(baodautu.vn) “Thay mặt cho nhân dân vùng Dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A cũng như người dân vùng hạ du sông Đồng Nai, tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã mạnh dạn loại bỏ 2 dự án gây tai tiếng này ra khỏi quy hoạch”, Đại biểu tỉnh Đồng Nai, ông Trương Văn Vở phát biểu tại Hội trường chiều 13/11 khi thảo luận về Quy hoạch thủy điện.
>>> Hồ chứa nước thủy điện không phải là trò chơi
>>> Thủy điện Đồng Nai 6 và 6A chưa được phê duyệt
Tại nhiều kỳ họp trước, hầu như lần nào thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương, ông Trương Văn Vở và nhiều đại biểu Quốc hội đều nêu vấn đề Dự án Thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, sinh hoạt, hoạt động sản xuất - kinh doanh, sự an toàn của người dân quanh vùng 2 dự án này cũng như người dân hạ du sông Đồng Nai.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai, ông Trương Văn Vở |
Thế nhưng, tiếng nói của các đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai vẫn chưa được tiếp thu cho đến trước khi Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo (ngày 21 tháng 5 năm 2013) loại khỏi quy hoạch tổng số 405 dự án thủy điện (DATĐ) với tổng công suất 1.247,6 MW và không đưa vào quy hoạch 172 vị trí tiềm năng thủy điện nhỏ với công suất 375,7 MW.
Đánh giá cao quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nhưng ông Vở vẫn chưa thực sự hài lòng khi đề nghị phải xử lý trách nhiệm các bộ ngành, địa phương trong việc xây dựng quy hoạch thủy điện.
Việc xây dựng quy hoạch nói chung, quy hoạch thủy điện nói riêng kém chất lượng, gây lãng phí cho xã hội, theo ông Vở cần phải xử lý nghiêm để giảm bức xúc cho người dân vùng quy hoạch và tránh lãng phí tài sản của xã hội do quy hoạch kém chất lượng.
“Để chấm dứt tình trạng quy hoạch thủy điện phải sửa đổi, bổ sung liên tục, tôi đề nghị, Quốc hội ban hành nghị quyết nêu rõ không đưa vào quy hoạch đối với 4 DATĐ bậc thang và 132 DATĐ nhỏ được Chính phủ dự kiến đầu tư xây dựng sau năm 2015 nếu đảm bảo hiệu quả, giảm thiểu tác động tiêu cực đối với môi trường - xã hội”, ông Vở đề nghị.
Đại diện cho cử tri có nhiều DATĐ nhỏ (tỉnh Phú Yên), Đại biểu Nguyễn Thái Học tỏ ra rất lo lắng cho sự an nguy của người dân trong vùng thủy điện khi Báo cáo thẩm tra Kết quả rà soát quy hoạch thủy điện do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thực hiện khẳng định: Công tác quản lý an toàn tại các công trình thủy điện nhỏ chưa thực sự tuân thủ nghiêm ngặt theo quy định của pháp luật, tiềm ẩn nhiều rủi ro khó lường; gần 30% số đập chưa được kiểm định; khoảng 66% đập chưa có phương án bảo vệ được phê duyệt; gần 55% số chủ đập chưa có phương án phòng chống lụt bão”.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên, ông Nguyễn Thái Học |
“Vì sao lại có tình trạng này? Là vì trong cả thời gian dài vừa qua chúng ta xây dựng thủy điện nhỏ theo “phong trào”, “người người làm thủy điện, nhà nhà làm thủy điện”, doanh nghiệp nào cũng muốn đầu tư vào thủy điện trong khi công tác quản lý không theo kịp thực tế. Nhiều DATĐ không đạt các mục tiêu đặt ra ngoài lợi nhuận của nhà đầu tư”, ông Học bức xúc.
“Doanh nghiệp đầu tư vào thủy điện chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà quên mất nghĩa vụ của mình” là câu được nhiều đại biểu Quốc hội nhắc đến vào chiều nay.
Ông Nguyễn Thái Học dẫn chứng, tỷ lệ người dân tại khu vực thủy điện và người dân phải nhường đất đai, nhà cửa để cho doanh nghiệp xây dựng hồ chứa nước phục vụ thủy điện hiện chiếm trên 36% - gấp 3 lần tỷ lệ nghèo bình quân của cả nước.
“Hơn 40 năm trước, 30 ngàn hộ dân đã phải di dời để xây dựng Thủy điện Thác Bà, vậy mà đến giờ này, hơn 10 ngàn hộ dân vẫn không biết bao giờ mình mới có điện để… thắp sáng”, Đại biểu tỉnh Yên Bái, ông Nguyễn Công Bình phát biểu đồng tình với nhận định “Doanh nghiệp thủy điện cả lớn lẫn nhỏ đều cố tình phớt lờ trách nhiệm của mình”.
Cùng quan điểm này, Đại biểu tỉnh Hòa Bình, bà Bạch Thị Hương Thủy dẫn chứng: “Nhà máy Thủy điện lớn nhất một thời (Thủy điện Hòa Bình) đã đưa vào vận hành hơn 30 năm nhưng vẫn còn trên 50% số người dân hiến đất làm thủy điện chưa thoát khỏi cảnh “chạy ăn” khi giáp hạt”.
“Nếu không có các giải pháp hữu hiệu để hỗ trợ thì người dân hiến nhà đất cho nguồn điện quốc gia đến cái ăn, cái mặc còn thiếu chứ đừng mong gì thoát nghèo”, Đại biểu Ly Kiều Vân phát biểu và bày tỏ thái độ bất bình trước việc nhiều doanh nghiệp chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà quên mất nghĩa vụ phải thực hiện khiến nhiều khu vực dân cư rất nguy hiểm mỗi khi mùa mưa bão đến vì phải sống dưới “quả bom nước”.
“Ai cũng thấy xót xa khi chỉ qua một đêm hàng chục ngàn hộ dân ở hạ du bị mất hết nhà cửa, ruộng vườn, tài sản do nhà máy thủy điện xả lũ khiến lũ chồng lên lũ”, Đại biểu tỉnh Quảng Ngãi, bà Đinh Thị Phương Lan xót xa.
Với chất lượng của các đập hồ chứa nước như hiện nay, theo bà Lan, nếu không có quy định doanh nghiệp phải dành khoản kinh phí thích đáng để gia cố đập chứa nước hàng năm thì thảm họa “nhân tai” có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Hiện cả nước có 815 nhà máy thủy điện đang vận hành với công suất 14.240MW đóng góp 48,26% công suất và 43,9% lượng điện cho hệ thống điện và nộp vào ngân sách nhà nước 6.500 tỷ đồng tiền thuế, phí các loại/năm.
“Chúng ta phải trả cái giá quá đắt để có 1 MW giờ điện. Chúng ta cũng phải trả một cái giá không tương xứng để thu được 1 đồng cho ngân sách từ thủy điện”, bà Lan nhận định và đề nghị xem lại phí bảo vệ môi trường đối với thủy điện. “Giá bán điện tăng liên tục trong nhiều năm trở lại đây trong khi phí bảo vệ môi trường vẫn chỉ thu 20 đồng/kWh” là hết sức phi lý, bà Lan bình luận.
Mạnh Bôn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét