Không ở đâu như xã biển Ngư Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa), gần 200 người đàn ông trụ cột trong gia đình đã vĩnh viễn nằm lại biển khơi, để lại đằng sau những mảnh đời góa phụ, những đứa trẻ ngày đêm nheo nhóc khóc gọi cha.
>> Đón đọc ấn phẩm Lao Động & Đời sống số 25
“Bến không chồng”
Chúng tôi đến xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc (Thanh Hóa) vào một buổi chiều mưa tầm tã, sóng biển gầm gào, hung dữ như muốn nuốt chửng cái xã nhỏ bé này. Ngư Lộc là địa danh được biết đến với nhiều cái nhất trong tỉnh, như: Xã có diện tích nhỏ nhất (0,54km2), số dân đông nhất (3.200 hộ dân nhưng chỉ có 0,46km2 đất ở, hầu như không có đất sản xuất), tỉ lệ nghèo đói cao nhất, hộ nghèo và cận nghèo chiếm tới 45% và đặc biệt, sự chênh lệch giới tính cũng chiếm tỉ lệ cao nhất với 2/3 là nữ.
Chuyện về những người phụ nữ góa chồng ở xã Ngư Lộc kể ra mà đắng lòng. Gần 200 phụ nữ đang phải sống cảnh đơn thân. Họ gồng mình ngày đêm lo cơm áo gạo tiền, một mình nuôi con mà giấu nhẹm đi nỗi đau khi vợ mất chồng, con mất cha, giấu đi những giọt nước mắt xót xa cho số phận mình. Một sự thật nghiệt ngã là có quá nhiều đàn ông trai tráng đã ra đi vĩnh viễn không trở về trong những chuyến ra khơi.
Từ xa xưa, biển đã để lại cho xã nghèo một vành tang trắng đau thương khi 344 ngư dân Diêm Phố đi biển bị bão cuốn chết vào ngày 18.8.1931. Đây cũng là lý do người dân Ngư Lộc xây dựng đền thờ thần Đức Ông và ngôi miếu với cái tên rất lạ “Miếu 344 người”.
Cho đến nay, năm nào biển cũng nổi giận, cướp đi sinh mạng của dăm ba người trong xã, điển hình là có đến 18 thuyền viên bị sóng vùi bão dập trong 2 cơn bão hung tàn vào tháng 9.2010 và tháng 10.2011. Vì vậy, có rất nhiều chị em trong xã cùng chung nỗi đau trong ngày giỗ chung chồng. Tất cả đều phải chấp nhận sự thật chua xót này, khi chồng họ đã nằm mãi với biển khơi, thậm chí không thể tìm thấy thi thể để an táng, chôn cất.
Nỗi đau chất thành núi, nước mắt chảy thành sông trong gia đình bà Trần Thị Bảy ở thôn Thắng Tây, khi chỉ trong một khoảnh khắc bà đã vĩnh viễn mất đi 4 người thân thương nhất, trong đó có 2 người con trai, 1 người con rể và 1 đứa cháu trai. Trận áp thấp nhiệt đới nghiệt ngã đã nhấn chìm 54 trai làng Ngư Lộc vào năm 1996.
Gần 20 năm trôi qua nhưng bà Bảy vẫn chưa nguôi ngoai, không giấu nổi đau xót khi kể lại câu chuyện: “Cái đêm kinh hoàng ấy tôi không thể nào quên, chớp mắt một cái mà mấy đứa con tôi, cháu tôi bỏ chúng tôi mà đi hết, sao ông trời lại nhẫn tâm thế, nỡ để từ nay 3 người phụ nữ bỗng thành góa bụa. Thương chúng nó ngày đêm lọ mọ kiếm sống mà tôi quặn thắt lòng”.
Người con dâu trẻ nhất của bà là Tăng Thị Thành, kết hôn chưa được bao lâu, chưa tận hưởng hết cuộc sống của cặp vợ chồng son, thì chồng chị đã bỏ chị bơ vơ một mình cùng đứa trẻ chưa chào đời, chưa thấy mặt cha. Ngày nào cũng vậy, cứ xế chiều là chị đứng nhìn về phía biển, đã bao lần chị khóc ngất trước con sóng vô hồn, những ngày tháng ấy, tưởng chừng chị không thể vượt qua.
Còn rất nhiều thân phận góa chồng khác cùng mang nỗi đau từ biển cả. Mỗi người đều có hoàn cảnh và số phận riêng, song họ lại cùng chung nỗi đau mất chồng, mất con và cái nghèo thì vẫn luôn đeo bám. Có nhiều chị em mất chồng nhưng vẫn được an ủi phần nào khi còn tìm được xác mang về an táng, hương khói. Nhưng phần đông chị em phải đắng lòng chấp nhận sự thật, biển đã vùi chôn tất cả những gì thân thuộc, dấu yêu nhất của họ giữa muôn trùng khơi.
Thân cò lặn lội…
Đi về phía bờ biển, chúng tôi gặp những người vợ, người mẹ đang trông ngóng về phía xa, nơi con thuyền đang cập bến. Họ sốt ruột, mong mỏi. Những ánh mắt đau đáu, đứng ngồi không yên. Thấy bóng dáng người thân trên boong tàu, họ nở nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt đen sạm.
Những phút giây hạnh phúc đó ngày càng hiếm hoi đối với người dân Ngư Lộc, vì hiện nay xã có gần 200 phụ nữ đang phải vò võ sống cảnh đơn thân, một mình nuôi con. Những chuyến ra khơi ngày càng ít dần, bởi trong xã Ngư Lộc nữ giới chiếm tới 2/3. Gánh nặng mưu sinh đè lên đôi vai gầy của họ. Dù mất mát đau thương nhưng họ vẫn phải đối mặt với cuộc sống nghiệt ngã. Họ ra cảng cá làm thuê kiếm tiền, không nề hà những công việc nặng nhọc như bốc vác, vận chuyển...
Chị Hoàng Thị Hoa ở thôn Chiến Thắng có chồng mất tích trong trận bão năm 1996. Gần 20 năm qua, nỗi đau nặng trĩu trong tim nhưng chị vẫn kiên trì bám biển nuôi 5 đứa con. Hy vọng các con sau này thành đạt là sức mạnh để chị tiếp tục sống. Mỗi ngày chị trở dậy vào lúc gà gáy, thoăn thoắt quẩy đôi quang gánh ra bến cá Thắng Tây, mua tôm cá để đi bán lại, kiếm vài chục ngàn đồng. Nhờ sự bền bỉ, tích cóp ấy chị đã nuôi 3 đứa con vào đại học, cao đẳng.
Trò chuyện với chúng tôi, anh Hiên - chủ một tàu cá - chia sẻ về trường hợp của chị Cành - người làm thuê cho anh lâu năm: “Chồng chị Cành mất đã mấy năm nay, bỏ lại 3 đứa con thơ và 1 mẹ già bị liệt. Biết hoàn cảnh của chị, tôi đã nhận vào làm việc. Công việc của chị là bóc tôm, cân cá và lau chùi tàu thuyền. Thỉnh thoảng, tôi trả thêm cho chị vài đồng để mua thuốc cho bà cụ”.
Trò chuyện với chúng tôi về nghị lực của các chị em, ông Đặng Văn Ngữ - Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc nói: “Mưu sinh bằng nghề đi biển đã ăn sâu vào gốc rễ của người dân tự bao đời nay. Mặc dù nguy hiểm và vất vả, song vẫn có rất nhiều gia đình thoát nghèo, nuôi con thành đạt nhờ biển.
Ngoài trường hợp của chị Hoàng Thị Hoa nói trên với 3 đứa con vào đại học còn có chị Thủy với 2 đứa con vào đại học, cao đẳng, chị Khánh có 4 đứa con thì cả 4 đứa đều đã học xong và có công việc ổn định. Đặc biệt là trường hợp của chị Đặng Thị Thúy, chồng mất để lại 7 đứa con. Nhưng với nỗ lực của chị, đến nay cả 7 đứa được ăn học, 4 trong số đó học đại học. Nỗ lực của các chị ấy thật đáng khâm phục và tự hào”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét