Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc. Ảnh News.CN
Hãng Reuters hôm 02/03/2015 trích thông báo trên trang web của CNOOC nói giếng dầu ngoài khơi Myanmar (Miến Điện) có độ sâu 5000 mét.
Dù trang web này không nói rõ địa điểm giếng dầu này ở đây và công ty nào đã lo việc điều khiển công tác khoan dầu, hãng Reuters viết rằng chính một tập đoàn khác của Trung Quốc là CNPC từng nhận quyền khoan dầu từ chính quyền Myanmar.
Hãng tin này cũng nói chính giàn khoan Hai Yang Shi You mà Việt Nam viết tắt là HD 981 từng khoan dầu ở vùng biển tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Trong vụ việc xảy ra từ tháng 5 đến tháng 8/2014, giàn khoan này khi khoan dầu gần Hoàng Sa đã làm nổ ra phong trào phản đối Trung Quốc ở Việt Nam.
Hai bên cũng đem nhiều tàu thuyền ra trong cuộc 'đối đầu' căng thẳng được báo chí quốc tế và khu vực quan tâm.
Sang giúp Myanmar
Hồi đầu năm 2007, chính quyền Myanmar đã trao cho CNPC quyền khai thác dầu ngoài biển Andaman.
Đây là các lô số AD-1, AD-6 và AD-8, trong diện tích 10 nghìn km vuông.
Hôm 10/02/2015, báo chí Myanmar đưa tin lô dầu AD-1 nằm ngoài khơi bang Arakan của nước này sẽ do một liên doanh của công ty dầu khí Myanmar là MOGE và đối tác Trung Quốc khai thác.
Họ sẽ sử dụng giàn khoan Hải Dương 981 cho công tác khoan dầu và đây là 'dự án đầu tiên, mang tính thử nghiệm khoan nước sâu ngoài khơi Arakan'.
Được biết trước đó, Bộ trưởng Năng lượng Myanmar U Zay Yar Aung và Bộ trưởng thứ nhất của bang Arakan, U Maung Maung Ohn đã dự lễ khai mạc dự án này hôm 7/02.
Hải Dương 981 là một trong hai giàn khoan nước sâu của Trung Quốc, bên cạnh Nam Hải 9.
Được biết sau khi rút Hải Dương 981 khỏi vùng biển tranh chấp với Việt Nam vào tháng 8/2015, sang tháng 11/2014, Trung Quốc cho Nam Hải 9 khoan thăm dò ở giếng Lăng Thủy 25-1-1, có độ sâu 3.930m, nằm trong bể Quỳnh Đông Nam (Qiongdongnan).
Đây là vị trí nằm ở phía nam đảo Hải Nam và ở phía bắc vùng biển Hoàng Sa.
TÚ HƯƠNG