưng hiện nó được xem như là nét văn hóa của làng, dù sau này lời thề đó có thể được hóa giải.
Bài và ảnh: T.Sơn - T.Minh