Nếu xung đột Trung-Nhật xảy ra vì tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, dù quân đội nhỏ hơn, Nhật vẫn có thể cầm cự với Trung Quốc mà không cần Mỹ trợ giúp vì quân đội Nhật có lợi thế về chất lượng so với quân đội Trung Quốc.
Trang tin Business Insider của Mỹ ngày 5-5 (giờ địa phương) nhận định như trên trong bài viết với nhan đề “Vì sao lực lượng quân sự nhỏ hơn của Nhật có thể cầm cự với Trung Quốc?”.
Bài viết ghi nhận chi tiêu quân sự của Trung Quốc tăng vọt 12,3% trong năm 2013 lên mức 188 tỉ USD, vượt xa Nhật (chỉ 49 tỉ USD). Quân đội chính quy của Trung Quốc gồm 2,3 triệu binh sĩ, nhiều gấp 10 lần so với quân số Nhật 230.000 người. Dù vậy, hầu hết vũ khí của Trung Quốc đang xuống cấp.
Chỉ 450/7.580 xe tăng được sản xuất trong thời gian gần đây. Chỉ 502/1.321 máy bay chiến đấu thực sự là máy bay hiện đại. Số còn lại là máy bay Liên Xô tu sửa được sản xuất từ những năm 1970. Chỉ 50% tàu ngầm được đóng trong 20 năm qua. Trung Quốc đang hoàn thiện tàu sân bay Liêu Ninh nhưng tàu sân bay này quá nhỏ và chưa thể triển khai xuất kích máy bay tầm xa.
Trong khi đó, Nhật liên tục được Mỹ cung cấp thiết bị quân sự tối tân. Năm tới Nhật sẽ mua các tàu khu trục chống tên lửa, tàu ngầm, máy bay trinh sát không người lái Global Hawk, xe bọc thép lội nước, máy bay tiêm kích, máy bay vận tải V-22 Ospreys của Mỹ. Ngoài ra, Nhật cũng đã đặt mua 42 máy bay tiêm kích tàng hình F-35 của Mỹ (dự kiến giao từ năm 2017).
Theo đánh giá của tạp chí quốc phòng Kanwa Asian Defence (Canada), máy bay tiêm kích tàng hình F-35 là cơn ác mộng của tàu sân bay Liêu Ninh vì F-35 có thể phóng tên lửa tấn công liên hợp rất khó đánh chặn (do Na Uy sản xuất) từ khoảng cách an toàn 290 km. F-35 cũng có thể xác định được vị trí và tấn công máy bay tiêm kích chủ lực của Trung Quốc J-15 ngay trước khi bị đối phương phát hiện.
Về công nghệ radar, F-35 có lợi thế vượt trội với hệ thống radar hiện đại AN/APG-81 AESA do Tập đoàn Northrop Grumman (Mỹ) sản xuất. Hệ thống radar này được trang bị 1.000 bộ thu phát, có khả năng phát hiện 19 mục tiêu di động trong 2,4 giây. Các quần đảo của Nhật cũng được bảo vệ rất tốt bằng hệ thống tên lửa đánh chặn SM-3 và PAC-3. Các tên lửa này có khả năng bắn hạ tên lửa đạn đạo bên trong lẫn bên ngoài khí quyển Trái đất.
TS Larry M. Wortzel, Chủ tịch công ty tư vấn an ninh và quốc phòng Asia Strategies & Risks (Mỹ), nhận định tại buổi thuyết trình ở Viện Chính trị thế giới (Mỹ) hồi tháng 9-2013: “Nhật có hải quân và không quân mạnh nhất ở châu Á-Thái Bình Dương, trừ Mỹ. Nhật vẫn bị hạn chế bởi điều 9 hiến pháp về cam kết vĩnh viễn từ bỏ phát động chiến tranh như quyền chủ quyền quốc gia…, tuy nhiên chẳng ai muốn gây lộn xộn với họ”.
LÊ LINH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét