Thái Lan vẫn thể hiện vị trí số 1 thể thao Đông Nam Á bất chấp SEA Games 27 chủ nhà chơi kiểu gì. Trong khi đó đoàn thể thao Việt Nam nỗ lực bảo vệ vị trí thứ ba khu vực giống SEA Games trước tại Indonesia.
SEA Games 27 số HCV ít hơn hẳn SEA Games 26 năm 2011 vì hai năm trước tại Indonesia thi đấu nhiều nội dung hơn (545 nội dung thuộc 44 bộ môn) trong khi Myanmar lần này chỉ trao 446 bộ huy chương của 37 môn.
SEA Games năm nay, Thái Lan là quốc gia dẫn đầu trong môn thể thao “vua” (bóng đá) và cả “nữ hoàng” (điền kinh). Riêng điền kinh đã giành được đến 17 HCV (trong tổng số 46 HCV), xếp trên điền kinh Việt Nam (10 HCV).
Trong lúc đó chủ nhà Myanmar dù có nhiều môn lấy huy chương bằng mọi giá lẫn việc đưa môn thể thao lạ vào cùng việc chèn ép nhiều VĐV quốc gia khác qua sự chấm điểm kỳ quặc của trọng tài nhưng vẫn không thể giành vị trí nhất toàn đoàn. Tuy nhiên, việc từ hạng bảy SEA Games trước nhảy vọt lên hạng nhì SEA Games này là một bước tiến thần kỳ mà chỉ có chủ nhà mới “làm” được.
Rất nhiều môn tính điểm theo cảm tính khiến nhiều VĐV rèn luyện mấy năm trời bị mất huy chương oan ức. Ảnh: ANH PHƯƠNG
Philippines năm nay tuột xuống một hạng phần do trước đó Ủy ban Olympic nước này phản đối việc Myanmar loại hai môn Olympic là quần vợt và thể dục dụng cụ nên tính tẩy chay. Vì vậy khi được “hòa giải” Philippines vẫn không tha thiết tranh chấp huy chương nên chỉ gửi đến một đoàn vận động viên được xem là ít nhất kể từ năm 1999 đến nay.
Với Malaysia, Singapore, Lào, Campuchia, Đông Timor xem như ổn định vị trí cũ. Đặc biệt Brunei lần đầu tiên giành được 1 HCV.
SEA Games đến nay vẫn chưa thoát khỏi “ao làng” bởi cách làm và cách nhìn SEA Games là nơi báo cáo thành tích của chủ nhà và là nơi để giành nhau leo lên bằng mọi giá chứ không theo tinh thần Olympic và tinh thần thể thao cao thượng.
Thất bại của SEA Games là không có kỷ lục châu Á nào được thiết lập mà chỉ tám kỷ lục “nội bộ” cùng nhiều VĐV khóc ròng vì bị cướp huy chương.
Cho nên một lần nữa đành ngóng cổ trông chờ vào năm 2015 trên đất Singapore mà đảo quốc này đã tuyên bố chỉ chơi môn trong hệ thống Olympic và chơi sòng phẳng chứ không gian lận để lấy huy chương bằng mọi giá.
Điền kinh Việt Nam giữa tính và thực Điền kinh Việt Nam đã xong nghĩa vụ SEA Games 27 với thành tích đoạt 10 HCV. Khi điền kinh chưa vào cuộc, Trưởng bộ môn Dương Đức Thủy rất tự tin và chắc mẩm với lực lượng dồi dào, các VĐV sẽ đoạt 10-12 HCV như đăng ký nhưng vẫn để ngỏ rất lớn khả năng sẽ vượt qua chính mình lẫn tiếp cận với chỉ tiêu 15 HCV của đội mạnh Thái Lan. Thực tế nếu không có những trục trặc ngoài ý muốn, điền kinh Việt Nam sẽ lấy hơn 10 HCV nhằm vượt chỉ tiêu. Thế nhưng cũng có những nội dung mà điền kinh tin chắc có vàng thì rốt cuộc lại để vàng rơi vì thiếu thông tin và đánh giá không đúng đối thủ. Tiếc nhất là Quách Thị Lan bị vuột mất chiếc HCV 400 m rào khi thành tích của chị tiệm cận tốp ba châu Á nhưng chúng ta lại không biết và không tính đến chiến dịch nuôi gà chọi của Thái Lan với nhà vô địch mới Winatho. ĐĂNG HUY |
HUY KHANH