(PetroTimes) - Phương Tây đang muốn trừng phạt và vận động dư luận quốc tế lên án Moskva can thiệp vào Ukraina? Sau Crưm, Tổng thống Putin muốn đẩy vấn đề Ukraina đi đến đâu?
Năng lượng Mới số 309
Phải bỏ qua những ồn ào ngoại giao giữa Nga và thế giới phương Tây mới nhìn thấy mong muốn thực sự của hai bên. Những ồn ào đó là việc Mỹ và châu Âu lên án Nga sáp nhập Crưm trên các diễn đàn quốc tế, từ Liên Hiệp Quốc (LHQ) đến Thượng đỉnh hạt nhân quốc tế tại Hà Lan; phương Tây liên tiếp đăng đàn cảnh báo sẽ gia tăng các biện pháp trừng phạt Nga; rồi việc họ loại Nga ra khỏi G8 vân vân và vân vân…
Phương Tây vừa bộc lộ mong muốn thực sự của mình qua phát biểu của Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 25/3. Tại cuộc gặp bên lề Hội nghị An ninh hạt nhân tại La Haye (Hà Lan) với đại diện 6 quốc gia trong nhóm G7 ông Obama đã “nói điều ấp ủ”: Mỹ và đồng minh tạm thời không tăng thêm các biện pháp trừng phạt nếu Moskva 1) Công nhận Chính phủ Kiev hiện nay, 2) Không mở rộng phạm vi can thiệp ngoài Crưm. Như vậy phương Tây có vẻ đã vạch ra được giới hạn cho Nga trong cuộc khủng hoảng Ukraina.
Tuyên bố trên của ông Obama cũng có thể được hiểu là phương Tây đã chấp thuận Crưm sáp nhập vào Nga. Thị trường chứng khoán quốc tế là nơi thể hiện rõ nhất và trung thực nhất những diễn biến chính trị thế giới. Quân bài tẩy của phương Tây vừa được lật ra đã khiến cổ phiếu Nga và đồng rúp tăng giá sau mấy ngày lao dốc do các biện pháp trừng phạt của Mỹ và châu Âu.
Biếm họa về cuộc đấu Nga - Mỹ
Về phía Nga, người ta đang cố đoán xem lá bài úp của Tổng thống Putin là gì. Để có thể biết được điều mong muốn của Nga tại Ukraina cần phải nhìn lại một cách hệ thống toàn bộ chiến lược bảo vệ lợi ích của Nga tại Crưm. Cuối tháng 2/2014, chính biến tại Ukraina đột ngột chuyển theo hướng bất lợi cho Nga: Tổng thống Yanukovich bị phe đối lập thân phương Tây lật đổ, lên nắm quyền, đe dọa sẽ xóa sạch dấu ấn Nga trên đất Ukraina. Lợi ích kinh tế, quân sự và địa chính trị của Nga tại đây vì thế bị lâm nguy.
Ngay lập tức một hiện tượng chưa từng có trong binh pháp hiện đại đã diễn ra: hàng nghìn lính “lạ” tràn vào kiểm soát vùng Crưm, nơi có đến trên 50% là người gốc Nga. Đến giữa tháng 3/2014, trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Nga gấp rút được tiến hành và việc Crưm “trở về” nước Nga được hoàn tất trong tuần trước. Một chiến dịch diễn ra nhanh gọn, hầu như không tốn một phát súng. Ai cũng biết những người lính lạ trên là binh lính Nga nhưng phương Tây cũng chả có bằng chứng gì để buộc tội một cách công khai rằng Nga đưa quân sang Ukraina.
Khi được hỏi thì phía Nga nói, đó là lực lượng dân quân tự vệ của Crưm. Nga chẳng dính dáng gì! Theo tính toán của Điện Kremlin, nếu một hành động thiếu cân nhắc kỹ lưỡng vào lúc đó có thể bùng phát thành biến cố lớn. “Lính lạ” là giải pháp an toàn nhất. Một nước cờ khiến Mỹ và châu Âu lúng túng.
Việc đưa “lính lạ” vào Ukraina của Nga là nhằm làm nguội những cái đầu nóng không chỉ ở Kiev, mà cả ở Washington và Brussels. Phó giám đốc Viện Nghiên cứu CIS Igor Shishkin cho biết: “Đây là một thông điệp rõ ràng cho chính phương Tây, rằng đã tới lúc nên chấm dứt sự xâm lược gián tiếp - chúng ta hãy gọi sự việc theo đúng tên. Sau khi Tổng thống Viktor Yanukovych từ chối ký thỏa thuận liên kết (với EU), những cơ chế vũ lực đã được vận dụng để lật đổ chính quyền hợp pháp, để bứt Ukraina khỏi Nga.
Nga đã nhiều lần đề nghị phương Tây ngừng làm như vậy, tiến hành thương lượng. Câu trả lời là bước tiếp theo của sự gây hấn. Lúc này, đã thể hiện rõ ràng một điều - tồn tại vạch đỏ giới hạn. Nga sẽ không cho phép bất cứ ai vượt qua giới hạn đó. Đây là lúc cần thiết dừng lại, ngồi vào bàn thương lượng và đàm phán lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị.
Chỉ như vậy, tình hình mới có thể dịu bớt, sau đó tổ chức cuộc bầu cử dân chủ trung thực, không phải dưới họng súng của “bộ phận cánh hữu” mà là hoạt động giám sát quốc tế, làm xuất hiện một chính quyền mới. Chính phủ hiện nay ở Ukraina là chính phủ của những kẻ nổi dậy”.
Sau khi Crưm hoàn tất việc sáp nhập vào Nga, giới quan sát quốc tế đang đưa ra nhiều dự đoán về hành động tiếp theo cũng như mục đích cuối cùng của Điện Kremlin trong vụ khủng hoảng Ukraina là gì?
Trong những ngày qua, thông tin dồn dập về việc Nga đưa quân tới biên giới Ukraina, tập trận ở khu tự trị Transnistria của Moldova, đã khiến nhiều phương tiện truyền thông phương Tây cho là Nga đang chuẩn bị một cuộc can thiệp sâu hơn nữa vào Ukraina và xa hơn nữa vào các vùng tự trị ở các nước thuộc Liên Xô cũ. Binh lính Nga đã tập trung sát biên giới phía đông Ukraina.
Báo Le Monde của Pháp viết: “Gót giầy của quân Nga rất có thể sẽ tiến tới cả những thành phố khác của Ukraina như Donetsk, Kharkov, Lougansk hay thậm chí Odessa”.
Le Monde dẫn lời ông Serguei Markov, một nhà chính trị học, kêu gọi trên Đài Phát thanh Kommersant: “Cần phải giải phóng miền Đông và Nam Ukraina khỏi nỗi kinh hoảng của quốc xã”. Tờ báo cũng ghi nhận thấy rõ là những hình ảnh được phát đi liên tục trong những ngày qua trên truyền hình Nga là những cảnh đất nước đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công lớn: nào là những hình ảnh lính dù tập đổ bộ tại Rostov và Ivanovo, tập bắn pháo ở biên giới Ukraina, thiết bị quân sự được chuyển bằng tàu hỏa từ Siberi....
Về mặt chính thức thì Nga phủ nhận điều này. Ngày 23/3, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga, ông Anatoli Antonov, được Interfax trích dẫn, tuyên bố: “Bộ Quốc phòng Nga tôn trọng các hiệp ước về việc giới hạn số lượng binh sĩ trong các khu vực có đường biên giới với Ukraina và lực lượng vũ trang Nga không tiến hành bất kỳ hoạt động quân sự nào mà không tuyên bố, có thể đe dọa an ninh của các quốc gia láng giềng”. Moskva đưa ra thông tin cải chính này sau khi Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia và quốc phòng Ukraina Andrii Paroubii tuyên bố rằng, quân đội Nga đã sẵn sàng tấn công Ukraina bất kỳ lúc nào và khẳng định Nga tập trung quân sát đường biên giới chung giữa hai nước.
Rõ ràng là một cuộc chiến tranh đang được chuẩn bị còn có nổ ra hay không phụ thuộc vào kế hoạch của Tổng thống Putin. Vậy kế hoạch của ông Putin là gì? Ông Putin chưa lật lá bài tẩy của mình. Các chuyên gia cho rằng, Crưm mới chỉ là màn đầu tiên, màn hai trong ván bài của Tổng thống Nga sẽ được diễn ra tùy thuộc vào sự phản ứng của phương Tây và thái độ của chính quyền Kiev. Về vế thứ nhất trong đòi hỏi của Mỹ, Nga sẽ không công nhận tính hợp pháp của chính quyền Ukraina hiện nay vì cho rằng đó là một chính phủ “phát xít” sau khi lật đổ ông Yanukovich bằng vũ lực.
Các chuyên gia dự đoán, Nga sẽ chỉ công nhận chính phủ này nếu họ không được bén mảng tới phương Tây, cũng không nhất thiết phải đứng hẳn về phía Moskva, mà nên là trung lập vốn như những chính phủ trước. Vế thứ hai trong đòi hỏi của Mỹ: Nga không được can thiệp sâu hơn vào miền Nam và Đông của Ukraina, gây chia cắt đất nước này. Để Nga chấp thuận đề nghị này, 1) Phương Tây không nên đưa ra những biện pháp trừng phạt mạnh tay hơn với Moskva, 2) Tùy thuộc vào thái độ hợp tác của chính quyền Kiev. Như vậy có thể thấy, mẫu số chung cho giải pháp giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay giữa Nga và phương Tây là Ukraina nên đứng trung dung.
Jean Radvany, chuyên gia về Nga của Viện Ngôn ngữ và Văn minh Phương đông Pháp (Inalco) nhận định: “Nếu Ukraina gia nhập NATO, nước Nga sẽ ủng hộ tiến hành trưng cầu dân ý ở miền Đông đất nước. Việc buộc người Ukraina phải lựa chọn giữa một bên là Nga và một bên là phương Tây đã dẫn tới cuộc khủng hoảng hiện nay. Sự xuống thang chỉ có, khi Ukraina trở nên trung lập”.
Thomas Gomart thuộc Viện Quan hệ quốc tế Pháp nhận định: “Ông Putin biết là không thể phủ nhận nền độc lập Ukraina nhưng ông ta chỉ dung thứ một nền độc lập có giới hạn”. Nhà nghiên cứu này cho biết thêm: “Bằng cách từ chối trả lời đòi hỏi của phương Tây, Tổng thống Putin đang khôn khéo giữ lá bài tẩy của mình”. Đó là bằng chứng cho thấy Điện Kremlin vẫn nắm trong tay số phận của người láng giềng Ukraina trước sự bất lực của Mỹ và châu Âu.
Qua vụ Ukraina, một chuyên gia phương Tây phải thốt lên rằng: “Người Nga là những kỳ thủ tuyệt vời, họ dự báo trước tất cả các nước đi của đối thủ và không lộ ra chiến lược của mình”.
Lối thoát cho cuộc khủng hoảng Nga - phương Tây vừa xuất hiện khi Tổng thống Putin hé lộ quan bài tẩy của mình sau cuộc điện đàm với Tổng thống Obama ngày 28/3. Trong cuộc nói chuyện qua điện thoại, hai nhà lãnh đạo đã bàn thảo giải pháp ngoại giao nhằm giảm căng thẳng cho cuộc khủng hoảng Ukraina. Điện Kremlin cho biết, nhà lãnh đạo Nga đã nhắc nhở người đứng đầu chính quyền Mỹ thực trạng tiếp diễn lan tràn sự lộng hành của bọn cực đoan không bị trừng phạt, thực hiện những hành động tấn công và đe dọa làm cư dân hoảng sợ.
Tổng thống Nga cũng đã lưu ý đến thực tế vòng phong tỏa bên ngoài Pridnestrovie (khu vực tự trị Moldova, nơi Nga có quân đồn trú), gây hệ lụy phức tạp khó khăn rõ rệt với điều kiện sống của người dân trong khu vực. Trước đó, theo đề xuất của Mỹ, vốn đã qua thảo luận với Ukraina và các quốc gia EU, giải pháp ngoại giao sẽ bao gồm việc triển khai các quan sát viên quốc tế để bảo đảm quyền lợi của cộng đồng nói tiếng Nga tại Ukraina. Đổi lại, Nga phải công nhận chính phủ Kiev cũng như rút quân từ Crưm về căn cứ.
Sau cuộc điện đàm đêm 28/3 giữa hai nguyên thủ Nga và Mỹ, Ngoại trưởng Mỹ đang bay về từ Trung Đông đã phải quay ngoắt máy bay để sang Pháp gặp đồng nhiệm Nga Lavrov thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Ukraina.
Giới truyền thông phương Tây bình luận rằng, hành động tự ý gọi điện thoại của Tổng thống Putin đã cho thấy, ông đang muốn tránh một cuộc phong tỏa kinh tế có thể leo thang từng bước một trong thời gian tới. Kế nữa, ông Putin cũng lo ngại tình trạng dân Ukraina và các nước thuộc khối Liên Xô cũ đang nghiêng về phía phương Tây.
Từ đó, Liên minh châu Âu có thể thu hút được nhiều nước mới ở phía đông hơn, để tạo thành một khối lớn có quyền lợi đối lập ngay bên cạnh Nga. Và cuối cùng, vụ khủng hoảng Ukraina đã đẩy châu Âu và Mỹ gần nhau hơn. Đây là điều Nga không mong muốn.
H.P
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét