Ngày 10-1, Bộ Ngoại giao Philippines tuyên bố bác bỏ quy định mới phi lý của tỉnh Hải Nam (áp dụng từ ngày 1-1) yêu cầu tàu cá nước ngoài phải xin phép Trung Quốc (TQ) nếu muốn đánh bắt hay khảo sát trong vùng biển mà tỉnh này tùy tiện cho rằng tỉnh đang quản lý (2/3 biển Đông).
Theo hãng tin GMA News (Philippines), Bộ Ngoại giao nước này cho rằng TQ đã gây leo thang căng thẳng, làm phức tạp tình hình biển Đông không cần thiết, đe dọa hòa bình và ổn định khu vực. Bộ Ngoại giao nhận định quy định mới nêu trên đã củng cố tuyên bố chủ quyền bành trướng của TQ ở biển Đông dựa theo đường chín đoạn (đường lưỡi bò) và như vậy đã vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS), đi ngược tinh thần Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông.
Bộ Ngoại giao ghi nhận quy định trên cũng vi phạm nghiêm trọng quyền tự do hàng hải và tự do đánh bắt của các nước ở khu vực biển cả (vùng biển quốc tế) như UNCLOS quy định và theo thông luật quốc tế, không nước nào có quyền xem khu vực biển cả thuộc chủ quyền nước mình.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã lên tiếng phê phán quy định mới của TQ là hành động khiêu khích và ẩn chứa nguy hiểm tiềm tàng. Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định lập trường của Mỹ là các bên liên quan phải tránh bất kỳ hành động đơn phương nào gây căng thẳng và làm tổn hại triển vọng về một giải pháp hòa bình hay ngoại giao để giải quyết bất đồng ở biển Đông.
Trong khi đó, báo Washington Times ngày 9-1 (giờ địa phương) đã đăng các ý kiến của nguyên Tư lệnh hạm đội Thái Bình Dương James A. Lyons và chuyên gia Richard D. Fisher ở Trung tâm Nghiên cứu và đánh giá quốc tế.
Các ý kiến nhận định TQ đã từ bỏ chính sách ngoại giao thận trọng (“che giấu năng lực, chờ đợi thời cơ”) thời Đặng Tiểu Bình và chuyển sang chiến lược gia tăng thách thức quân sự.
James A. Lyons và Richard D. Fisher ghi nhận chiến lược chuyển trục sang châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ chưa đủ ngăn chặn chiến thuật bắt nạt của TQ và chiến lược tránh đối đầu trực tiếp với TQ đã thất bại; vì vậy Mỹ cần chiến lược mới để duy trì vị thế lãnh đạo vì hòa bình và ổn định ở Tây Thái Bình Dương.
Nội dung chiến lược mới như sau:
● Mỹ cần xây dựng các khuôn khổ chính thức thúc đẩy thành lập liên minh hàng hải tại châu Á, củng cố thêm các hiệp ước quốc phòng song phương và mở rộng khuôn khổ hợp tác với các nước châu Á.
● Cần tiến hành cuộc tập trận vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) hằng năm thay vì hai năm một lần và không mời TQ tham gia. Tập trận có thể tiến hành theo hai cấp độ gồm phối hợp quân sự và hợp tác cảnh sát biển cộng thêm hoạt động nhân đạo và cứu trợ thiên tai.
Mô hình tập trận đa phương có thể được tiến hành thông qua hệ thống mô phỏng quân sự kỹ thuật số ở mỗi nước. Mỹ cần cho phép các nước đóng góp dữ liệu vào máy chủ trung tâm đặt tại đảo Guam. Các nước có thể truy cập dữ liệu từ máy chủ này.
DUY KHANG - THẠCH ANH
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét