Tình hình Ukraine: Mục đích chuyến hàng viện trợ của Moscow
(Quan hệ quốc tế) - Vì sao Kiev tuyên bố chỉ nhận viện trợ từ Hội Chữ thập đỏ quốc tế? Liệu chuyến hàng cứu trợ của Moscow có ẩn ý chính trị nào trong đó?
Chiến sự miền Đông, quân ly khai đang vườn không nhà trống
Hai tuần vừa qua, qua những gì phát ngôn từ hai bên Kiev và quân ly khai khiến những người quan sát tưởng chừng cục diện của cuộc nội chiến này đã sắp ngã ngũ với phần thắng thuộc về phe chính phủ.
Quân đội Ukraine liên tiếp báo tin chiến thắng, ngày 12/8, họ kiểm soát được thành phố Uglegorsk với khoảng 8.000 dân. Tổng thống Poroshenko ngợi ca đây là một thắng lợi quan trọng khi Uglegorsk có ga giao lộ đường sắt lớn nhất nối Donetsk, Debalcevo, Gorlovka. Đồng thời, quân đội Ukraine đã hoàn thành việc chia cắt Donestk và Lugansk, hai thành trì cuối cùng của quân ly khai.
Ngày 14/8, quân đội Ukraine cũng hoàn thành việc bao vây cô lập Lugansk bằng cách phong tỏa con đường cuối cùng nối thành phố này với biên giới nước Nga bằng việc chiếm ngôi làng Novosvitlivka, đóng băng cửa khẩu Izvaryne.
Còn phe ly khai, họ liên tiếp phát đi những thông điệp như đang bị hứng chịu những đòn tấn công và tình thế đã đầy nguy cập. Những ngày qua, quân ly khai chỉ đảm bảo được việc duy trì di chuyến chiến lược. Người phát ngôn của Donetsk cho biết chiến sự đã rất căng thẳng, trong bối cảnh tình hình nhân đạo đang ngày càng bị đe dọa, và Kiev đang lợi dụng hiện trạng đó để tiến hành một cuộc thanh lọc dân tộc.
|
Một tay súng ly khai với vũ khí chống tăng |
Từ khi nối lại chiến dịch chống khủng bố ở miền Đông, quân đội Ukraine đã chiếm được Slavyansk, và nay là cô lập Donetsk, Lugansk. Người ta đã liên tưởng đến bước đường cùng của phe thân Nga trên quốc gia này, và chiến sự cũng sẽ chỉ kết thúc trong một sớm một chiều.
Nhưng vấn đề ở đây không phải là cuộc chiến giữa hai thế lực quân sự ngang tài ngang sức, để lấy việc công thành chiếm đất ra như một mục tiêu đánh giá. Bản chất của cuộc nội chiến này là cuộc đối đầu giữa chiến tranh tổng lực và chiến tranh du kích, giữa quân đội chuyên nghiệp và lực lượng dân quân.
Vậy những thành phố quan trọng, những sự cô lập mà Kiev vừa xác lập được có ý nghĩa như thế nào? Điều đó cho thấy họ đang nôn nóng muốn sớm chấm dứt cuộc chiến này bằng mọi giá, bởi thời gian không hề ủng hộ Kiev.
Để kéo dài cuộc chiến, Kiev cần có năng lượng, cần có chiến phí. Trong khi ngân khố của họ gần như trống không, hoạt động sản xuất đình trệ, và Nga cắt nguồn cung năng lượng. Càng kéo dài cuộc chiến sẽ chỉ càng có thêm nhiều bất ổn.
Mùa đông này, Ukraine đang đối mặt với nguy cơ không được sưởi ấm bằng khí đốt. Khi đời sống của nhân dân cả nước bị ảnh hưởng, sẽ không có gì đảm bảo sự tồn tại cho chính quyền Kiev khi chỉ vừa trước đó, bạo loạn vẫn còn tiếp tục bùng phát ở ngay thủ đô.
|
Đoàn xe cứu trợ của Nga sát biên giới Ukraine |
Chưa kể đến việc cục diện này kéo dài, đồng nghĩa với việc EU cũng phải duy trì những biện pháp trừng phạt kinh tế với Nga. Đến khi nền kinh tế lớn là Nga ngấm bất ổn, có lẽ hàng chục nền kinh tế nhỏ thành viên của EU đã phải điêu đứng trước. Và bản thân EU cũng phải đứng trước nguy cơ bất hòa.
Còn với quân ly khai, qua cách họ tuyên bố có thể thấy một vấn đề quan trọng: di chuyển chiến lược. Tức là tránh chỗ địch mạnh và phản công vào chỗ địch yếu, địch không đề phòng. Nói cách khác, họ đang thực hiện vườn không nhà trống. Và trọng pháo, không kích của Kiev giờ đang nhắm vào ai? Phải hứng chịu những thứ đó chỉ là người dân.
Trong một diễn biến mới nhất, theo Itar-Tass, các binh sỹ của lực lượng dân quân Donetsk và Lugansk đã bắt giữ một nhóm thám báo gồm ba chiến binh của lực lượng Vệ quốc Ukraine đang chuẩn bị tấn công đoàn xe chở đồ cứu trợ nhân đạo của Nga.
Khoan xét về các ý đồ của Kiev, nhưng việc bắt giữ ba binh sĩ này cho thấy các hoạt động của lực lượng ly khai không hề đình trệ, họ vẫn chủ động ở những khu vực mà họ đang làm chủ.
Nếu như cắt đứt được liên lạc giữa biên giới Nga và Lugasnk liệu đã phải là con đường tử với quân ly khai ở nơi đây? Chưa hề, bởi đại diện lực lượng ly khai ở Donetsk đã tuyên bố họ di chuyển để bảo toàn lực lượng, và họ đã có đầy đủ vũ khí để chờ đợi thời cơ phản công.
Như vậy, cục diện cuộc chiến này sẽ còn dai dẳng, và một điều chắc chắn, nó sẽ chỉ kết thúc khi một trong hai bên phải thừa nhận sự thua cuộc của mình, còn việc đong đếm bằng các thành phố hay những ngôi làng, đó chỉ đơn thuần là cách báo công và vỗ về của Kiev với chính những người chống lưng cho mình.
Vì sao Nga tối quan trọng chuyến hàng cứu trợ?
Trong những ngày gần đây, vấn đề tồn tại duy nhất giữa Moscow và Kiev là chuyến hàng 300 xe tải cứu trợ nhân đạo cho người dân ở miền Đông. Trước hết cần phải nhìn thấy địa điểm mà Nga muốn đưa nhu yếu phẩm của mình tới, đó là toàn miền Đông.
Nhưng Kiev kiên quyết sẽ chỉ nhận hàng cứu trợ của Hội Chữ thập đỏ quốc tế, và cứu trợ ở đâu, viện trợ chỗ nào cũng sẽ do họ quyết định chứ không phải người Nga.
|
Quang cảnh đổ nát của một ngôi làng ngoại ô Donetsk |
Vì sao Kiev xử rắn như vậy, dù bản thân chuyến hàng này chỉ đơn thuần làm nhiệm vụ nhân đạo? Trước hết, 300 chiếc xe này của Nga di chuyển tự do trong lãnh thổ của Nga không phải là một ý tưởng hay. Chúng có thể sẽ đến những nơi quân ly khai chiếm đóng, chúng có thể đến nơi quân đội Ukraine mới tái chiếm. Và như thế, bức tranh hiện thực sẽ được phơi bày.
Người ta sẽ có được sự đánh giá rõ ràng nhất về việc nhân dân tại nơi quân ly khai quản lý đang sống thế nào, và người ở nơi bị Kiev tái chiếm đang ra sao. Bởi thực tế, để chiếm được một thành phố, một ngôi làng thì quân đội Ukraine cũng không tiếc sức biến nơi đó trở thành “thời kỳ đồ đá.”
Riêng quy mô của đoàn xe cứu trợ lên đến 300 chiếc, kéo dài gần 3km, người Nga đã ngấm ngầm thể hiện tình cảnh nguy ngập của vấn đề nhân đạo tại Ukraine.
Đoàn xe ấy, dù là của Chữ thập đỏ quản lý, cũng sẽ khiến Ukraine bẽ mặt, và những gì quân ly khai cáo buộc về một cuộc thanh lọc dân tộc sẽ hoàn toàn hợp lý. Đó là lý do vì sao mà Kiev không hề muốn được Nga hỗ trợ một chút nào.
Chưa kể đến những tác dụng phụ, khi đoàn xe này bị tấn công, người Nga hoàn toàn có thể tự ý gửi đi lực lượng gìn giữ an ninh để bảo vệ an toàn cho chính công dân của mình đang làm nhiệm vụ nhân đạo trên đất Ukraine.
|
Tổng thống Putin phát biểu ở bán đảo Crimea |
Còn Putin đang thực sự muốn gì ở khu vực này? Vừa qua, Tổng thống Nga lần thứ hai tới thăm bán đảo Crimea để bàn về an ninh và hợp tác văn hóa trong bối cảnh chiến sự diễn ra ác liệt tại khu vực miền Đông lân cận.
Vì sao ông Putin đến Crimea vào thời điểm này? Phải nói rằng Ukraine quý giá nhất là viên ngọc Crimea, và người Nga đã có được nó. Bán đảo này giờ đã là thành trì của Nga ở Biển Đen. Khi Kiev và những người ly khai còn mải giành nhau từng ngôi làng, thành phố thì Crimea ngày càng trở thành một pháo đài thép, không chỉ giúp Nga gác biển, mà còn trở thành hậu phương cho những người ly khai ở miền Đông.
Ukraine có thể cắt đứt được liên lạc giữa Lugasnk và biên giới Nga, vậy liên lạc giữa Crimea và miền Đông, liệu đã có thể kiểm soát được. Nếu nói người ly khai còn hai thành trì, thì bán đảo này chính là thành trì thứ ba. Và một khi Ukraine động đến Crimea, đồng nghĩa với việc tuyên chiến với nước Nga.
Nhìn nhận một cách khách quan thì Nga vẫn đang chủ động, những người ly khai vẫn đang chủ động. Chỉ có thời gian là không hề ủng hộ Kiev hay EU.
Đỗ Minh Tú