Theo Báo cáo của Bộ Quốc phòng, trong 7 tháng đầu năm, tình hình tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp trên các tuyến biên giới, vùng biển và trong nội địa. Nổi lên là tình trạng mua bán, vận chuyển ma túy, mua bán người, buôn bán vũ khí, vật liệu nổ, xuất cảnh trái phép, buôn lậu, vận chuyển trái phép các mặt hàng như than, quặng, xăng dầu, thuốc lá, ngoại tệ, kim loại quý và hàng tiêu dùng với nhiều thủ đoạn tinh vi.
Cũng trong 7 tháng đầu năm, trên tuyến biên giới đất liền và trên biển các lực lượng của Bộ Quốc phòng đã tiến hành kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ và xử lý 1.472 vụ/1.278 đối tượng, tăng 466 vụ/313 đối tượng; kiểm tra 403 lượt tàu thuyền và phạt hành chính 355 tàu vi phạm; khởi tố 23 vụ/36 đối tượng; xử phạt vi phạm hành chính 675 vụ/686 đối tượng; thu nộp ngân sách 114 tỷ đồng.
Trung tướng Phạm Đình Giang, Chánh Thanh tra Bộ Quốc phòng cho rằng một trong những nhiệm vụ thời gian tới cần làm tốt kiểm tra, giám sát của các cấp cũng như nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sỹ, quản lý chặt chẽ nội bộ, không để cán bộ bị các đối tương buôn lậu câu móc, dụ dỗ, mua chuộc.
Đặc biệt, cần chú trọng kiểm tra, rà soát, quản lý chặt chẽ hệ thống kho hàng, bến cảng,… không để các đối tượng buôn lậu lợi dụng để chứa, giữ hoặc làm nơi trung chuyển hàng buôn lậu.
Tư lệnh Cảnh sát biển Nguyễn Quang Đạm cho rằng nên rà soát lại các công ty tư nhân kinh doanh các loại than, quặng tại một số điểm nóng như Móng Cái, bởi với một thành phố nhỏ như vậy mà có hàng trăm công ty kinh doanh than, quặng mà trong đó có không ít “công ty ma”; xem xét lại chính sách tạm nhập tái xuất không chính ngạch với việc kiểm tra chặt chẽ của các cơ quan ngành.
Để chống việc “chạy chọt” của các đối tượng vi phạm, khi bắt giữ các vụ vi phạm cần công khai ngay cho báo chí để nhân dân và cơ quan chức năng nắm được, qua đó giám sát, theo dõi.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho rằng, bên cạnh việc chống buôn lậu ở khu vực biên giới, cũng cần tập trung “đánh mạnh” trong nội địa với các chủ đầu nậu lớn ở các tỉnh như Quảng Ninh, Lạng Sơn, Hà Nội, Bắc Ninh…
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đòi hỏi việc xây dựng đội ngũ hiện đại, chính quy, đề cao tránh nhiệm thực thi nhiệm vụ của mỗi cán bộ, chiến sỹ, đồng thời cũng làm rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân trong việc để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn quản lý. Mặt khác, cần kiểm tra và xử lý nghiêm minh đối với những cán bộ, chiến sỹ tiếp tay, dung túng, bao che cho buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
Phó Thủ tướng cho rằng, tình trạng buôn lậu xăng dầu, khoáng sản, hàng điện tử, rượu bia, thuốc lá trên các tuyến biên giới vẫn diễn biến phức tạp trong khi phương tiện, điều kiện, nhân lực còn nhiều bất cập. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng lãnh đạo một số địa phương, đơn vị chưa nhận thức đầy đủ tác hại của buôn lậu; có trường hợp xử lý cán bộ sai phạm chưa kịp thời hoặc còn tình trạng lợi ích cục bộ địa phương; tuyên truyền chưa sâu rộng đến các tầng lớp nhất là cư dân biên giới; trình độ năng lực của cán bộ còn yếu, kiểm tra nội bộ chưa kịp thời để phát hiện và xử lý cán bộ tiếp tay, bao che cho đối tượng buôn lậu…
Mặt khác, việc phát hiện đường dây, ổ nhóm buôn lậu còn ít, chưa tập trung vào một số địa bàn trọng điểm về ma túy, buôn lậu như Sơn La, Hòa Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng...
Về giải pháp, Phó Thủ tướng nêu rõ đây là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên của toàn hệ thống chính trị và toàn quân nên cần rà soát, kiến nghị sửa đổi chính sách, thể chế, bộ máy nhằm khắc phục những bất cập, sơ hở chính sách trong công tác chống buôn lậu.
Đồng thời, tăng cường tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn buôn lậu trên các tuyến biên giới, đường ngang và lối mở; nâng cao tinh thần trách nhiệm, chống tiêu cực, tham nhũng trong cán bộ, chiến sỹ; có cơ chế khuyến khích cán bộ, chiến sỹ; đề cao vai trò người đứng đầu đơn vị với quyết tâm cụ thể là nếu người đứng đầu đơn vị nào để xảy ra buôn lậu, gian lận thương mại thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm.
Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các đơn vị phải làm tốt công tác dự báo tình hình để phòng ngừa cũng như tập trung truy quét các đầu nậu cả khu vực biên giới lẫn trong nội địa; khẩn trương điều tra, truy tố, xét xử các đối tượng vi phạm; các địa phương cần nhận thức rõ không vì lợi ích cục bộ mà không coi trọng chống buôn lậu và cũng cần tuyên truyền tốt hơn trong nhân dân đối với công tác này.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét