Giả dạng anh em
Trong chuyến hải trình quanh vùng biển Tây Nam mới đây, trong một sáng vần vũ mây trời xám xịt, chúng tôi đã đứng trên nóc của hải đăng đảo Hòn Đốc thuộc quần đảo Hải Tặc khi xưa (nay gọi là quần đảo Hà Tiên) và ngóng vọng về phía đảo T. Đó chính là nơi 513 người dân Thổ Chu xấu số đã chết dưới tay Khmer Đỏ và mong sẽ có một ngày được đến đó thắp một nén nhang tưởng nhớ, dù giờ đây trên đảo Thổ Chu, một đền thờ tưởng niệm 513 người dân bị thảm sát ngày ấy đã được dựng lên khang trang và bề thế. |
Lúc quân đội Sài Gòn rút khỏi Thổ Chu khi biết Sài Gòn giải phóng, một viên trung úy hải quân tên Tuất nói với ông Tư Sĩ: “Nếu anh Tư muốn đi nước ngoài thì đi với tụi tui, ở đây không được nữa rồi, tàu còn chỗ”. Ông Tư Sĩ trả lời: “Tui còn hai đứa ở hòn Mấu, với lại ra nước ngoài tui không biết làm gì để sống”. Mấy hộ dân khác như Chín Hải, Hai Nông, Tư Tận... - hàng xóm của ông Tư Sĩ - cũng quen sống bằng nghề đánh bắt hải sản, nuôi đồi mồi, làm rẫy nên ai cũng từ chối ra nước ngoài.
“Tụi tui quyết tâm ở lại khó khổ cùng nhau chia sẻ và chờ bộ đội ra tiếp quản - ông Tư nói và kể tiếp - Ai dè mấy hôm sau, trong lúc tui đang gánh nước mặn lên bờ để rửa bồn nuôi đồi mồi thì thấy phía bãi Ngự có hai chiếc tàu hộ tống PCE và tàu chiến của quân Khmer Đỏ chạy vòng quanh đảo để gom bắt số người vượt biên trên biển lên tàu của chúng. Trên tàu tui thấy lính Khmer Đỏ cổ quấn khăn rằn, tay ôm AK. Khi lên bờ, ban đầu chúng đối xử cũng đàng hoàng với dân trên đảo nên không ai nghĩ chúng sẽ ra tay tàn độc như sau này”.
Danh Thương, khoảng 30 tuổi, là cư dân trên đảo sống bằng nghề đốt than, vốn nói sõi tiếng Khmer được tay chỉ huy kêu tới làm phiên dịch. Danh Thương dịch theo lời y, cho biết chúng ra đảo để tổ chức cho bà con sống, làm việc tập thể và yên ổn làm ăn. Chúng còn nói chúng là “đàn em” của Quân giải phóng Việt Nam đến để giữ đảo vì sợ quân Mỹ sẽ quay trở lại chiếm đảo. Chúng còn cho mỗi hộ dân 10kg gạo.
Trong những ngày chiếm đảo, quân Khmer Đỏ bắt dân đảo bốc vác vật liệu, nhặt nhạnh súng ống của quân đội Sài Gòn vứt lại để làm công sự dài hàng trăm mét ở bãi Ngự. Khi công sự làm xong, đến chiều 13-4 âm lịch (ông Tư Sĩ chỉ nhớ ngày âm lịch, sau này tra cứu chúng tôi được biết đó là ngày 23-5-1975), các toán quân Khmer Đỏ lùa dân xuống bãi Ngự. Lúc đó một số gia đình chấp hành, số khác giằng co không đi. Nhưng đến khoảng chập tối thì chúng gí súng lùa hết số dân còn lại ra bãi Ngự. Người nào đã bước ra khỏi nhà chúng không cho trở lại. Lúc đó mọi người đã biết số phận của mình như cá nằm trên thớt.
Dù rất lo sợ nhưng mọi người vẫn cố níu kéo với ý nghĩ nó sẽ đem mình về Campuchia là để mai này trao trả thông qua Đại sứ quán Việt Nam. Lúc đó không ai tính đến chuyện họp bàn để biết xem chúng sẽ đưa mình đi đâu, làm gì sau đó, cứ nhắm mắt đưa chân.
Lúc chúng lùa dân xuống bãi Ngự, dưới bãi đã có hai chiếc tàu, là loại tàu cá của ngư dân Thái Lan. Có lẽ quân Khmer Đỏ đã cướp của dân Thái để sử dụng. “Tui không mấy tin vào chuyến đi bất thường này và nỗi lo cứ lớn dần lên. Trước lúc bị lùa đi, tui may mắn làm quen được một anh tài công quê Châu Đốc, biết nói tiếng Khmer. Lúc đó anh tài công đã cho tôi biết tối nay chúng sẽ lùa hết dân lên hai chiếc tàu này và bảo tôi phải chuẩn bị máy móc, xăng dầu và xin chúng nó cho dòng ghe đi theo”.
Dòng ký ức đầy ám ảnh nặng nề dường như khiến ông Tư Sĩ cảm thấy mệt. Quay qua chúng tôi, ông bảo: “Đi về nhà tui, vợ tui còn nhớ được nhiều chuyện của cái buổi chiều chúng lùa dân chuẩn bị đưa lên tàu lắm!”.
Chuyến đi định mệnh
Căn nhà của ông Tư Sĩ có vẻ to nhất ở ấp Hòn Mấu. Và một điều đặc biệt nữa là nếu như những căn nhà ở đây được dựng chỗ khá kín gió thì nhà ông Tư Sĩ “hiên ngang” rộng cửa hướng về phía nam, hướng nhìn về đảo Thổ Chu. Dường như ký ức của cả gia đình ông luôn dõi về phía hòn đảo đó, sau ngàn trùng sóng biển.
Vợ ông Tư Sĩ, bà Cái Thị Viện, kể tiếp cho chúng tôi nghe nối vào hồi ức của ông chồng: “Tụi nó sau khi lùa đủ dân tập trung trên bãi cát liền bảo “Ai đi theo thì ngồi yên, còn ai từ chối không đi thì giơ tay đứng lên”. Tui là người giơ tay trước hết thảy. Khi đứng lên tui nói nếu đưa tui về Kiên Giang thăm con thì tui đi, còn về Campuchia thì không. Khi tui giơ tay đứng lên cũng có nhiều người khác cùng giơ tay đòi yêu sách không đi qua Campuchia. Tên chỉ huy trả lời: “Nếu đưa về Kiên Giang thì sau này Đại sứ quán Việt Nam đòi biết lấy dân ở đâu để trả lại cho phía Việt Nam?”. Nó còn trấn an: “Dân là cha mẹ sẽ không giết dân đâu, bà con cứ ngồi xuống đi!”. Thấy tui cương quyết quá, nó đành cho hai vợ chồng tui về nhà nấu cơm.
Về đến nhà, lúc Danh Thương là người phiên dịch và tên chỉ huy tiểu đoàn trưởng đi ngang qua nhà, nhớ lại lời khuyên của anh tài công hồi chiều, ông Tư Sĩ bèn hỏi xin được buộc chiếc thuyền của gia đình vào đuôi tàu của chúng để cùng đi. Tên chỉ huy hỏi: Đem ghe theo để làm gì? Tui trả lời: Để qua bên đó làm ăn. Nó nói bên đó có gì mà làm ăn, khi đó chồng tui liền giải thích: “Nếu mấy ông không cho mang ghe đi thì vợ con tui cương quyết không chịu đi”. Thấy tui làm dữ quá và sợ ảnh hưởng đến nhiều gia đình khác nên tên chỉ huy rốt cuộc phải đồng ý. Tên chỉ huy vừa đi, vợ chồng tui đã khuân dầu lửa, một ít thực phẩm xuống thuyền rồi nhờ người tài công lấy sợi dây thừng buộc vào đuôi một trong hai con tàu của Khmer Đỏ”.
Toại, đứa con trai lớn của ông, khi nghe nhắc lại chuyện này đã góp thêm: “Lúc mới xuống ghe, nghe má cầu khẩn ông bà phù độ cho gặp may mắn, cho ba giật máy là nổ liền. Nhưng ba tui giật đến lần thứ bảy, thứ tám máy mới nổ, càng làm cho má lo sợ thêm”. Dù bội phần lo sợ nhưng không còn đường thoát, đến lúc ấy chỉ cần trái ý là chúng sẵn sàng hạ sát ngay.
Đêm 23-5 ấy nhằm vào đêm 13-4 âm lịch, sắp đến Phật Đản nhưng bầu trời không sáng rỡ bởi ánh trăng. Trong ánh sáng nhờ nhờ, những người dân Thổ Chu im lặng nhẫn nhục lục tục bước lên tàu.
Tàu nhỏ, người đông, chúng không cho dân mang theo đồ đạc sinh hoạt gì thêm. Hai chiếc tàu Thái Lan trọng tải khoảng 100 tấn đã chật ních người. Và vì tàu quá chật, ngoài chiếc thuyền của gia đình ông Tư Sĩ, chúng cho hai gia đình khác, trong đó có gia đình ông Hai Nông, cũng được dòng dây kéo thuyền theo. Tám giờ tối, hai chiếc tàu nổ máy hướng về phía Campuchia, hai tàu lớn chở người và ba chiếc ghe nhỏ được dòng dây kéo theo dập dềnh sau ngọn sóng đuôi tàu. Không một ai hay biết số phận của họ sẽ được định đoạt bởi bàn tay của những tên Khmer Đỏ khát máu.
Chuyến đi định mệnh ấy tất cả những người dân vô tội, từ trẻ em đến cụ già, bị đưa về một hòn đảo cách bờ biển Campuchia không xa. Và tất cả đã bị giết chết dã man!
LÊ ĐỨC DỤC - QUANG VINH
______________________
Gia đình ông Tư Sĩ đã thoát khỏi chuyến đi đến địa ngục của Khmer Đỏ vào đêm 23-5-1975 ấy như một phép mầu. Và giờ đây họ trở thành nhân chứng cho một nỗi đau chưa bao giờ nguôi ngoai giữa biển trời Thổ Châu.
Kỳ tới: Những người đào thoát
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét