Trong 3 hạm đội của Hải quân Trung Quốc, Hạm đội Nam Hải và Đông Hải được xem là 2 lực lượng quan trọng nhất trong chiến lược hướng ra biển lớn của Bắc Kinh. Trong khi hạm đội Đông Hải đảm đương nhiệm vụ vượt ra khỏi biển Hoa Đông thì Hạm đội Nam Hải có nhiệm vụ độc chiếm Biển Đông.
Để phục vụ cho nhiệm vụ độc chiếm Biển Đông, Hạm đội Nam Hải được biên chế rất nhiều loại tàu chiến mới nhất của công nghiệp đóng tàu Trung Quốc như tàu khu trục phòng không Type 052C, tàu khu trục nhỏ Type 054A, Type 056, tàu đổ bộ khủng Type 071 lớp Ngọc Chiêu.
Một hang động (trong ngoặc đỏ) cho tàu ngầm trú ẩn tại căn cứ Ngọc Lâm trên đảo Hải Nam.
Đặc biệt là loại tàu ngầm hạt nhân chiến lược mới nhất của Trung Quốc là Type 094 được biên chế hoạt động tại Hạm đội Nam Hải. Bên cạnh việc tăng cường trang bị, việc xây dựng các căn cứ cho tàu thuyền neo đậu cũng trở nên hết sức quan trọng.
Năm 2008, Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ FAS đã tiết lộ một thông tin động trời về lực lượng Hải quân Trung Quốc trên đảo Hải Nam. Theo đó căn cứ Ngọc Lâm đã được xây dựng thành cơ sở neo đậu chuyên dụng cho các tàu ngầm hạt nhân chiến lược.
Hàng loạt các hang động ngầm đã được xây dựng tại căn cứ Ngọc Lâm có khả năng chứa tới 20 tàu ngầm hạt nhân chiến lược bên trong nhằm tránh các biện pháp do thám bằng vệ tinh của đối phương. Theo các bức ảnh vệ tinh được FAS công bố, ít nhất có 2 tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094 lớp Tấn đã được triển khai hoạt động tại căn cứ này.
Đến cuối năm 2011, các nguồn tin chưa được xác nhận cho thấy có khoảng 4 tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094 đã xuất hiện tại căn cứ Ngọc Lâm. Đây sẽ là căn cứ chính cho lực lượng tàu ngầm hạt nhân chiến lược Trung Quốc trong tương lai.
Cửa của một hang động chụp từ vệ tinh do Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ công bố vào năm 2008 đã gây chấn động cả khu vực châu Á.
Với quy mô xây dựng lớn như vậy, nhiều khả năng toàn bộ sức mạnh răn đe hạt nhân trên biển của Trung Quốc sẽ tập trung tại căn cứ Ngọc Lâm. Động thái này tiếp tục cho thấy quyết tâm của Trung Quốc trong việc đạt được mưu đồ kiểm soát hoàn toàn Biển Đông.
Biển Đông được xem là khu vực có mật độ tàu ngầm hoạt động nhộn nhịp hàng đầu thế giới, việc lực lượng tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Trung Quốc tập trung về đây có thể thấy rằng họ xem đây là một khu vực mang tầm chiến lược đối với các kế hoạch của họ.
Các tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 094 được trang bị tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm JL-2 tầm bắn 8.000km có thể tiến hành các hoạt động tấn công mà không đi quá xa so với cảng nhà. Hàng loạt các hang động lớn sẽ cho phép họ triển khai lực lượng một cách bí mật nhằm tránh các biện pháp do thám của đối phương.
Một số nguồn tin chưa được xác nhận cho biết, bên trong các hang động có cả các cơ sở để tiến hành sửa chữa, bảo trì cho tàu ngầm khi cần thiết mà không cần phải trở về các nhà máy đóng tàu ở ven biển. Bên cạnh các hang động dưới nước, một loạt các cơ sở ngầm trên bờ cũng đã được xây dựng tại đây.
Các cơ sở để khử từ trường cho tàu ngầm cũng đã được xây dựng, việc khử từ sẽ cho phép làm giảm độ ồn từ tính của tàu ngầm, giúp tàu khó bị phát hiện bởi các biện pháp trinh sát phát hiện tàu ngầm thông qua việc đo từ trường trái đất.
Ngoài ra, 2 cầu tàu có chiều dài tới 950 mét cùng 3 cầu tàu khác nhỏ hơn có khả năng tiếp nhận 2 tàu sân bay hoặc một nhóm tàu tấn công đổ bộ cùng lúc. Căn cứ Ngọc Lâm được xem là một địa điểm chiến lược đối với Hải quân Trung Quốc và cả khu vực Biển Đông.
Hàng năm có hơn một nửa lượng tàu thương mại thế giới đi qua eo biển Malaca, eo biển Sunda và eo biển Lombok, phần lớn trong số đó đi vào Biển Đông. Lưu lượng tàu chở dầu qua eo biển Malaca vào Biển Đông lớn hơn đi qua kênh đào Suez gấp 3 lần, lớn hơn đến gấp 5 lần so với kênh đào Panama.
Ngọc Lâm là căn cứ tàu ngầm lớn nhất của Hải quân Trung Quốc, nơi đây sẽ tập trung sức mạnh răn đe hạt nhân trên biển của Trung Quốc, phục vụ âm mưu bá quyền ở Biển Đông
Căn cứ hải quân Ngọc Lâm trên đảo Hải Nam sẽ cho phép Trung Quốc đặt nền móng vững chắc lên Biển Đông, làm bàn đạp cho âm mưu độc chiếm khu vực này, kiểm soát tuyến vận tải biển chiến lược qua eo biển Malaca.
Khi thông tin về căn cứ tàu ngầm trên đảo Hải Nam được FAS tiết lộ, Ấn Độ đã xem đây là một mối đe dọa đối với an ninh của họ. Từ cơ sở tại Ngọc Lâm, lực lượng tàu ngầm hạt nhân chiến lược Trung Quốc có thể tiến xuống eo biển Malaca, từ đó tiến vào Ấn Độ Dương, nơi vốn được xem là sân nhà của Ấn Độ.
Tuy nhiên, một số chuyên gia quân sự tỏ ra hoài nghi về khả năng hoạt động của hạm đội tàu ngầm Trung Quốc tại Biển Đông. Nơi đây họ sẽ phải chạm trán với quá nhiều tàu ngầm của Mỹ cùng một số quốc gia khác, khả năng đe dọa Ấn Độ Dương mới chỉ ở mức tiềm tàng mà thôi.
Bài vở và ý kiến đóng góp cho chuyên mục vui lòng gửi về email: quansu@soha.vn. Trân trọng!