Trên đây là những nhận định chung của giới phân tích về cuộc khủng hoảng Ukraine, vốn đã phức tạp ngay từ đầu, giờ càng lún sâu vào bế tắc.
Ngay từ đầu cuộc khủng hoảng Ukraine mà cao điểm là từ khi được quốc tế hoá sau vụ sáp nhập Crimea vào Nga, Tổng thống Nga Vladimir Ptin đã sử dụng nhiều chiến thuật để đối phó với những đòn trừng phạt của phương Tây. Trong đó, tổng thống Nga đã khôn khéo chia rẽ các nước trong Liên hiệp châu Âu, đặc biệt là thái độ dè dặt của Đức, nước có có nhiều lợi ích nhất trong quan hệ làm ăn với Nga.
Tuy nhiên, diễn biến mới bất ngờ xảy ra hôm 17/7/2014 khi chuyến bay MH 17 của hàng không Malaysia bị rơi tại vùng miền đông Ukraine, mà nguyên nhân theo Kiev và Washington là do tên lửa của phe ly khai thân Nga bắn.
Sau biến cố khiến cho 298 người vô tội thiệt mạng đó, phương Tây không ngần ngại khẳng định Nga hậu thuẫn, cung cấp vũ khí cho phe nổi dậy tại Ukraine. Tiếp theo các cáo buộc trực diện nhắm vào Moscow, tuần qua, Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu đã nhất loạt tăng cường các biện pháp từng phạt đánh thẳng vào kinh tế của Nga. Phía Nga và phe ly khai Ukraine thì bác các cáo buộc trên.
Các biện pháp trừng phạt mới bắt đầu được áp dụng từ hôm qua (01/08), theo đó cấm ít nhất trong vòng ba tháng những ngân hàng lớn của Nga tiếp cận thị trường vốn của châu Âu, cấm vận bán vũ khí và một số thiết bị quan trọng cho ngành dầu khí đối với Nga.
Mục tiêu của các trừng phạt kinh tế mới đối với Nga là rõ ràng: Buộc Tổng thống Putin từ bỏ việc sáp nhập bán đảo Crimeae và chấm dứt sự ủng hộ về quân sự đối với phe ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine.
Hãy còn quá sớm để có thể đánh giá được hiệu quả của các biện pháp trừng phạt với Nga. Như chuyên gia chính trị Konstantin Kalatchev, lãnh đạo trung tâm phân tích Expert Politique nhận định: "Ngay tức thời, các biện pháp trừng phạt đó không buộc ông Putin thay đổi chính sách đối với Ukraine, nhưng về lâu về dài thì có thể".
Vẫn theo chuyên gia Kalatchev, cái khó cho ông Putin là kinh tế Nga lúc này đang đứng bên bờ suy thoái, "nếu như người dân trong nước bắt đầu cảm nhận được hệ lụy của các biện pháp trừng phạt" đè nặng lên cuộc sống của họ thì khi đó ông Putin sẽ mất đi rất nhiều điểm tín nhiệm trong dân chúng, trong khi mà chính quyền Nga phụ thuộc rất nhiều vào uy tín của ông Putin ở trong nước.
Quyết định sáp nhập Crimea về Nga và chính sách bảo vệ những người nói tiếng Nga cũng như phe ly khai thân Nga ở Ukraine đã giúp cho Tổng thống Nga có được 80% dư luận ủng hộ, một tỷ lệ được lòng dân lớn chưa từng có từ khi ông Putin lên nắm quyền lần đầu vào năm 2000.
Thế nhưng, đến giai đoạn này của cuộc khủng hoảng Ukraine, "ông Putin đang rơi tình thế khó khăn", như nhận định của nhà phân tích chính trị Nga bà Maria Lipman. Theo bà Lipman: "Nếu ông Putin không thay đổi chính sách, các trừng phạt sẽ nặng nề hơn. Ông ta đang cố xoay sở sao cho không bị cho là lùi bước. Nhưng phạm vi hành động của ông lại rất hạn hẹp".
Theo một cuộc thăm dò dư luận Nga công bố hôm 31/7, chỉ có 1/4 người dân ủng hộ một cuộc can thiệp trực tiếp của Nga vào Ukraine. Trong khi đó, phương Tây không ngừng hối thúc Moscow phải ngừng ngay sự ủng hộ quân sự đối với lực lượng ly khai thân Nga ở miền đông Ukraine trước khi tìm giải pháp cho khủng hoảng trên bàn ngoại giao.
Nếu như Tổng thống Nga đang đau đầu tìm lối thoát khỏi cuộc khủng hoảng Ukraine đang có chiều hướng ngày thêm nguy hiểm này, thì Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu cũng đang phải đối mặt với câu hỏi không dễ dàng là làm sao ngăn chặn được leo thang căng thẳng mà không bị mất mặt.
Nhật báo Anh The Independant mới đây đã tiết lộ một kế hoạch Nga – Đức đang được nghiên cứu, theo đó Nga bảo đảm an toàn biên giới Ukraine và cấp năng lượng cho châu Âu, đổi lại, quốc tế công nhận vụ sáp nhập Crimea vào Nga. Thông tin này đã bị Berlin phản bác ngay lập tức.
Nhà phân tích chính trị Lipman đặt vấn đề: "Cuộc xung đột ở Ukraine đang trở nên nghiêm trọng và nguy cơ bị quốc tế hoá là có thật. Phương Tây có phương tiện để gây thiệt hại cho nước Nga nhưng không thể làm chấm dứt cuộc chiến này mà không có mặt Nga. Vậy liệu phương Tây sẽ tạo cơ hội cho ông Putin để làm việc đó?".
Vấn đề mấu chốt hiện nay có lẽ nằm ở kết luận của các chuyên gia đang điều tra vụ chiếc máy bay số hiệu MH17 bị rơi. Ông Putin vẫn luôn cân nhắc thận trọng sự ủng hộ đối với phe ly khai thân Nga.
Nếu các nhà điều tra quy trách nhiệm cho phe ly khai trong vụ tai nạn của máy bay MH 17 thì đó sẽ là "một gánh nặng mà ông Putin không thể mang thêm được nữa. Vì các giá phải trả sẽ quá đắt, khi đó có lẽ ông Putin sẽ bỏ rơi phe ly khai", Andrei Kolesnikov, một trong số các nhà báo Nga hiểu rõ ông Putin nhận định.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét