Đợt chào bán trái phiếu lần này diễn ra đồng thời với giao dịch hoán đổi hai trái phiếu Chính phủ đã phát hành ra thị trường vốn quốc tế trước đó với đến hạn thanh toán vào năm 2016 và 2020.
Theo thông cáo báo chí của Bộ Tài chính, với điều kiện thị trường vốn quốc tế diễn biến thuận lợi và nhu cầu nắm giữ trái phiếu Chính phủ Việt Nam của các nhà đầu tư quốc tế đạt mức kỷ lục so với khối lượng phát hành, trái phiếu quốc tế của Chính phủ đạt mức lãi suất cố định 4,8%/năm, thấp hơn mức dự kiến là 5,125%/năm, đây là mức lãi suất thấp nhất trong các đợt phát hành từ trước đến nay (lần lượt là 6,875%/năm và 6,755/năm đối với trái phiếu phát hành năm 2005 và 2010).
Tổng trị giá đăng ký mua trái phiếu của Chính phủ từ 437 nhà đầu tư quốc tế là trên 10,6 tỷ USD, gấp hơn 10 lần so với lượng chào bán ra là 1 tỷ USD, trong đó có 17% nhà đầu tư ở Châu Á, 28% nhà đầu tư ở Châu Âu và 55% nhà đầu tư ở Mỹ.
Nếu phân loại theo loại hình nhà đầu tư, có 84% nhà đầu tư là các công ty quản lý quỹ đầu tư, 12% nhà đầu tư là các ngân hàng và 4% nhà đầu tư là các công ty bảo hiểm và quỹ hưu trí.
Tổng mệnh giá đăng ký hoán đổi lại trái phiếu đã phát hành được chấp nhận mua lại là 726.626.000 USD, trong đó mua lại 436.452.000 USD trái phiếu phát hành năm 2005 và 290.174.000 Đô la Mỹ trái phiếu phát hành năm 2010.
Các ngân hàng là Deutsche Bank, HSBC, và Standard Chartered Bank đóng vai trò là Tổ hợp quản lý cho đợt phát hành trái phiếu và giao dịch hoán đổi/mua lại các trái phiếu cũ. HSBC là ngân hàng thanh toán và phân phối trái phiếu.
Bộ tài chính cho biết, thành công của đợt phát hành trái phiếu 2014 là lãi suất phát hành thấp (4,8%/năm so với mức lãi suất dự kiến ban đầu khi chào bán là 5,125%/năm), tiết kiệm được khoảng 32,5 triệu USD tiền thanh toán lãi trái phiếu Chính phủ (trong 10 năm); hoán đổi được 54,4% giá trị gốc của trái phiếu quốc tế 2005 và 25,4% giá trị gốc của trái phiếu quốc tế 2010; góp phần cơ cấu lại nợ công theo hướng kéo dài thời hạn vay và giảm áp lực về nghĩa vụ trả nợ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ.
Có thể nói, cùng với việc Fitch nâng hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lên một bậc (từ B+ lên BB-) và Moody (từ B2 lên B1), thành công của đợt phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường vốn quốc tế lần này đã giúp thiết lập mức lãi suất chuẩn thấp hơn nhiều so với trước, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam huy động vốn trên thị trường quốc tế với lãi suất hợp lý hơn so với trước đây. Đồng thời, đợt phát hành trái phiếu lần này cũng giúp giảm rủi ro tái cấp vốn và rủi ro lãi suất đối với danh mục nợ nước ngoài của Chính phủ. Đây là việc chủ động thực hiện nghiệp vụ quản lý rủi ro đối với danh mục nợ công, tiếp cận với thông lệ quản lý nợ công của quốc tế.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét