TP - Ngày 21/10, Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả chất da cam/dioxin ở Việt Nam (BCĐ 33) phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) và Ban quản lý dự án GEF-UNDP - Bộ TNMT về xử lý ô nhiễm dioxin tại các điểm nóng ở Việt Nam tổ chức hội thảo “Đánh giá thực trạng ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) - Những việc cần làm”.
khu vực ngăn chặn tạm thời lan tỏa dioxin ra khu vực xung quanh tại sân bay Biên Hòa
Theo Văn phòng BCĐ 33, trong cuộc chiến tranh Việt Nam, quân đội Mỹ đã sử dụng sân bay Biên Hòa làm căn cứ chính chứa chất diệt cỏ và phục vụ chiến dịch phun rải chất độc hóa học. Sân bay này lưu giữ hơn 98 ngàn thùng (205 lít/thùng) chất da cam, 45 ngàn thùng chất trắng, 16 ngàn thùng chất xanh.
Từ tháng 12/1969 đến tháng 3/1970, đã có ít nhất 4 sự cố gây chảy tràn chất diệt cỏ từ các bể chứa với 25.000 lít chất da cam và 2.500 lít chất trắng.
Qua nghiên cứu đánh giá cơ bản toàn diện ô nhiễm dioxin trong môi trường tại sân bay Biên Hòa và vùng phụ cận, Văn phòng BCĐ 33 đánh giá mức độ ô nhiễm dioxin trong đất, trầm tích ở nhiều vị trí còn rất cao.
Một loạt 6 điểm ô nhiễm chính trong và ngoài sân bay Biên Hòa cần xử lý là 3 khu vực đất với diện tích gần 200.000m2 và 3 hồ chứa nước. Chính hệ thống hồ, ao này từ nhiều năm qua là nơi tích tụ dioxin và cũng đã trở thành nguồn phát thải dioxin ra các vùng hạ lưu của sân bay.
Từ mức độ ô nhiễm dioxin ở sân bay Biên Hòa, dioxin tiếp tục thâm nhập vào các động vật thủy sinh và trong chuỗi thực phẩm. Cá nuôi và thu hoạch ở các ao hồ trong khu vực sân bay đang nhiễm dioxin cao và những người ăn cá và động vật từ khu vực sân bay cũng có nồng độ dioxin cao trong cơ thể.
Với dự án tài trợ xử lý ô nhiễm dioxin tại ba điểm nóng là các sân bay Phù Cát, Đà Nẵng và Biên Hòa, ông Bakhodir Burkhanov, phó giám đốc quốc gia UNDP tại Việt Nam đánh giá, dioxin ở sân bay Biên Hòa với nồng độ cao hàng trăm lần so với ngưỡng cho phép.
Vị chuyên gia này cho rằng: “Nồng độ nhiễm dioxin ở Việt Nam như vậy quả là có một không hai. Đất ô nhiễm ở sân bay Biên Hòa có đặc điểm cấu trúc và thành phần chưa từng được thấy ở bất kỳ nơi nào trên thế giới”.
Những việc cần làm
Theo các chuyên gia trong nước và quốc tế, nếu không xử lý, các điểm nóng dioxin ở sân bay Biên Hòa chắc chắn sẽ tiếp tục gây ô nhiễm môi trường rộng hơn, đặt sức khỏe của người dân địa phương vào mức rủi ro nghiêm trọng.
Ông Bakhodir Burkhanov cho rằng, để xử lý triệt để toàn bộ khối lượng đất nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa, dự kiến kinh phí sẽ cần đến khoảng 250 triệu USD.
Thạc sĩ Nghiêm Xuân Trường, chuyên gia văn phòng BCĐ 33 kiến nghị không nuôi thả cá, gia cầm và đánh bắt cá ở tất cả các hồ ô nhiễm dioxin trong khu vực sân bay; tiếp tục tiến hành các biện pháp nhằm giảm thiểu ô nhiễm dioxin; nhanh chóng lựa chọn và triển khai các phương pháp xử lý phù hợp cho từng khu vực ô nhiễm. Chống lan tỏa tạm thời để đưa ra cảnh báo và lựa chọn biện pháp phòng chống phù hợp nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro.
Với mục tiêu cô lập triệt để khu vực đất nhiễm dioxin ở sân bay Biên Hòa, cách ly hoàn toàn với môi trường, từ năm 2006 - 2008, Trung tâm công nghệ xử lý môi trường - Bộ Quốc phòng đã hoàn thành dự án xử lý khu ô nhiễm dioxin tại 5ha - nơi đặt các bồn chứa và bồn chứa bị vỡ bằng việc chôn lấp an toàn 94 ngàn m3 đất ô nhiễm ở độ sâu từ 1,2 - 1,4m.
Tuy nhiên, dự án chỉ mới giải quyết được một phần hậu quả ô nhiễm dioxin trong sân bay Biên Hòa. Trung tâm này cho rằng còn một số khu vực ô nhiễm dioxin chưa được kiểm soát. Vì vậy trong khi chờ đợi công nghệ xử lý dioxin triệt để thì cần khẩn trương thực hiện các biện pháp chống lan tỏa.
Từ mức độ ô nhiễm dioxin ở sân bay Biên Hòa, dioxin tiếp tục thâm nhập vào các động vật thủy sinh và trong chuỗi thực phẩm. Cá nuôi và thu hoạch ở các ao hồ trong khu vực sân bay đang nhiễm dioxin cao và những người ăn cá và động vật từ khu vực sân bay cũng có nồng độ dioxin cao trong cơ thể.