(PL)- Hàng chục hộ dân ở Bình Thạnh (TP.HCM) đột ngột nhận thông báo phải đóng từ vài trăm triệu tới cả tỉ đồng tiền “giá trị quyền sử dụng đất”.
Mua nhà và dọn về ở được bốn năm, 48 hộ dân tại dự án khu nhà ở phường 7, quận Bình Thạnh, TP.HCM tá hỏa khi nhận được bản xác nhận công nợ tiền giá trị quyền sử dụng đất từ chủ đầu tư với số tiền hàng trăm triệu đồng/hộ. Thậm chí có trường hợp phải nộp hơn 5 tỉ đồng.
Một dự án, hai lần đóng tiền đất
Năm 2001, UBND TP.HCM có quyết định giao hơn 2.700 m2 đất cho Công ty Quản lý nhà Bình Thạnh (nay là Công ty Dịch vụ Công ích quận Bình Thạnh - gọi tắt là Công ty DVCI) để xây dựng khu nhà ở phục vụ cho các hộ bị giải tỏa trên địa bàn quận và người thu nhập thấp. Năm 2004 dự án thi công xong.
Sau khi dự án hoàn thành, ông Nguyễn Văn Dũng bỏ ra 100 cây vàng để mua lại căn biệt thự hơn 200 m2 ở 21F Lê Trực. Ông Dũng đã trả hết tiền cho Công ty DVCI (chỉ giữ lại 5% để chờ giao giấy hồng) và đóng hơn 226 triệu đồng tiền sử dụng đất cũng như các loại thuế, phí khác. Tới tháng 12-2008, ông Dũng bất ngờ nhận được yêu cầu phải đóng thêm hơn 2,7 tỉ đồng tiền giá trị quyền sử dụng đất.
“Khi mua căn nhà này, tôi không hề được thông báo sau này phải nộp thêm khoản tiền gọi là “giá trị quyền sử dụng đất”. Trước đó, tôi đã nộp đầy đủ tiền sử dụng đất theo quy định” - ông Dũng cho hay.
Không chỉ ông Dũng, tất cả hộ dân trong dự án đều rụng rời khi được thông báo về khoản nợ “khủng” từ trên trời rơi xuống. “Tại sao mua một căn nhà mà phải hai lần đóng tiền đất? Tại sao Nhà nước không tính ngay từ khi bán nhà để chúng tôi cân nhắc có mua hay không mà phải đến ba năm sau mới ấn xuống? Nếu biết phải đóng thêm 2,7 tỉ đồng ngay từ đầu, tôi đã mua nhà tại Phú Mỹ Hưng chứ việc gì mua ở đây!” - ông Dũng bức xúc.
Người dân đang bày tỏ bức xúc với phóng viên. Ảnh: CTV
Đặc biệt hơn là trường hợp của ông Nguyễn Thành Phương, chủ biệt thự 19F Lê Trực. Năm 2004, ông Trực vay mượn 200 cây vàng để mua căn nhà này. Nợ chưa trả hết thì ông nhận được thêm khoản công nợ gần 5,3 tỉ đồng.
Điều đáng nói, trong dự án có một phần diện tích được dùng để xây dựng chung cư thu nhập thấp năm tầng. Dù được miễn tiền sử dụng đất nhưng các hộ dân trong chung cư vẫn phải nộp tiền giá trị quyền sử dụng đất. Ông Hoàng Đình Lạng, ngụ lầu ba, bày tỏ: “Chúng tôi là những cán bộ, công nhân viên của quận thuộc diện khó khăn về nhà ở nên mới được xét mua căn hộ tại đây. Trong hơn 1.300 đơn đăng ký, quận chỉ chọn ra 37 trường hợp đủ điều kiện. Tiền trả góp mua căn hộ đến nay còn chưa trả hết, nay nếu phải đóng thêm khoản này thì bình quân căn hộ của tôi có giá 9-10 triệu đồng/m2, đâu thể gọi là nhà thu nhập thấp nữa”.
Ông Lạng cho biết thêm trong hợp đồng mua bán có ghi khách hàng chỉ “chịu chi phí liên quan đến việc công chứng mua bán, đóng lệ phí trước bạ và đăng bộ theo quy định”, không hề nhắc đến khoản tiền giá trị quyền sử dụng đất. Ông Lạng và 36 hộ dân tại chung cư đã làm đơn kiến nghị gửi Công ty DVCI, UBND quận Bình Thạnh và UBND TP.HCM nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Cũng vì khoản tiền này mà các hộ dân trong dự án suốt 10 năm nay chưa được cấp giấy hồng.
Sáu năm chưa có lối ra
Ông Dương Hồng Nhân, Giám đốc Công ty DVCI Bình Thạnh, cho hay ban đầu tiền giá trị quyền sử dụng đất (tiền bồi thường đất công) của dự án lên tới hơn 39,5 tỉ đồng. Năm 2008, số tiền này được TP điều chỉnh còn khoảng 26,8 tỉ đồng. Công ty DVCI và UBND quận Bình Thạnh đã nhiều lần kiến nghị Sở Tài chính và UBND TP miễn, giảm tiền giá trị quyền sử dụng đất của dự án nhưng chưa được chấp nhận.
Tại sao nhà bán cho dân vào ở từ năm 2005 nhưng mãi tới năm 2008 mới có thông báo đóng tiền giá trị quyền sử dụng đất? Tại sao chưa được phê duyệt giá bán nhưng công ty đã bán nhà cho người dân? Ông Nhân trả lời thời điểm đó nhu cầu chỗ ở của các hộ này rất bức thiết nên công ty đã ký hợp đồng bán cho các hộ. Bản thân Công ty DVCI cũng không lường trước được số tiền phải nộp quá lớn như vậy.
Tại công văn gửi UBND TP và Sở Tài chính ngày 16-7-2013, Công ty DVCI cho rằng đây là dự án thuộc diện được ưu đãi theo Nghị định 71/2001 và Chỉ thị 07/2003 của UBND TP. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện dự án, công ty không được hưởng bất kỳ ưu đãi nào. “Đến nay việc đóng giá trị quyền sử dụng đất đang là một gánh nặng về tài chính, vượt quá khả năng thanh toán của người dân” - văn bản nêu. Từ đó, Công ty DVCI kiến nghị được miễn toàn bộ số tiền này.
Tháng 5-2014, Công ty DVCI tiếp tục có văn bản đề nghị miễn tiền giá trị quyền sử dụng đất của dự án. Lý do là Luật Đất đai 2003 và Nghị định 197/2004 không có quy định về việc bồi thường loại đất do Nhà nước quản lý (đất công). Các tổ chức, cá nhân được giao hoặc cho thuê loại đất do Nhà nước quản lý chỉ phải nộp tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất theo quy định.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, Sở Tài chính cho biết quận Bình Thạnh cũng đã đưa ra phương án tính giá trị quyền sử dụng đất hơn 7,1 tỉ đồng (thay vì hơn 26 tỉ đồng như phê duyệt của UBND TP). Sở đang tiếp tục đề nghị quận Bình Thạnh bổ sung các cơ sở pháp lý về dự án để xem xét lại. Sau khi xem xét, Sở Tài chính sẽ gút phương án cụ thể, trình UBND TP quyết định, đồng thời trả lời cho báo Pháp Luật TP.HCM.
VIỆT HOA
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét