Theo nhà lãnh đạo Nga, thay vì dự án này, Nga dự kiến đưa dự trữ năng lượng của mình sang các khu vực khác.
Theo kế hoạch, đường ống "Dòng chảy phương Nam" chạy dưới lòng Biển Đen và sau đó qua lãnh thổ Bulgaria, Serbia, Hungary, Áo và Hy Lạp. Mục tiêu chính của dự án là để cho các nước ở miền Nam châu Âu khỏi phụ thuộc vào việc trung chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine.
Lúc đầu, dự án "Dòng chảy phương Nam" đã được châu Âu phê duyệt, nhưng bị Ủy ban châu Âu ngăn cản. Và khi khủng hoảng Ukraine xảy ra, dự án hoàn toàn bị dừng lại.
Nếu châu Âu không cần đến "Dòng chảy phương Nam", Moscow sẽ không nài ép. Trong bối cảnh đó, Nga sẽ không tiếp tục dự án, tổng thống Vladimir Putin cho biết tại cuộc họp báo ở Ankara.
“Đối với "Dòng chảy phương Nam", Ủy ban châu Âu đã không có quan điểm xây dựng. Trong thực tế, Ủy ban đã không giúp đỡ cho dự án này, chúng ta thấy rằng những rào cản đã được dựng lên để cản trở việc thực thi dự án. Nếu châu Âu không muốn thực hiện - vậy thì dự án đó sẽ không được thực hiện nữa. Chúng tôi tập trung dòng chảy năng lượng của chúng tôi tới các khu vực khác trên thế giới, bao gồm cả dự án thúc đẩy nhanh chóng hóa lỏng khí thiên nhiên. Chúng tôi sẽ đẩy mạnh vào các thị trường khác”, ông Putin nói.
Nga sẽ hướng dòng chảy năng lượng của mình vào thị trường nào, điều đó được biết đến chỉ một vài phút sau tuyên bố của Tổng thống Nga. Chủ tịch Hội đồng quản trị Gazprom, ông Alexei Miller công bố kế hoạch xây dựng ở Thổ Nhĩ Kỳ một đường ống dẫn khí công suất tương tự - với triển vọng vào biên giới của Liên minh châu Âu. Thoạt đầu, giải pháp có vẻ bất ngờ, dù sao đi nữa Nga đã mất tiền đầu tư vào dự án "Dòng chảy phương Nam".
Tuy nhiên, hầu hết các chi phí sẽ được hoàn trả với hướng xuất khẩu mới. Nhà phân tích đầu tư Nikolai Podlevskikh cho biết: “Châu Âu muốn chúng tôi xây dựng "Dòng chảy phương Nam" theo điều kiện riêng mà họ đặt ra. Nhưng bây giờ một quyết định chính trị được đưa ra, kết quả là khí đốt sẽ không đi qua Bulgaria, mà qua Thổ Nhĩ Kỳ. Ở đây có một số ưu điểm và nhược điểm. Quốc gia chính bị thiệt hại do thay đổi tuyến đường ống tất nhiên là Bulgaria.
Chỉ riêng về doanh thu trung chuyển, Bulgaria sẽ không nhận được 400 triệu euro/năm, đó là một con số lớn đối với một nước nghèo như vậy. Gazprom cũng bị thiệt. Nhưng những chi phí mà tập đoàn Nga đã phải chi ra cho việc xây dựng tuyến đường ống phía Nam sẽ được hoàn trả, vì đó chính là tuyến đường ống sẽ được sử dụng để đưa khí đốt sang Thổ Nhĩ Kỳ”.
Hơn nữa, đường ống khí đốt không phải là một ưu tiên đối với nước Nga. Nhiều chuyên gia cho rằng, xuất phát từ thực tế là Tổng thống Putin đã nói chuyện và hành động trong bối cảnh chuyển hướng dự trữ năng lượng tới châu Á. Điều đó là đúng đắn, bởi vì cần phải hướng các nguồn lực đến nơi có nhu cầu ngày càng tăng, tức là nơi mà nền kinh tế sẽ tăng trưởng. Khác với châu Âu, kinh tế của châu Á sẽ phát triển nhanh chóng.
Các chuyên gia nhất trí rằng sẽ không có rủi ro kinh tế nào xảy ra với Nga trong việc từ bỏ "Dòng chảy phương Nam". Hơn nữa, dự án được thiết kế chủ yếu để giảm thiểu rủi ro cho khách hàng châu Âu, đã phải trải qua những khó khăn về dầu khí do phải trung chuyển qua lãnh thổ Ukraine.
THÚY HÀ