Quốc lộ 6 đi Hòa Bình hiện nay, một dự án đang được nâng cấp.
Và câu chuyện về “hai con đường” mà VnEconomy ghi nhận được trong chuyến đi Hòa Bình mới đây chắc chắn là một ẩn dụ đầy thú vị đối với các lãnh đạo tỉnh nghèo này...
Từ “quốc lộ” đến “cao tốc”
“Chúng tôi từng kỳ vọng, rất kỳ vọng, rằng tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hòa Bình sẽ giúp rút ngắn khoảng cách về Hà Nội cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Nhưng việc nhà đầu tư bỏ ngang dự án đã khiến chúng tôi rất mệt mỏi”, một lãnh đạo Hòa Bình nói với VnEconomy.
“Nhà đầu tư” mà vị này đề cập chính là tập đoàn Geleximco.
Trong cơn sốt bất động sản giai đoạn 2009-2010, Geleximco đã đề xuất và được chấp thuận là nhà đầu tư tuyến đường này theo hình thức BT, theo đó họ sẽ đầu tư tuyến đường bằng vốn tự có, đổi lại sẽ được Hà Nội và Hòa Bình “đối ứng” bằng quyền phát triển các lô đất dọc tuyến đường này.
Nhưng đến năm 2013, với lý do dự án không còn khả thi về mặt kinh tế, Geleximco đã rút lui, để lại cho ban lãnh đạo Hòa Bình một cảm giác vỡ mộng.
Dự án cao tốc Hà Nội - Hòa Bình cuối cùng đã được “làm mới”, lần này là với vai trò của Bộ Giao thông Vận tải, theo đó dự án này sẽ được triển khai theo hình thức BOT, và sẽ do một liên danh ba nhà đầu tư mới, đảm nhận.
Hồi tháng 5/2014, liên danh này đã tái khởi động dự án này, tuy nhiên, cuộc “hôn nhân” với Geleximco, rồi sau đó “tái hôn” với liên danh mới, chắc chắn đã làm chậm lại đáng kể kế hoạch nối liền Hòa Bình với Hà Nội bằng đường cao tốc, đồng thời làm chậm lại cả một hành trình phát triển của tỉnh nghèo, nơi thu nhập bình quân đầu người mới chỉ bằng nửa mức trung bình cả nước.
Về dự hội nghị cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hòa Bình mới đây, các đại biểu Hà Nội vẫn phải đi theo quốc lộ 6, tuyến đường khá quanh co và hẹp, giờ đây đã trở nên quá khiêm tốn so với cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lào Cai, quốc lộ 1A mới, cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình hay quốc lộ 5, những tuyến đường khiến cho các tỉnh xung quanh khác có thể nhanh chóng “về Hà Nội”.
Hạ tầng kém cỏi khiến cho Hòa Bình, dù dồi dào tiềm năng khoáng sản và du lịch, nhiều năm nay vẫn như cô thôn nữ miền ngược tuy lấp lánh giai nhân nhưng trai thành phố ngại đường xa chẳng dám theo về.
Nhưng trong mắt các chuyên gia của dự án nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, còn có một con đường khác.
Nhiều năm tham gia dự án với tư cách chuyên gia và giờ đây là giám đốc dự án này, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nói rằng hạ tầng là rất quan trọng, nhưng trên thực tế, nhiều tỉnh thành bất lợi về hạ tầng lại đã vươn lên mạnh mẽ bằng một “con đường khác” là cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh.
Ông lấy ví dụ, Lào Cai chưa bao giờ được coi là có hạ tầng tốt cả, nhưng tỉnh này từng đứng đầu bảng xếp hạng PCI vì “ăn điểm” ở nhiều chỉ số khác. Thời gian gần đây, sự bứt phá mạnh mẽ của các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cũng là những ví dụ thú vị cho sức mạnh của “hạ tầng mềm”.
“Con đường thể chế” có thể được chuyển thành “cao tốc” với chi phí thấp hơn nhiều so với việc đầu tư một tuyến đường cao tốc nhiều ngàn tỷ, và chắc chắn là nhanh hơn, đôi khi chỉ bằng một nghị quyết giàu tính thực chất.
Với cách tiếp cận đó, ông Tuấn cho rằng vấn đề đối với một số tỉnh như Hòa Bình là nhiều khi ý chí của lãnh đạo rất mạnh mẽ, nhưng việc thực thi ý chí đó ở cấp dưới lại hạn chế, như cách ví von rằng “ở Việt Nam, con đường xa nhất không phải là từ cao nguyên Đồng Văn đến mũi Cà Mau, mà là từ lời nói đến hành động”.
Từ “hiểu” đến “làm”
Với Hòa Bình, theo ông Tuấn, có tình trạng các doanh nghiệp tư nhân chưa nhận thức được những điểm tốt của môi trường kinh doanh tại tỉnh đó, vì sự dịch chuyển ý chí chưa đồng đều giữa lãnh đạo tỉnh xuống cấp thực hiện, cũng như dịch chuyển chưa đồng đều giữa các sở ngành.
Điều tra PCI cho hay tại Hòa Bình, có gần 80% doanh nghiệp cho rằng tỉnh có sáng kiến tốt nhưng chưa được thực thi tốt ở các sở, ngành; trong khi gần 41% doanh nghiệp cho rằng lãnh đạo tỉnh có chủ trương, chính sách đúng đắn nhưng không được thực hiện tốt ở cấp huyện.
Điều này là khác biệt đáng kể so với nhiều tỉnh thành khác có thứ hạng cao trong PCI, chẳng hạn như Đà Nẵng.
Tại thành phố này, sau mỗi kỳ công bố kết quả PCI, thành phố giao Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế xã hội Đà Nẵng phân tích kết quả chi tiết PCI, đồng thời tiến hành khảo sát độc lập nhằm tìm hiểu nguyên nhân hạn chế và tiếp thu ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp làm cơ sở đề xuất các giải pháp cải thiện chỉ số PCI.
Đà Nẵng là một trong số những địa phương hiểu rằng muốn phát triển bền vững thì việc đầu tiên là phải phát triển khu vực doanh nghiệp; vì vậy, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo quyết liệt yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện xây dựng kế hoạch hành động, giải pháp cụ thể gắn với việc cung cấp dịch vụ công của đơn vị để có lộ trình khắc phục những hạn chế, tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ công và hỗ trợ tích cực hơn cho doanh nghiệp.
“Vai trò đứng đầu của giám đốc các sở, ngành rất quan trọng. Khi họ đã cam kết công khai trước cộng đồng doanh nghiệp bằng danh dự và gắn với trách nhiệm cá nhân thì họ sẽ vào cuộc một cách rất quyết liệt và sớm giải quyết các yêu cầu bức xúc của doanh nghiệp, từ đó cải thiện được mạnh mẽ các chỉ số thành phần trong PCI”, ông Tuấn nói.
Phát biểu này nhận được sự chia sẻ từ ông Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình. Ông Quang thừa nhận, rõ ràng trong vấn đề cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nói chung, cải thiện vai trò của cá nhân các lãnh đạo nói riêng của Hòa Bình còn rất nhiều “dư địa”, và do đó Hòa Bình sẽ thay đổi cách nhìn nhận về PCI.
Sau hai tháng ngồi ghế Chủ tịch, ông Quang có một bài viết rất đáng chú ý trên cổng thông tin điện tử tỉnh nhà để giới thiệu tiềm năng và cơ hội đầu tư tại Hòa Bình, điều khá “lạ” so với trước.
Một ban chỉ đạo cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh cũng đã được thành lập, mà theo quan điểm của vị này là “dứt khoát thành viên phải là người đứng đầu sở ngành, vào việc ngay lập tức”.
Đứng ở vị trí 62/63 tỉnh thành trong xếp hạng PCI năm 2013 là một trải nghiệm khó khăn. Cũng như Hòa Bình, nhiều tỉnh thành khác cũng đang vào cuộc ráo riết để cải thiện điểm số và thứ hạng, bởi vì điều này giờ đây không còn là nhu cầu tự thân của từng địa phương nữa, mà đã là một yêu cầu của Chính phủ đã được “nghị quyết hóa”.
Tháng 3/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19 về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia theo đó yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương “rà soát các quy định do địa phương mình ban hành và tình hình thực hiện các quy định đó; đặt mục tiêu và lộ trình đến năm 2015 phấn đấu đạt mức của tỉnh, thành phố có PCI trong năm 2013 đã được xếp hạng ở mức cao”.
Chủ tịch Quang có lẽ đã cảm thấy rằng, trong khi chờ đợi con đường cao tốc Hà Nội - Hòa Bình được triển khai nhanh chóng, chính ông và đồng sự cũng có thể triển khai nhanh “con đường cao tốc” về cải cách thể chế mà cộng đồng doanh nghiệp tại Hòa Bình đang mong mỏi bấy nay.